Ngành Dầu khí có 5 công trình nghiên cứu khoa học công nghệ được trao giải đợt này.
Ngày 21/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2019 và Giải thưởng WIPO năm 2019. Ngành Dầu khí có 5 công trình nghiên cứu khoa học công nghệ được trao giải đợt này.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch VUSTA Đặng Vũ Minh nhấn mạnh: Trải qua 25 năm tổ chức (1995 - 2020), Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam đã có 2.671 công trình tham dự và 894 công trình đạt giải thưởng, tập trung vào các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của nhà nước như: Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, cơ khí và tự động hóa...
Các công trình đạt giải đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết được các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng.
Năm 2019 đã có 93 công trình được gửi về tham dự thuộc 6 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông (13 công trình); Cơ khí - tự động hóa (15 công trình); Công nghệ vật liệu (14 công trình); Công nghệ sinh học (28 công trình); Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên (13 công trình); Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới (10 công trình).
Hội đồng Giám khảo đã xem xét, đánh giá các công trình một cách trung thực, khách quan, quyết định trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2019 cho 40 công trình bao gồm: 5 giải Nhất, 8 giải Nhì, 8 giải Ba, 19 giải Khuyến khích.
Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 5 công trình đoạt giải. 5 công trình của ngành Dầu khí được trao giải trong đợt này gồm: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cụm thiết bị chuyên dụng phục vụ cho việc thay thế cần nâng hạ của cẩu trên các giàn khoan biển tự nâng” của tác giả Nguyễn Sỹ Anh (chủ biên) và các cộng sự Xí nghiệp Điều hành khoan, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) đạt giải Nhì lĩnh vực Cơ khí - Tự động hóa.
Trong lĩnh vực Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, công trình “Giải pháp tối ưu hóa vận hành phân xưởng KTU ở công suất cao hơn công suất thiết kế nhằm tăng sản lượng sản xuất nhiên liệu Jet A1” của Thạc sỹ Nguyễn Nhanh và các cộng sự Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt giải Nhì.
Lĩnh vực Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới có 3 công trình của BSR đạt giải Khuyến khích gồm: Công trình “Tối ưu hóa phương pháp xử lý hydro xung cấp cho phân xưởng PP Nhà máy Lọc dầu Dung Quất” của tác giả Trương Đức Hanh và cộng sự; công trình “Tối ưu hóa hao hụt phân xưởng PP bằng thu hồi dòng OFF Gas” của tác giả Ngô Kim Phụng và cộng sự; và công trình “Giải pháp sử dụng nguồn nước công nghệ (Process) tại bình tách D-1106 tách muối (Desalter) và đường đỉnh của tháp chưng cất T-1101 tại phân xưởng chưng cất dầu thô CDU” của tác giả Nguyễn Nhanh và cộng sự.
Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tác giả và nhóm tác giả đạt giải Nhất và các tác giải đạt giải cao trong cuộc thi triển lãm sáng tạo khoa học quốc tế tại Hàn Quốc năm 2019. Trong đó, tác giả Lê Quốc Việt, Tổ trưởng Công nghệ, Ban Nghiên cứu và Phát triển (BSR) vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích ứng dụng công trình đoạt giải thưởng vào sản xuất và đời sống, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng đã trao giải cho 2 công trình của BSR là công trình “Khử nhũ bền dầu trong nước chua nhằm ổn định vận hành phân xưởng xử lý nước chua và các phân xưởng công nghệ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất” của tác giả Lê Quốc Việt và công sự đạt giải Bạc; và công trình “Tinh chỉnh và tối ưu thông số vận hành phân xưởng PRU (Propylene Recovery Unit) nhằm tối đa thu hồi sản phẩm propylene trong điều kiện phân xưởng vận hành ở công suất cao 110 - 115% thiết kế” của tác giả Hồ Quang Xuân Nhàn và công sự đạt giải Đồng đã tham gia tại Triển lãm quốc tế về khoa học công nghệ WIPO Hàn Quốc 2019.
Nhân dịp này, Ban tổ chức giải thưởng cũng đã trao Bằng khen cho tập thể Ban Công nghệ An toàn và Môi trường - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; và bà Lê Thị Phượng, Phòng Khoa học và Công nghệ, Ban Công nghệ An toàn và Môi trường - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, phổ biến về giải thưởng.
Các tác giả đoạt giải là những cán bộ, kỹ sư đã luôn phát huy và đẩy mạnh phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật với mong muốn tạo ra được nhiều giải pháp hữu ích, sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả nhất cho ngành Dầu khí nói riêng và cho xã hội nói chung.
Ngoài các phần thưởng của Ban tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã tặng Bằng Lao động sáng tạo cho các tác giả là chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của các công trình đoạt giải Nhất, Nhì, Ba; trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo và Bằng khen của Trung ương Đoàn cho các tác giả trẻ có độ tuổi dưới 35 tuổi.
Ngay sau lễ trao giải, thay mặt Ban tổ chức, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát động Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020.