2025 - Đích đến cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN

L. MỸ 18/03/2022 12:21

Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký phê duyệt.

Cụ thể, đề án nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là một trong những đơn vị có phương án

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là một trong những đơn vị ngay từ đầu năm 2022 đã có phương án cơ cấu lại đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc được Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hoàn thiện. Ảnh: ĐSVN

Cơ bản hoàn thành sắp xếp lại khối DNNN, chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Đồng thời, cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN. Cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, không làm mất thương hiệu, bản sắc doanh nghiệp; đánh giá, xác định đầy đủ các nguồn lực vốn, đất đai, thương hiệu.

Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế…

Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN. Đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN.

Phê duyệt Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 của toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (bao gồm cả các tập đoàn kinh tế, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần), DNNN. Tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả để có kết quả thực chất, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục cơ cấu lại DNNN; hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với DNNN; nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của tổ chức đảng tại DNNN.

Về tiếp tục cơ cấu lại DNNN, xác định lộ trình phù hợp để cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đánh giá chính xác, xác định đầy đủ giá trị doanh nghiệp, bao gồm cả các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu; không làm mất thương hiệu, bản sắc doanh nghiệp, không để thất thoát vốn, tải sản nhà nước.

Giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, uy tín và thương hiệu trên thị trường.

>> Chỉ cổ phần hóa doanh nghiệp làm ăn không tốt

Thí điểm lựa chọn một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý để đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.

Tiến độ cổ phần hóa DNNN đến nửa đầu năm 2021

Tiến độ cổ phần hóa DNNN từ 2016 đến nửa đầu năm 2021

Rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để có phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội. Tạo cơ chế để doanh nghiệp chủ động, tự chủ trong xử lý dự án, Nhà nước sử dụng nguồn lực theo quy định của pháp luật để hỗ trợ việc giải thể, phá sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.

Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký cũng nêu rõ, cần kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai... và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc, khó khăn phát sinh trong cơ cấu lại DNNN, đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.

Hoàn thiện quy định về việc Nhà nước đặt hàng, lựa chọn cạnh tranh DNNN tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác giữa các DNNN và giữa DNNN với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác; đổi mới quản trị doanh nghiệp trong các DNNN theo nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; đổi mới cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động, người quản lý, điều hành DNNN hợp lý, có tính cạnh tranh cao gắn với năng suất laod dộng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tăng cường chất lượng công tác quản trị doanh nghiệp, điều chỉnh phương thức quản trị doanh nghiệp tiếp cận "mô hình quản trị tốt" theo thông lệ quốc tế. Hình thành đội ngũ quản lý DNNN chuyên nghiệp, có trình độ cao; lành mạnh hóa tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.

Phát huy vai trò dẫn dắt của DNNN trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị, nhất là trong ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ.

Tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu, truyền thống, lịch sử... tại doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ vốn, tài sản nhà nước, tài sản doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ cấu lại và triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động của DNNN, kiểm soát quyền lực, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025". 

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính cần tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, bảo đảm kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, DNNN làm nòng cốt, ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo các chủ trương của Đảng. Đồng thời đề nghị việc cơ cấu lại phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; duy trì, củng cố và phát triển các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu tốt.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cần "Làm rõ, tránh đồng nhất việc cơ cấu lại là thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp". Bên cạnh đó, yêu cầu việc cách thủ tục hành chính cần mạnh mẽ, đơn giản hóa, tránh rườm rà, lãng phí để đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương; phân định rõ nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, có kết quả cụ thể trong tổ chức thực hiện các nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp.

Như vậy, theo Quyết định chính thức vừa được phê duyệt, 2025 sẽ là đích thời điểm của việc cơ bản hoàn thành sắp xếp và chuyển đổi sở hữu khối DNNN. Theo quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung phê duyệt Đề án tại Nghị quyết, đích "cơ cấu lại" này không đồng nghĩa là đích của thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp.

Theo thống kê của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), kết thúc giai đoạn 2016 - 2020, kết quả thực hiện kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn vẫn còn ì ạch với 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và khoảng 242 doanh nghiệp cần thực hiện thoái vốn.

Có thể bạn quan tâm

  • Chỉ cổ phần hóa doanh nghiệp làm ăn không tốt

    Chỉ cổ phần hóa doanh nghiệp làm ăn không tốt

    04:40, 20/08/2021

  • Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 9: Cienco 1 liên tục đi “lùi”!

    Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 9: Cienco 1 liên tục đi “lùi”!

    04:00, 19/08/2021

  • Đón cơ hội từ doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn ngoài ngành

    Đón cơ hội từ doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn ngoài ngành

    11:55, 26/01/2022

  • Khó thoái vốn Nhà nước

    Khó thoái vốn Nhà nước

    04:30, 06/12/2021

  • SCIC “vỡ kế hoạch” thoái vốn?

    SCIC “vỡ kế hoạch” thoái vốn?

    16:22, 04/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
2025 - Đích đến cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO