Ngày 20/4, Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia công bố 116 doanh nghiệp, trong đó 61 doanh nghiệp thuộc danh sách năm 2019 và năm 2020 là 55 doanh nghiệp.
Bên cạnh 116 doanh nghiệp đoạt giải quốc gia còn có 4 doanh nghiệp được chọn để trao Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2019.
Các doanh nghiệp có những thành công về kinh doanh nói chung và năng suất chất lượng nói riêng, những doanh nghiệp tiêu biểu nhất được Thủ tướng ký quyết định trao giải thưởng chất lượng Quốc gia vì đáp ứng 7 tiêu chí của giải thưởng, trong đó có áp dụng công nghệ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lần trao giải này gộp cả năm 2019 và 2020.
Ông Lê Xuân Định đánh giá cao các doanh nghiệp tiêu biểu được giải cũng như nỗ lực vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 và đứng vững thông qua việc đầu tư công nghệ, hệ thống quản trị... để phát triển. Ông cũng hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ các doanh nghiệp tiếp tục có những thành công về kết quả sản xuất kinh doanh, năng suất chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông nhấn mạnh: “Sau 25 năm triển khai, đến lúc cũng phải cập nhật những thêm những tiêu chí mới công bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, đổi mới sáng tạo, đại dịch Covid 19,…để đưa thêm các trọng số phù hợp trong việc đánh giá năng lực thích nghi và phát triển của các doanh nghiệp trong điều kiện mới”.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, ước tính doanh thu của các doanh nghiệp đạt giải là hơn 192 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận là hơn 17 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 7 nghìn tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 100 nghìn người lao động. Đây là một kết quả rất đáng tự hào.
Để được giải thưởng, các doanh nghiệp cần đáp ứng 7 tiêu chí từ quản trị đến đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. 7 tiêu chí có tổng điểm là 1.000, trong đó: Vai trò của lãnh đạo (120 điểm); hoạch định chiến lược (85 điểm); định hướng vào khách hàng và thị trường (85 điểm); đo lường, phân tích và quản lý tri thức (90 điểm); quản lý, phát triển nguồn nhân lực (85 điểm); quản lý quá trình hoạt động (85 điểm); kết quả hoạt động (450 điểm).
Việc đánh giá và tuyển chọn được tiến hành theo 2 cấp: Hội đồng sơ tuyển cấp tỉnh/thành phố và Hội đồng Quốc gia. Trên cơ sở danh sách các doanh nghiệp được Hội đồng sơ tuyển đề xuất, Hội đồng Quốc gia lựa chọn, đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia hàng năm.
Giải thưởng Chất lượng Việt Nam triển khai từ năm 1996. Sau hơn 10 năm (từ năm 2009), Giải thưởng Chất lượng đã được đưa vào Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Từ đây, Giải mang tên Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - là Giải thưởng về Chất lượng do Thủ tướng quyết định trao tặng hàng năm. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) là cơ quan thường trực Giải thưởng.
Qua 25 năm, đã có 2.030 lượt doanh nghiệp nhận được giải thưởng này, mang lại uy tín, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 - 2020 sẽ diễn ra từ 9h00 - 11h30 ngày 25/4 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, số 7 Nguyễn Tri Phương, Hà Nội.