3 hướng thay đổi cho nhân sự tuổi 30

PV 24/01/2019 08:30

Mức độ cạnh tranh ngày càng cao từ thị trường việc làm cũng tạo nên áp lực không nhỏ đối với nhân sự tuổi 30.

Theo một nghiên cứu của công ty truyền thông Censuswide (Anh) và trang mạng xã hội nghề nghiệp Linkedin (năm 2017), 75% người được hỏi ở độ tuổi 25 – 33 đều trải qua giai đoạn khủng hoảng tuổi trưởng thành, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là sự mất phương hướng trong sự nghiệp.

Đây là khi công việc đã quen tay, các mối quan hệ công việc cũng được thiết lập ổn định, nhưng cũng là lúc người lao động nhìn nhận lại và đánh giá về chặng đường đã qua, bắt đầu cảm thấy nhàm chán và mong muốn có sự thay đổi. Thế nhưng, quyết định thay đổi ở tuổi 30 không còn dễ dàng như ở tuổi 20 nữa. Bạn sẽ cảm thấy “lạc lối” trong rất nhiều nghi vấn:

Liệu đã quá muộn để thay đổi?
Có những sự lựa chọn thay đổi nào?
Làm thế nào để có quyết định thay đổi đúng đắn?...

Người lao động ở độ tuổi 30 dễ rơi vào khủng hoảng bởi cùng lúc họ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Phiên thảo luận thứ nhất của sự kiện đã chỉ rõ những vấn đề đó cùng những động lực thúc đẩy sự thay đổi.

Trước hết, đó là áp lực tâm lý từ việc không hài lòng với thành quả của bản thân. Sau khi đã bắt đầu sự nghiệp được khoảng 8 năm, đây thường là thời điểm để soi chiếu lại quá trình phát triển, đánh giá những thành tựu đã đạt được so với mục tiêu đề ra. Phần lớn sẽ không hài lòng với những gì đã làm được, một số còn cảm thấy bản thân đang đi lạc hướng so với dự định ban đầu. Theo ông Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn Đào tạo Nhân Việt, một tâm lý thường thấy khác là việc so sánh mình với bạn bè đồng lứa xung quanh và tự cảm thấy thua kém.

Theo ông Phan Huy Nam, Giám đốc CTCP Giá trị Cộng đồng SSKPI, bộ phận nhân sự này thường giải quyết vấn đề theo thói quen, kinh nghiệm đã tích luỹ, chứ không cố gắng tư duy để tìm ra giải pháp tốt hơn; họ cảm thấy mình đang “chậm chân tại chỗ”, nhưng lại không có nhiều nỗ lực tự thân để phát triển.

Dưới áp lực từ nhiều yếu tố bên ngoài, tuổi 30 cũng là thời điểm có nhiều thay đổi trong nhận thức và cách nhìn nhận cuộc đời. Ông Tùng chia sẻ, độ tuổi này không còn là lúc chúng ta nhìn cuộc đời màu hồng, cùng không còn những mơ ước viển vông và kế hoạch thay đổi thế giới. “Những áp lực của việc báo hiếu bố mẹ, lập gia đình, chăm sóc con cái… khiến bạn không hài lòng với thực tại và thúc đẩy bạn tạo sự thay đổi để trở nên tốt hơn”, ông Tùng nói.

Mức độ cạnh tranh ngày càng cao từ thị trường việc làm cũng tạo nên áp lực không nhỏ đối với nhân sự tuổi 30. Họ phải cạnh tranh với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, đam mê học hỏi và sự nhanh nhạy với công nghệ mới của bộ phận nhân sự mới ra trường. Trong khi đó, nhân sự tuổi 40, 50 lại có lợi thế hơn họ ở sự dày dặn kinh nghiệm, chuyên môn cùng mạng lưới các mối quan hệ bền vững trong tổ chức. Nếu nhân sự tuổi 30 không đủ năng lực và bản lĩnh để khẳng định giá trị của bản thân, họ sẽ không có được sự trọng dụng của tổ chức và khó đạt được sự thăng tiến trong công việc.

Các chuyên gia tại sự kiện đều khẳng định, tuổi 30 là thời điểm “vàng” cho những thay đổi mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp, và do vậy, cần có sự chuẩn bị tốt.

Thay đổi theo con đường nào?

1. Thay đổi môi trường làm việc

Khi đã có định hướng rõ về lĩnh vực nghề nghiệp, nhưng vẫn muốn tìm những điều mới mẻ, chinh phục thách thức, không muốn tiếp tục làm mãi theo một thói quen, bạn có thể cân nhắc lựa chọn thay đổi này (chuyển sang một tổ chức, doanh nghiệp khác). Để việc thay đổi đem lại hiệu quả, điều quan trọng là cần luôn đặt bản thân trong thế chủ động. Nếu ở trong thế bị động, tức là tình huống bắt buộc phải ra đi (ví dụ như công ty giải thể, hay bộ phận của bạn không còn cần thiết), bạn sẽ cảm thấy cực kỳ khó khăn và có chiều hướng suy nghĩ tiêu cực về tương lai. Ngược lại, nếu ra đi một cách chủ động, có kế hoạch chuẩn bị, bạn sẽ có tinh thần hào hứng, nhiệt huyết với mọi điều sắp xảy ra phía trước và sẽ tạo ra những kết quả tích cực.

2. Thay đổi lĩnh vực làm việc

Theo một nghiên cứu năm 2016 của trang thông tin tư vấn nghề nghiệp Career Advice, trung bình một người sẽ đổi hướng nghề nghiệp khoảng 5 - 7 lần trong suốt cả sự nghiệp. Vì vậy, rất có thể, ở lứa tuổi 30, sau một khoảng thời gian làm việc trong một lĩnh vực nào đó, bạn vẫn cảm thấy không thực sự phù hợp và nghĩ rằng, biết đâu mình sẽ làm tốt hơn ở một mảng khác. Chuyển hướng nghề nghiệp là một lựa chọn dành cho những người vẫn muốn tiếp tục con đường làm công ăn lương nhưng chưa chắc chắn về nghề nghiệp mình theo đuổi, hoặc mong muốn tìm hiểu sâu hơn về một lĩnh vực mới để phục vụ cho con đường khởi nghiệp sau này - theo ông Đỗ Mạnh Hà – thành viên HĐQT Crestcom Global.

Để giảm thiểu rủi ro, trước khi quyết định, bạn cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng về các tố chất cần có, những kiến thức, kỹ năng cơ bản của một nhân sự trong lĩnh vực mà bạn định thay đổi. Từ đó, bạn đối chiếu với những điểm mạnh, điểm yếu, khả năng tại thời điểm hiện tại và đánh giá mức độ phù hợp. Nếu cần thiết, bạn có thể tham gia một vài khoá học bổ trợ để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước sang một lĩnh vực với. Đặc biệt, sau khi đã quyết định, cần phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người trong ngành để nhanh chóng thích nghi với công việc, hoà nhập với môi trường và khẳng định khả năng của bản thân.

3. Khởi nghiệp

Một trong những tâm lý phổ biến nhất ở độ tuổi này là mong muốn xây dựng một cái gì đó cho riêng mình và rất nhiều người lựa chọn con đường khởi nghiệp. Thế nhưng, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch công ty FPT Software chia sẻ: “Theo thống kê của Viện công nghệ MIT năm 2014, độ tuổi trung bình để xây dựng một công ty khởi nghiệp thành công là từ 42 đến 45”. Ở tuổi 30, nếu thực sự muốn khởi nghiệp, cần có sự chuẩn bị thật sự kỹ lưỡng.

Ông Hà đánh giá, phần lớn thất bại khi khởi nghiệp tuổi 30 đều đến từ việc thiếu kỹ năng quản trị doanh nghiệp, vì xuất phát điểm của hầu hết những người sáng lập đều là một người làm công ăn lương bình thường. Bởi vậy, trước khi khởi nghiệp, hãy cho mình thời gian quan sát, học hỏi những kỹ năng cần thiết để quản trị một doanh nghiệp, nhận ra những vấn đề chung mà doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải và rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu CB Insights (Mỹ), 36% các công ty khởi nghiệp thất bại vì vấn đề nhân sự: bất đồng giữa các nhà đồng sáng lập hoặc do chất lượng của đội ngũ nhân sự nòng cốt. Bài học là, trên chặng đường khởi nghiệp, cần phải chọn được đúng bạn đồng hành, hiểu rõ về mối quan hệ cổ đông và thống nhất cách thức quản lý, làm việc hiệu quả giữa các thành viên trong đội ngũ nòng cốt.

Ngoài ra, từ hành trình khởi nghiệp 17 năm của chính mình, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Tổng Giám đốc công ty liên doanh Vinastone đã đưa ra lời khuyên cho những người có ý định khởi nghiệp ở độ tuổi này: việc cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp là điều cốt yếu để có được sức bền khi khởi nghiệp. Đặc biệt, đối với phụ nữ, cần có kế hoạch cụ thể cho việc lập gia đình, sinh con và phát triển công việc để vừa xây dựng một gia đình hạnh phúc, vừa có thể bứt phá trong sự nghiệp.

Thay đổi như thế nào? 

Hành trình thay đổi nào cũng cần bắt nguồn từ quá trình tìm kiếm và thấu hiểu bản thân. Theo ông Tùng, nhiều người ở độ tuổi 30 vẫn đang loay hoay trả lời câu hỏi: “Mình là ai?”. Họ không chỉ không hiểu mình, mà còn không biết trong mắt những người xung quanh mình có giá trị gì. Vì vậy, tuổi 30 là lúc bạn nên đánh giá và nhìn nhận lại chặng đường đã qua. Cụ thể về việc xác định điểm mạnh, điểm yếu, theo ông Nguyễn Khắc Long, Giám đốc điều hành Học viện The OlymWorld Academy, khi nhìn lại những công việc đã làm trong quá khứ, công việc nào bạn từng làm mà không biết mệt mỏi, đem lại nguồn thu nhập tốt nhất, và cấp trên, đồng nghiệp thực sự cần ở bạn thì đó chính là những điểm mạnh mà bạn cần nhận ra và hiểu rõ. Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy mình không thực sự yêu thích công việc này, nhưng đừng vội vàng từ bỏ. Hãy tập trung làm thật tốt những công việc là điểm mạnh của bạn, và khi đó có thể bạn sẽ nhận ra đam mê thực sự của chính mình. Quá trình tự nhìn lại sẽ giúp bạn đánh giá được mức độ phát triển của bản thân, so sánh những việc thực tế bạn đang làm với những kỳ vọng, mong muốn trước đó, tìm ra đam mê và xác định được điểm mạnh và điểm yếu của chính mình. Kết quả cuối của quá trình đó là cần trả lời những câu hỏi: “Điều quan trọng nhất trong cuộc đời bạn là gì?”; “Bạn hy vọng sẽ trở thành một người như thế nào?”; “Hãy tóm gọn giấc mơ của bạn trong một câu”.

Sau khi có sự nhìn nhận lại và hiểu rõ bản thân, bước tiếp theo là lên kế hoạch phát triển sự nghiệp cụ thể, rõ ràng. Trước tiên, bạn cần đánh giá về nguồn lực, khả năng và chỗ đứng hiện tại của bản thân. Từ đó, xác định đích đến cụ thể, những mục tiêu cần đạt được sau khoảng thời gian 5 năm hay 10 năm tiếp theo. Về mặt lý thuyết, những mục tiêu mà bạn xác định cần phải cụ thể (specific); có thể đánh giá, đo lường (measurable); có tính định hướng hành động (actionable); có liên quan đến nhau (relevant) và có thời gian hạn định (time-bound). Ông Tiến đã đưa ra một quan điểm thú vị về việc xây dựng mục tiêu: nếu thực sự muốn tạo sự thay đổi lớn, hãy đặt ra những mục tiêu khác biệt, “điên rồ”, bởi những mục tiêu ấy sẽ được thực hiện bởi các hành động khác biệt và dẫn đến những kết quả khác biệt. Từ mục tiêu, bạn cần vạch ra kế hoạch hành động trong từng giai đoạn, liên tục rà soát, đánh giá hiệu quả công việc và có sự điều chỉnh kế hoạch hành động nếu cần.

Kế hoạch phát triển sự nghiệp sẽ là cả một lộ trình không ngừng học hỏi, nỗ lực và phát triển bản thân, mà ông Hà gọi là “lộ trình học tập trọn đòi”. Trong đó, khả năng tự học là yếu tố tiên quyết tạo nên những nhân sự có tính cạnh tranh cao và thích ứng với nhiều hoàn cảnh. Để việc học tập ở độ tuổi này phát huy hiệu quả, cần đảm bảo hai yếu tố: muốn học và có khả năng học. Ngoài ra, điều quan trọng còn là cần biết cách cân bằng và sắp xếp thời gian, công việc để có thể tập trung cho việc học. Tại sự kiện, ông Phan Hữu Lộc, Tổng Giám đốc công ty VMP Global Training đã giới thiệu mô hình A-C-T để nâng cao kỹ năng tự học, bao gồm: A (Action) - kiến thức này có thể áp dụng bằng cách nào; C (Change) - kiến thức này có giúp thay đổi tư duy, hành động không; T (Train) - kiến thức này có thể chia sẻ cho mọi người như thế nào?

Học có hiệu quả khi kiến thức giúp phát triển và tối đa hoá năng lực cá nhân. Theo ông Lộc, quá trình này là một vòng tròn gồm các bước: (1) xác định thái độ học tập và mức độ cần thiết của việc học; (2) chủ động tìm hiểu, học hỏi kiến thức đó; (3) biến kiến thức thành kỹ năng thông qua quá trình luyện tập liên tục. Ông Tiến khẳng định, việc chủ động học hỏi không chỉ giúp nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng làm việc, mà còn đem lại những luồng tư duy mới mẻ, sáng tạo, khơi nguồn cảm hứng cho các công việc sau này. 

Hội thảo “Cơ hội và Thay đổi ở tuổi 30” do Tạp chí Doanh Nhân tổ chức diễn ra vào ngày 1/12/2018 với 3 phiên thảo luận, giải quyết các vấn đề chính:

* Trả lời câu hỏi: có nên thay đổi hay không?
* Phân tích SWOT bản thân trước ngưỡng cửa thay đổi
* Cách thức chuẩn bị về tư duy, chiến lược và kỹ năng để có bước nhảy nghề nghiệp thành công

Sự kiện đã mang tới những chia sẻ của nhiều diễn giả uy tín là các nhà quản trị doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn, đào tạo như: bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Tổng Giám đốc công ty liên doanh Vinastone, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Software, ông Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn Đào tạo Nhân Việt, ông Phan Hữu Lộc – Tổng Giám đốc VMP Global Traning, ông Nguyễn Khắc Long – CEO học viện The OlymWorld Academy, ông Đỗ Mạnh Hà – thành viên HĐQT Crestcom Global, ông Phan Huy Nam – Giám đốc CTCP Giá trị Cộng đồng SSKPI.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
3 hướng thay đổi cho nhân sự tuổi 30
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO