“1 năm” thương trường sáng nay

Hoàng Phi - Ga Liên 25/01/2020 06:08

Các ông lớn chuyển dịch mạnh mẽ, các mối quan tâm mới khiến doanh nghiệp đau đầu, và những chiến lược mới để sinh tồn.

Sức ép vĩ mô áp xuống các doanh nghiệp Việt 2019 rất lớn, các ông lớn chuyển dịch mạnh mẽ, các mối quan tâm mới khiến doanh nghiệp đau đầu, và những chiến lược mới để sinh tồn.

Thương trường thời đại mới, “sự trung thành” của người tiêu dùng bỗng trở nên xa xỉ. Để tồn tại, các doanh nghiệp phải neo vào các Hệ sinh thái, giữ chân khách hàng bên trong mạng lưới của mình.

Hệ sinh thái doanh nghiệp Việt như một “đàn sếu” cất cánh bay. Những “con sếu” đầu đàn đi trước dẫn đường. Những “con sếu” đi sau hỗ trợ và cộng sinh với sếu đi trước. Tất nhiên, chỉ có những con sếu chứng tỏ được giá trị của mình mới tồn tại được trong đàn. Cuộc chiến giành chỗ đứng trong đàn, vì thế, rất quyết liệt.

Trong cuộc đua vươn lên trở thành sếu đầu đàn, những tập đoàn lớn nhất Việt Nam năm 2019 có những nước đi khó ai ngờ tới được.

Bất ngờ lớn nhất có thể kể đến VinGroup và Masan. VinGroup bỏ hẳn VinPro và Adayroi, chuyển nhượng toàn bộ chuỗi siêu thị VinMart/VinMart+ cho Masan. Có lẽ VinGroup đang hướng tới cô đọng hệ sinh thái của mình xoay quanh 1 chữ ‘công nghệ cao’ - với VinSmart (Điện thoại thông minh), VinFast (Ô tô), và VinUni (Đại học).

Về phần Masan, vốn là ông lớn trong ngành thực phẩm và đồ uống, khi có trong tay hơn 100 siêu thị và 1.800 cửa hàng tiện lợi, hàng hóa của Masan sẽ đảm bảo được đầu ra.

Kế đến là những trái ngọt trong cuộc hợp tác giữa Thaco và HAGL. Sau giai đoạn khó khăn, con đường của HAGL có vẻ rõ ràng hơn khi họ bỏ bò, thủy điện, bất động sản để trồng cây ăn trái, và dự định mới nhất là trồng cafe. Còn Thaco dường như đang rất hứng thú với nông nghiệp, khi không chỉ HAGL, mà còn đầu tư giải cứu “vua cá tra một thời” Hùng Vương.

FPT sau một thời gian loay hoay “không biết làm gì” trong vị thế một trong những ‘ông trùm’ CNTT, 2019 họ có vẻ đã tìm ra long mạch với chiến lược “chuyển đổi số”. Đây có vẻ là nước đi đúng đắn, khi họ vừa có thể tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao từ hệ thống đại học của mình, vừa tránh được các đối thủ khác ngày càng lớn lên trong lĩnh vực truyền hình trực tuyến và viễn thông. Giáo dục và chuyển đổi số có lẽ sẽ là hệ sinh thái của FPT.

Thế Giới Di Động thì dường như muốn trở thành ông vua bán lẻ, khi tận dụng chuỗi cửa hàng lên tới nhiều ngàn của mình để bán từ thiết bị di động, hàng điện tử đến thực phẩm, đồng hồ, mắt kính, đến cả nồi niêu xoong chảo và thuốc.

Ở những mảng khác, các con sếu đầu đàn vẫn đang băng băng tiến lên mà dường như không có đối thủ nào cạnh tranh nổi: Vinamilk với ngành sữa, Vietcombank với ngành ngân hàng, SSI với ngành chứng khoán,...

2019 là năm sóng gió với hàng loạt công ty tầm trung, trong đó Quản trị khủng hoảng, Quản trị chất lượng, và Quản trị đối tác nổi lên như những vấn đề chính.

Vụ bê bối của Chinsu và Asanzo cho sự khác biệt trong quản trị khủng hoảng. Cùng dính vào bê bối chết người, nhưng Chinsu đã ra được khỏi tâm bão, còn Asanzo vẫn mù mịt tương lai. Luật pháp rất quan trọng, nhưng làm truyền thông cũng quan trọng không kém.

Cộng đồng mạng Việt trong năm 2019 cũng có một vũ khí mới cực kỳ ‘chết người’, đó là đánh giá 1 sao. Nếu trong khủng hoảng, doanh nghiệp không xử sự đúng cách với người tiêu dùng, cơn bão 1 sao sẽ đổ đến và hậu quả không thể đo lường hết. Burger King, Resort Aroma, Tripadvisor là những nạn nhân.

2019, hàng loạt các startup triệu USD suy giảm. Lazada là một minh chứng, từ sàn thương mại điện tử có lượng truy cập nhiều nhất, giờ đây Lazada đã lọt khỏi top 4. Lý do không gì khác ngoài khâu quản trị chất lượng hàng hoá được bán trên sàn của mình. Giá rẻ không có ý nghĩa gì khi món hàng đó không sử dụng được, Lazada đã trả giá cho sự lỏng lẻo của mình, Shoppe, Sendo, Tiki thừa thế xông lên.

Trường hợp của Go-Việt cũng rất đáng để bàn. Một năm trước, Go-Việt được coi là ngang tài ngang sức với Grab, tuy nhiên, bây giờ đã sụt giảm thê thảm. Nguyên nhân đến từ bất ổn nội bộ, minh chứng ở việc thay CEO liên tục, đến thay đổi chính sách, gây bất mãn tài xế - là các đối tác quan trọng, và chất lượng đi xuống.

Một nạn nhân khác của quản trị đối tác không hiệu quả là Yeah 1, khi họ dựa quá nhiều vào một đối tác Youtube, khi đối tác quay lưng, họ cũng điêu đứng.

Áp lực chuyển đổi nhanh khiến những con sếu vừa bắt đầu hiện nguyên hình - con nào khoẻ sẽ đi tiếp, con nào không đủ lực sẽ phải rút khỏi đàn.

Với hoàn cảnh kinh tế đầy cạnh tranh như hiện nay, sự tồn tại độc lập của sếu con là vô cùng khó khăn.

Vì vậy, một trào lưu khác đang nổi lên. Các công ty không tập trung vào xây dựng một cái gì riêng cho họ nữa, thay vào đó làm một cái gì đó bổ trợ cho các ông lớn, để cùng cộng sinh với nhau theo mô hình đàn sếu.

Xu hướng này thể hiện rõ trong chương trình Shark Tank - dường như trước khi mở lời đề nghị cho bất kỳ deal nào, các shark cũng cân nhắc liệu có thể tích hợp được doanh nghiệp trẻ này vào hệ sinh thái của mình không. Như Shark Bình và Shark Dzung với hệ sinh thái công nghệ, Shark Thuỷ với hệ sinh thái giáo dục, Shark Hưng với hệ sinh thái bất động sản, Shark Việt với hệ sinh thái chăm sóc sức khoẻ.

Không chỉ là startup công nghệ mới đi theo chiến lược này. Mọi doanh nghiệp hiện nay, đều có xu hướng là trước khi bắt tay làm gì, cũng phải tìm được cho mình một hệ sinh thái để bước vào. Mở một quán cafe, người chủ cân nhắc các quyết định như: nên tích hợp và cung cấp ưu đãi qua ứng dụng thanh toán nào, qua ứng dụng giao hàng nào, nên hợp tác với tổ chức nào để biểu diễn nhạc sống, nên cho startup nào đó thuê lầu trên không,...

2019 tuy có diễn biến phức tạp, chung quy lại vẫn tuân theo quy luật và mới chỉ là điểm khởi đầu. Cùng trông chờ xem đàn sếu Việt Nam sẽ diễn biến thế nào trong 2020.

Bài: Hoàng Phi

Thiết kế: Ga Liên

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“1 năm” thương trường sáng nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO