Trong hai ngày 23 và 24/11, tại TP.Cần Thơ sẽ diễn ra Diễn đàn Mekong Connect năm 2022 với chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”.
Diễn đàn do UBND TP. Cần Thơ phối hợp tổ chức cùng các tỉnh trong Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp), TP.HCM, và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC).
Kết quả nghiên cứu trong báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL cho thấy, năm 2021, cả nước có 9 địa phương tăng trưởng âm, riêng ĐBSCL đã chiếm tới 6. Lĩnh vực nông nghiệp của ĐBSCL có mức tăng trưởng mạnh (3,4%), cao so với mặt bằng chung của cả nước, xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Tuy vậy, ngành nông nghiệp cũng không đủ sức vực dậy nền kinh tế vùng ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ của vùng đều tăng trưởng âm. Làm thế nào để kinh tế của Cần Thơ và toàn vùng có động lực mới, bứt phá trong giai đoạn mới sau đại dịch COVID-19, theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và Nhà nước mà trọng tâm là quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 là vấn đề được các địa phương quan tâm.
>>TRỰC TIẾP] Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long
Diễn đàn được tổ chức nhằm tìm ra các giải pháp đẩy mạnh liên kết, tích hợp các nguồn lực để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo đó, các nội dung nổi bật bao gồm: Nâng chất liên kết - tích hợp; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ cuộc chuyển đổi số; Viện trường và nguồn nhân lực cho kinh tế nông nghiệp; Kinh tế biên mậu; Kinh tế tuần hoàn; Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và chú trọng chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, về dài hạn, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế của vùng sẽ không đến từ nông nghiệp mà từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, nhận diện rõ nét và từng bước tháo gỡ những nút thắt cản trở sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL là điều kiện cần thiết để có thể phát triển vùng đất này. Để có thể triển khai những định hướng mới của quy hoạch tích hợp, đòi hỏi nhiều điều kiện có tính tiền đề, trong đó quan trọng nhất là phải thay đổi cơ bản về tư duy và tầm nhìn phát triển và phải xây dựng được thể chế quản trị và liên kết vùng thực chất, có hiệu lực. Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một cơ chế có tính pháp lý, có tiềm năng tạo ra và thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng.
Thông tin từ Ban tổ chức, diễn đàn chính sẽ diễn ra vào ngày 24.11. Mỗi tỉnh trong ABCD Mekong và lãnh đạo TP.HCM sẽ giới thiệu tiềm năng và tiến độ của 1 dự án liên kết quan trọng nhất mà địa phương dự kiến thực hiện trong năm 2023 nhằm kêu gọi đầu tư; thảo luận chung "Làm thế nào để thực hiện được các hoạt động liên kết tích hợp và đem lại giá trị trong thực tiễn" với 3 phiên và 4 chủ đề; tiến hành hoạt động ký kết giữa Bộ NNPTNT và Bộ KHCN với các tỉnh ĐBSCL và TPHCM.
Tại diễn đàn Mekong Connect năm nay sẽ có "Ngày hội khởi nghiệp - Phiên chợ Xanh" nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp giao lưu, bán hàng và kết nối xuất khẩu. Hoạt động diễn ra với nhiều nội dung phong phú và đa dạng.
Sau chương trình chương trình Mekong Connect 2022, Trung tâm BSA còn tiếp tục tổ chức cho các DN khởi nghiệp tham quan và giao lưu với một số doanh nghiệp tại TP.Cần Thơ như dược trà (giải nhì cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 8/2022); Xưởng sản xuất Lekima sấy dẻo (giải Cộng đồng cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 8/2022); Trung tâm khởi nghiệp hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc tại TP.Cần Thơ; Khu du lịch Cồn Sơn;…
Có thể bạn quan tâm
Liên kết nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long
17:20, 13/07/2022
Cơ hội nâng tầm giá trị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long
10:30, 21/06/2022
Vận hội mới cho Đồng bằng sông Cửu Long
02:00, 20/06/2022
{PHÓNG SỰ ẢNH} Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long
09:00, 26/05/2022
“Mở lối” cho Đồng bằng sông Cửu Long
13:26, 13/04/2022