15 năm cùng đất nước khởi nghiệp

Phạm Dũng 05/11/2018 10:10

Sau hành trình dài, đặt dấu chân lên 32 tỉnh thành, gần 100 trường ĐH, CĐ, đồng hành cùng đất nước trên con đường phát triển đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân.

Qua Chương trình Khởi nghiệp này, đã xuất hiện nhiều nhà quản trị, nhiều nhà kinh doanh giỏi. Thực sự, Chương trình Khởi nghiệp là sân chơi, là vườn ươm ý tưởng cho thế hệ trẻ Việt Nam” – Đọc lại lời tâm sự của bà Nguyễn Thị Doan – Nguyên Phó Chủ tịch nước tại Fesival Khởi nghiệp 2009 - làm những người đi “gieo mầm” khởi nghiệp thấy tự hào và kiên định hơn với sứ mệnh lớn lao của mình.

Chặng đường 15 năm (2003-2018) thực sự là giai đoạn lịch sử của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia với những dấu ấn trong lòng cộng đồng khởi nghiệp, không chỉ là lá cờ tiên phong mà còn là những đóng góp lớn lao cho phong trào khởi nghiệp qua các thế hệ thanh niên – sinh viên Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng của Chương trình khởi nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian hàng của Chương trình khởi nghiệp

Đội đạt giải Nhất của Cuộc thi Khởi nghiệp 2017 được nhận giải thưởng Mai An Tiêm đầu tiên cho dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất của chương trình Khởi nghiệp quốc gia do TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI trao tặng. Đặc biệt, giải thưởng Mai An Tiêm định kỳ sẽ được trao cho các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu hàng năm ở nước ta.

Từ bản ký kết đầu tiên…

Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp dẫn dắt đội ngũ làm công tác khởi nghiệp của Báo hôm nay là người đặt nền móng và xây lên hình hài của Chương trình Khởi nghiệp, người đã gắn bó, dành phần lớn thời gian của mình cho sự nghiệp “ươm tạo” doanh nhân.

Lật lại bức ảnh ký kết thoả thuận giữa VCCI và Tập đoàn GE – Nhật Bản về hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam, có thể nhận ra ngay. “Ngày đó khi được Tập đoàn GE đặt vấn đề sẽ chuyển giao Format và tài trợ cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên Việt Nam thông qua Bộ giao giao, chúng tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì sắp tới Việt Nam sẽ có 1 sân chơi lớn toàn quốc, chắp cánh tình yêu khởi nghiệp cho sinh viên, nhưng lo vì thực sự “khởi nghiệp” còn quá mới mẻ ở Việt Nam. Nhưng tôi có niềm tin và cảm giác đây là duyên phận với mình”. Ông Tuấn chia sẻ đó là viên gạch đầu tiên của chương trình

Năm 2003, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp dành cho sinh viên lần đầu tiên được tổ chức, đánh dấu sự ra đời của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia, cũng là chương trình duy nhất thời bấy giờ được chuẩn hoá và có tổng thể các hoạt động về hỗ trợ khởi nghiệp.

Trải qua 15 năm, Chương trình đã không ngừng thay đổi để phù hợp với tình hình trong nước cũng như xu thế khởi nghiệp thế giới.

... tới hành trình lịch sử

“Vạn sự khởi đầu nan”, Quả thực, 7 năm đầu tiên (2003-2010) là giai đoạn dài đầy khó khăn, bởi lúc bấy giờ rất hiếm người biết và hiểu đúng nghĩa của 2 từ “khởi nghiệp”, “nghề” doanh nhân dường như còn xa lạ lắm với người dân “con Lạc cháu Hồng”.

Càng khó khăn hơn khi là Chương trình đầu tiên làm về khởi nghiệp ở VN, mọi thứ luôn phải tự mò mẫm từ cách làm, hướng đi. Với chúng tôi, khởi nghiệp phải đi vào thực chất, không chạy theo phong trào, vì thế làm thế nào để ra được mô hình tổng thể các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia, tỉnh, trường Đại học luôn được trăn trở. Nhưng cứ đi rồi sẽ thành đường, Chiến lược trong giai đoạn đầu của Chương trình tập trung đi vào nhận thức của các tầng lớp xã hội, cung cấp kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, nâng cao tinh thần nghiệp chủ, tạo cảm hứng kinh doanh cho các bạn thanh niên – sinh viên.

Các hoạt động như đào tạo, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, phát động cuộc thi khởi nghiệp, công tác truyền thông về khởi nghiệp được triển khai rộng khắp tại nhiều trường đại học và các tỉnh, thành trong cả nước. Sau những chuỗi ngày vất vả lặn lội tới từng địa phương, từng đơn vị, chương trình đã góp phần thay đổi suy nghĩ về khởi nghiệp trong đội ngũ lãnh đạo các địa phương, ban giám hiệu và giảng viên của trường học. Ngày nay, nhìn hoạt động khởi nghiệp diễn ra sôi nổi tại các tỉnh, thành, các đơn vị thì đằng sau đó luôn có hình bóng của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia.

Cuộc thi Khởi nghiệp đầu tiên dành cho sinh viên năm 2003.

Cuộc thi Khởi nghiệp đầu tiên dành cho sinh viên năm 2003.

Bước ngoặt lịch sử

Bước sang giai đoạn mới, từ năm 2011 – 2018, Khi khởi nghiệp trên toàn quốc đã được toàn hệ thống chính trị xác định là mũi nhọn đột phá của nền kinh tế đất nước và được giới trẻ đón nhận tích cực. Chương trình nhận thấy sứ mệnh “gieo mầm” và lan tỏa của mình đã đạt những thành công và cần phải chuyển sang giai đoạn mới phù hợp với thực tiễn. Giai đoạn này, Chương trình đẩy mạnh triển khai các hoạt động tổng thể về hỗ trợ tăng tốc, tiến tới hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Ngoài các hoạt động chính được duy trì từ giai đoạn trước, Ban tổ chức triển khai thêm các nội dung như: Hỗ trợ tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư; phát triển các Câu lạc bộ khởi nghiệp, Ngày hội khởi nghiệp, Sàn giao dịch ý tưởng, Hội chợ ý tưởng kinh doanh sáng tạo, Xây dựng và phát triển cổng thông tin khởi nghiệp, Diễn đàn khởi nghiệp thường niên... 

Chương trình còn mở rộng đối tượng tham gia như bộ đội xuất ngũ, thanh niên nông thôn nhằm góp phần khơi dậy tinh thần nghiệp chủ cho các tầng lớp bạn trẻ. Việc tổ chức các lớp đào tạo giảng viên nguồn TOT; đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành lập Hội đồng Cố vấn; ra mắt Hệ sinh thái hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp … đã góp phần bổ sung thêm đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên, các cố vấn cho việc triển khai các hoạt động khởi nghiệp. Một số trường đại học cũng như các địa phương sau khi được chuyển giao format chương trình đã tự mình tổ chức chuỗi các hoạt động khởi nghiệp; thậm chí, có trường đã đã đưa khóa học Khởi sự kinh doanh làm môn học lựa chọn.

Trong giai đoạn này, Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia lần thứ Nhất được tổ chức vào năm 2015 đã nêu vấn đề Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, trong đó đề cao việc đổi mới từ những công nghệ đột phá, tạo dựng thị trường thương mại hóa các đề tài nghiên cứu khoa học; phát triển mô hình công ty ươm tạo; các công ty khởi nghiệp, thành lập các mô hình liên kết nhà trường - doanh nghiệp - chính quyền.

Năm 2018, kết thúc năm thứ 15, đánh dấu 1 chặng đường dài xây dựng, đồng hành cùng công cuộc “quốc gia khởi nghiệp” của đất nước. Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã kịp lưu lại trang sử những thành tựu mà hiếm có chương trình nào làm được. Trong 15 năm, Chương trình đã thu hút được hàng vạn lượt bạn trẻ với khoảng 4.000 dự án có giá trị thực tiễn được hình thành, nhiều dự án đi vào triển khai, nhiều bạn thanh niên, sinh viên đã thành lập và điều hành thành công doanh nghiệp của mình.

Quản trị cộng đồng

Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia đã góp phần khơi dậy tinh thần nghiệp chủ, tạo cơ hội phát huy sức sáng tạo, ý chí tự lập, bản lĩnh kinh doanh trong thanh niên, sinh viên, góp phần tạo nên một số lượng không nhỏ các nhà doanh nghiệp trẻ. Nhiều tác giả của các dự án khởi nghiệp đã trở thành các CEO điều hành những doanh nghiệp lớn trên toàn quốc. Trong giai đoạn tiếp theo (2019 – 2021), với tinh thần của một Quốc gia Khởi nghiệp, Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia với lợi thế đã xây dựng được một Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp toàn diện sẽ tiếp tục đổi mới về nội dung triển khai để tạo sự đột phá, phù hợp với nhu cầu thực tế.

Các hoạt động khởi nghiệp sẽ tập trung vào 2 nội dung cơ bản: tiếp tục phát triển Mạng lưới cộng đồng khởi nghiệp và Hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp với đối tượng hướng đến là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Một đối tác quốc tế đã định nghĩa vai trò của báo trong hoạt động đầy ý nghĩa này: Community Manager - quản trị cộng đồng. Các hoạt động này hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân giàu kiến thức, kỹ năng, sáng tạo, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, có văn hóa kinh doanh và có năng lực cạnh tranh cao, góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
15 năm cùng đất nước khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO