42% hồ sơ thủ tục hành chính xây dựng phải sửa đổi bổ sung

THY HẰNG 19/03/2021 03:30

Trong tỷ trọng chi phí thời gian và chi phí trực tiếp của nhóm thủ tục hành chính Xây dựng thì chi phí thời gian chỉ chiếm 20%, còn lại là chi phí trực tiếp.

Điểm APCI 2020 của nhóm thủ tục hành chính Xây dựng giảm 5,8 điểm so với điểm APCI 2019. So sánh các kết quả về tổng chi phí trực tiếp thời gian hay chi phí trực tiếp cho việc thực hiện các thủ tục hành chính trong nhóm thủ tục hành chính Xây dựng cho thấy gánh nặng chi phí trực tiếp tăng cao đối với doanh nghiệp.

số giờ làm việc bình quân mà mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra cho TTHC xây dựng là 21,2 giờ.

Số giờ làm việc bình quân mà mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra cho thủ tục hành chính xây dựng là 21,2 giờ.

Duy nhất 1 doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến

Một số doanh nghiệp được khảo sát nhận định rằng xu hướng bùng nổ nguồn cung của thị trường bất động sản trong năm 2019 đã phần nào ảnh hưởng đến chính sách quản lý thị trường bất động sản, dẫn đến sự thắt chặt của cơ quan quản lý trongthẩm định công trình và cấp phép xây dựng.

Theo đó, trong tỷ trọng chi phí thời gian và chi phí trực tiếp của nhóm thủ tục hành chính Xây dựng thì chi phí thời gian chỉ chiếm 20% trong tổng chi phí trực tiếp của nhóm thủ tục hành chính Xây dựng. 4/5 chi phí còn lại là chi phí trực tiếp mà doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính về Xây dựng.

Cụ thể, số giờ làm việc bình quân mà mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra cho thủ tục hành chính xây dựng là 21,2 giờ. Trong số các bước thực hiện các thủ tục hành chính về xây dựng, hai bước liên quan đến hồ sơ là chuẩn bị hồ sơ và chỉnh sửa bổ sung hồ sơ là các bước mất nhiều thời gian nhất, chiếm 70,8% tổng thời gian thực hiện.

Cụ thể, trong 21,2 giờ của doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về xây dựng, doanh nghiệp dành đến 9 giờ (42,2%) cho bước chuẩn bị hồ sơ và 6,1 giờ (28,6%) cho bước chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ (Hình 57). Điều này cũng phản ánh đặc thù về mức độ phức tạp của hồ sơ trong các thủ tục xây dựng, đặc biệt là thời gian làm việc với bêntư vấn thiết kế bản vẽ và thu thập đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu.

Tỷ lệ sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong nhóm thủ tục hành chính Xây dựng rất cao với khoảng 42% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Những doanh nghiệp này thường mất trung bình 14,4 giờ (gần 02 ngày làm việc), cá biệt có doanh nghiệp mất hơn 26 ngày làm việc cho việc sửa đổi bổ sung hồ sơ bao gồm cả việc nhận thông báo chỉnh sửa và nộp lại hồ sơ.

Trong số các doanh nghiệp phải sửa đổi bổ sung hồ sơ, có đến gần 1/3 doanh nghiệp phải thực hiện sửa đổi hồ sơ từ 02 lần trở lên, thậm chí có doanh nghiệp phải thực hiện đến 06 lần.

Mặc dù việc nộp hồ sơ và nhận kết quả đều chiếm tỷ trọng khá thấp trong tổng thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về xây dựng, kết quả khảo sát APCI 2020 cho thấy hầu hết các doanh nghiệp vẫn thực hiện việc nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp. Ngoài ra, có một số trường hợp thực hiện qua đường bưu điện.

Có một điểm cần lưu ý rằng trong tất cả các trường hợp doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về xây dựng được khảo sát năm nay, chỉ có duy nhất 01 trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến (thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng), tuy nhiên bước nhận kết quả vẫn thực hiện trực tiếp. Có rất nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp mong muốn điện tử hoá quy trình thực hiện, cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Khảo sát cho thấy có sự chênh lệch lớn về mặt thời gian thực hiện giữa việc doanh nghiệp tự thực hiện thủ tục hành chính và doanh nghiệp sử dụng đơn vị tư vấn khi thực hiện các thủ tục hành chính về xây dựng. Khảo sát doanh nghiệp cho thấy doanh nghiệp tự thực hiện là những doanh nghiệp hoạt động chuyên về lĩnh vực xây dựng, bất động sản, và thường có một bộ phận riêng để phụ trách các khâu thiết kế, và bộ phận riêng làm việc với cơ quan nhà nước (trên 50% doanh nghiệp hoàn thành thủ tục hành chính trong vòng dưới 12 giờ).

Trong khi các doanh nghiệp thuê tư vấn bên ngoài thường chỉ là những công trình xây dựng đơn lẻ, và không có nhiều kinh nghiệm thực hiện thủ tục về xây dựng, vì vậy việc thực hiện mất nhiều thời gian hơn so với những đơn vị chuyên nghiệp, với 12 giờ chỉ có khoảng 1/3 số doanh nghiệp có thể hoàn thành thủ tục hành chính.

Về chi phí trực tiếp, nhóm thủ tục hành chính Xây dựng có chi phí trực tiếp bình quân mà mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra là 4,7 triệu đồng/thủ tục hành chính. Chi phí không chính thức thường phát sinh trong thủ tục Cấp giấy phép xây dựng (bước kiểm tra thực địa).

Bốn khuyến nghị chính sách

Do đó, doanh nghiệp bày tỏ khó khăn, mong muốn có cải cách đến từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền về 4 nhóm vấn đề lớn gồm thành phần hồ sơ, thời gian xử lý hồ sơ, Cung cấp thông tin và hướng dẫn sửa đổi bổ sung hồ sơ, nộp hồ sơ và trả kết quả.

Nhóm nghiên cứu APCI khuyến nghị tập trung vào một số vấn đề, thứ nhất, đẩy mạnh việc điện tử hoá các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, giúp tiết kiệm chi phí trực tiếp cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí in ấn, chứng thực hồ sơ và thời gian đi lại.

Hiện nay nhiều địa phương đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với các thủ tục xây dựng và đang trong quá trình đưa lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tuy nhiên, trong quá trình điện tử hoá thủ tục hành chính về xây dựng, doanh nghiệp còn gặp một số khó khăn nhất định, ví dụ như khi sử dụng chữ ký số trên các hồ sơ, bản vẽ thiết kế xây dựng trình thẩm định, doanh nghiệp vẫn phải nộp đồng thời hồ sơ văn bản giấy để đối chiếu.

Do đó, để khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, cần thiết phải đảm bảo việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến là thuận lợi và tiết kiệm hơn so với thực hiện trực tiếp bằng cách không yêu cầu nộp hồ sơ bản giấy để đối chiếu khi doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký số trong hồ sơ.

Thứ hai, tiếp tục cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính về xây dựng. Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật Xây dựng sửa đổi 2020) đã rút gọn thời gian cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.

Trên thực tế, trước khi Luật Xây dựng sửa đổi 2020 được ban hành, nhiều địa phương đã chủ động giảm thời gian thẩm định, cấp phép xây dựng so với thời gian luật định. Bên cạnh đó, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 còn bổ sung thêm một số trường hợp miễn giấy phép xây dựng, trong đó có trường hợp “Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật này, phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp.

Thứ ba, chú trọng việc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục, tránh trường hợp doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ; đảm bảo tính cập nhật của thông tin được cung cấp. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn về xây dựng cũng nên rà soát các thành phần hồ sơ của các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng với mục tiêu cắt giảm các thành phần hồ sơ không thực sự cần thiết nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ tư, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước để tránh phát sinh chi phí không chính thức, đặc biệt trong quá trình kiểm tra thực địa để cấp giấy phép xây dựng.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tục hành chính môi trường "ngốn" thời gian nhiều nhất của doanh nghiệp

    04:00, 18/03/2021

  • APCI 2020: Doanh nghiệp mất chi phí lớn cho thủ tục hành chính giao dịch thương mại qua biên giới

    16:48, 17/03/2021

  • APCI 2020: Nhóm thủ tục đầu tư đi "thụt lùi" cho thấy cải cách cần bền bỉ

    13:37, 17/03/2021

  • APCI 2020: Dư địa cải cách thủ tục hành chính còn lớn

    11:00, 17/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
42% hồ sơ thủ tục hành chính xây dựng phải sửa đổi bổ sung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO