5 yếu tố tác động đến tăng trưởng Việt Nam trong những tháng cuối năm

Diendandoanhnghiep.vn Triển vọng kinh tế những tháng cuối năm của Việt Nam được dự báo tích cực, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2018.

Sau 6 tháng khởi đầu thuận lợi, tăng trưởng GDP ghi nhận mức tăng cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ 2011. Đây là nền tảng thuận lợi, giúp giảm áp lực điều hành trong những tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018.

Tuy nhiên, theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2018.

5 yếu tố tiêu cực

Thứ nhất, về giá hàng hóa và sức ép lạm phát: giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới dự báo tăng cao (giá dầu thô sẽ tăng mạnh 32,6%, giá hàng hóa không tính giá năng lượng tăng 5,1% trong năm 2018- WB). Ở trong nước, giá dịch vụ y tế, giáo dục, lương cơ bản sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng theo lộ trình, giá các mặt hàng thiết yếu, nguyên, nhiên liệu đầu vào cơ bản tăng gây khó khăn hơn cho các ngành sản xuất, cùng với áp lực tăng tỷ giá VND/USD ... khiến cho áp lực lạm phát của ta có dấu hiệu tăng cao trở lại.

Thứ hai, xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng. Nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường nội địa, nhiều quốc gia đang ngày càng có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.

"Mới đây, ngày 7/6/2018, Indonexia đã quyết định áp thuế tôn màu của Việt Nam trong vòng 5 năm tới với mức thuế từ 12,01%- 28,49% trong khi Mỹ cũng đang áp thuế bán phá giá với mặt hàng cá phi-lê Việt và 2 mặt hàng thép xuất khẩu từ Việt Nam và Ủy ban châu Âu cũng đang áp thẻ vàng đối với hàng thủy sản Việt Nam". - Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Thứ ba, diễn biến thị trường ngoại hối khó lường. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc – EU) diễn ra căng thẳng hơn, các quốc gia có xu hướng tiếp tục phá giá đồng nội tệ của mình so với các đồng tiền mạnh (USD, EUR,…) để hạn chế thiệt hại, đặc biệt là Trung Quốc - có thể nước này sẽ mạnh tay phá giá đồng nội tệ để tạo cạnh tranh thương mại.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực, diễn biến tỷ giá VND/USD sẽ trở nên khó lường hơn, điều này ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu và sau đó là tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc Fed đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất trước đó, đồng thời dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2019, và thanh khoản ngân hàng, nhập siêu và dòng vốn gián tiếp vẫn là những ấn số cho thị trường ngoại hối những tháng cuối năm.

Thứ tư, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ năm, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, một số hiện tượng thiên tai điển hình đã xảy ra trên địa bàn các tỉnh nước ta, nhất là cơn bão số 3 (Sơn Tinh) và sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào ngày 23/7/2018 gây ra tổn thất lớn về người, tài sản và ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bức tranh tăng trưởng chung, xu thế tích cực là chủ đạo, nhìn chung, triển vọng kinh tế những tháng cuối năm của Việt Nam tiếp tục tích cực, những nỗ lực cải cách phát triển trong thời gian qua được các tổ chức quốc tế nhìn nhận, đánh giá cao.

Cụ thể, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra mức dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 đạt 7,1%, giữ nguyên mức tăng như đánh giá đầu năm nay. Đây là đánh giá tích cực trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có dấu hiệu gia tăng. Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered công bố dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 7% trong năm 2018, tăng so với dự báo 6,8% của Standard Chartered đưa ra trước đó.

Đâu là giải pháp?

Trước những cảnh báo về sức ép của lạm phát, tỷ giá hối đoái, rủi ro về thiên tai do diễn biến thời tiết, khí hậu bất thường và những hệ quả của xu thế bảo hộ mậu dịch cũng như những biến động về địa chính trị, chiến tranh thương mại, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn... Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến căng thẳng thương mại Trung – Mỹ và động thái của các đối tác thương mại và đầu tư chính; nghiên cứu, đánh giá tác động và khả năng ứng phó của Việt Nam.

Đối với lạm phát, để bình ổn giá cả thị trường những tháng còn lại của năm 2018 cần theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, xử lý các vấn đề phát sinh khi thị trường có biến động bất thường. Đồng thời, một số hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn xu hướng tăng lương cơ bản của các đối tượng hưởng ngân sách và lương cơ sở trong cơ cấu tính giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng.

"Điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá cần được thực hiện một cách minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học, thận trọng và linh hoạt. Tránh tư duy dồn việc điều chỉnh giá vào cuối năm". - Báo cáo cho hay.

Đối với điều hành tỉ giá, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ; chủ động công tác truyền thông để không gây tâm lý kỳ vọng lạm phát, bất ổn trên thị trường ngoại hối. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Điều hành tỷ giá linh hoạt, theo sát các biến động thị trường. Tiếp tục thông tin định kỳ với thị trường về công tác điều hành tỷ giá

Đối với NSNN, thực hiện nghiêm kỷ luật chi NSNN nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu thâm hụt NSNN đề ra cho năm 2018. Linh hoạt trong phát hành TPCP. Cân nhắc không bổ sung hoặc tăng các loại thuế và phí đối với xăng dầu để tạo thêm lợi ích và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của khu vực tư nhân. Đánh giá tác động của việc sửa đổi các Luật thuế, kèm với giải trình về định hướng tái cơ cấu chi NSNN. Đẩy mạnh giảm bội chi ngân sách dựa nhiều hơn nữa vào tăng thu ngân sách qua chống thất thu thuế.

Đối với môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5 tháng cuối năm, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo niềm tin thu hút mạnh hơn nữa đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có quy mô lớn và có chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, phải đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn được thuận lợi và nhanh hơn, thủ tục vay vốn ngân hàng cần đơn giản, thông thoáng hơn. Ưu tiên phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch. Khẩn trương tổng kết thực tiễn 30 năm thu hút FDI, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham vấn chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp để điều chỉnh chiến lược FDI cho phù hợp với tình hình mới...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết 5 yếu tố tác động đến tăng trưởng Việt Nam trong những tháng cuối năm tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713550185 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713550185 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10