Thông tin vừa được Giám đốc sở TT-TT cho biết tại buổi họp báo vào ngày 18/11.
Với chủ đề "Điểm hẹn Cà Mau", “Tuần Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau năm 2019” gồm các hoạt động chính: Hội chợ Thương mại và Du lịch quy mô 500 gian hàng; Liên hoan ẩm thực với điểm nhấn đặc sản cua Cà Mau 20 món; Khánh thành Cột cờ Hà Nội, Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ và các công trình tại Đất Mũi; Liên hoan giao lưu nghệ thuật toàn quốc; Hội thi Sân khấu cải lương không chuyên “Hương sắc Cửu Long”; Tọa đàm kết nối du lịch… Đặc biệt: sự kiện này còn có các đơn vị, doanh nghiệp các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc... tham gia.
Theo Ban tổ chức, dự kiến vào cao điểm của Tuần lễ (ngày 10 - 15/12) sẽ có khoảng 7.000 - 9.000 lượt khách đến Cà Mau - Đất Mũi. Sóng wifi sẽ được phủ trong khuôn viên Khu du lịch Đất Mũi, tạo thuận lợi để du khách quảng bá nhanh chóng hình ảnh du lịch nơi này.
Với vị trí địa lý đặc biệt, Cà Mau có ba mặt giáp biển. Phía Bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông - Đông Nam giáp biển Đông và phía Tây giáp Vịnh Thái Lan. Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền của tỉnh có thể ngắm được mặt trời mọc và mặt trời lặn.
Ngoài ra, Cà Mau còn có tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái, với trên 100.000 ha rừng tràm, rừng đước ngập nước đặc trưng đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau với diện tích khoảng 42.000 ha và Vườn quốc gia U Minh Hạ có diện tích trên 8.200 ha đang được quy hoạch, kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch sinh thái.
Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, trong 9 tháng năm 2019, địa phương đã đón đã đón gần 1,2 triệu lượt khách, tăng 15,4% so với cùng kỳ 2018. Tổng doanh thu của ngành du lịch trong 9 tháng qua đạt trên 1.860 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Địa phương này cũng đề ra kế hoạch phấn đấu đến năm 2030 sẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, doanh thu đạt 7.200 tỷ đồng, tạo việc làm cho 53.000 lao động.