Sau 64 năm giải phóng Thủ đô, đời sống người dân và bộ mặt Thủ đô có nhiều thay đổi, tuy nhiên, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có đẩy mạnh kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
Kinh tế của thành phố Hà Nội liên tục tăng trưởng nhanh, bền vững, năm sau cao hơn năm truớc
Kinh tế thành phố tăng trưởng cao
Trong suốt những năm qua, thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Sau hơn 30 năm kinh tế Thủ đô đã tăng trưởng vượt bậc: tốc độ tăng GDP, từ mức 4,48% giai đoạn 5 năm đầu đổi mới (1986 – 1990), ước tăng lên mức trên 9,3% giai đoạn (2009 – 2015) GDP bình quân đầu người năm 2015, ước tăng gấp gần 6,4 lần so với năm 1990.
Kinh tế - xã hội năm 2017 của Hà Nội đạt được kết quả khá toàn diện. GDP tăng 8,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra; thu ngân sách vượt kế hoạch; thu hút vốn đầu tư tăng cao; lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được đảm bảo; sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển… Số doanh nghiệp tại Hà Nội không ngừng tăng, có 25.160 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11%, vốn đăng ký 240.000 tỷ đồng (tăng 4%), lũy kế số doanh nghiệp trên địa bàn là 231,92 nghìn doanh nghiệp
Trong năm 2018, Hà Nội phấn đấu thực hiện tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,3 - 7,8%. Trong đó, TP phấn đấu dịch vụ tăng 6,9 - 7,1%, công nghiệp - xây dựng 8,2 - 8,6%, nông nghiệp 2 - 2,5%, thuế sản phẩm 9,3 - 9,4%. Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 10,5 - 11%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7,5 - 8%.
Kinh tế thành phố tăng trưởng cao nhờ có nhiều lợi thế, trong đó có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp - dịch vụ chiếm tỷ trọng hơn 90% GDP. Hà Nội xếp thứ 7 trong top 10 TP có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, kéo theo đó là lợi thế về dịch vụ thương mại, vận tải…
“Trong năm 2018, Hà Nội tiếp tục có những lợi thế mạnh như dịch vụ du lịch, vận tải, thu hút đầu tư khả quan. Đặc biệt, Hà Nội là một trong những địa phương phong trào khởi nghiệp đi đầu, tập trung những công nghệ cao” - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Bình nhận xét.
Bên cạnh vấn đề phát triển kinh tế xã hội, việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân… tiếp tục đứng đầu cả nước. Theo đó, quan hệ sản xuất mới ngày càng được củng cố và phát triển. Chủ trương sắp xếp, chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp và thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả. Kinh tế Nhà nước phát huy vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể được củng cố; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh, có đóng góp ngày càng quan trọng… cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Từ công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ, sang dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế tri thức.
Đặc biệt, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị có tiến bộ vượt bậc, diện mạo Thủ đô ngày càng đổi mới, khang trang, văn minh, hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội từ đô thị đến nông thôn phát triển theo hướng đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đòi hỏi cấp bách của quá trình đô thị hóa nhanh, đặc biệt là từ sau khi Thủ đô được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính, với quy mô diện tích tự nhiên tăng gấp trên 3,63 lần so với Hà Nội trước đây….
Sau hơn 30 năm đổi mới, bộ mặt Thủ đô đã có rất nhiều màu sắc tươi sáng, nhất là chất lượng và đời sống người dân được nâng cao. Đến nay, bình quân thu nhập đầu người ở Hà Nội đạt khoảng 3.600 USD/năm. Thu nhập của lao động nông thôn đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo chỉ còn 1,71%. Cơ sở hạ tầng đang từng bước được đầu tư đồng bộ...
Có thể bạn quan tâm
04:25, 06/10/2018
01:00, 05/10/2018
12:03, 03/10/2018
02:00, 02/10/2018
13:20, 25/09/2018
17:53, 17/09/2018
Còn nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết
Thành tựu của 64 năm giải phóng Thủ đô, hơn 30 năm đổi mới đã và đang tạo ra thế và lực mới cho Thủ đô đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi Hà Nội tiếp tục tập trung giải quyết.
Đó là kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô. Còn một số vấn đề dân sinh bức xúc như thiếu sân chơi cho người già và trẻ em; quản lý đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém; giải quyết ùn tắc giao thông chuyển biến chậm; môi trường sinh thái, nhiều nơi còn ô nhiễm; nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị có mặt còn hạn chế…
Tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2017, Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu được thành phố đề ra cho năm 2018 là: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,3-7,8% (theo cách tính mới); vốn đầu tư xã hội tăng 10,5-11% (theo cách tính mới); giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 7,5-8%; tỷ lệ hộ dân ở khu vực thành thị sử dụng nước sạch đạt xấp xỉ 100%, ở nông thôn là 55%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 85,3%; tăng thêm 26 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày ở khu vực đô thị đạt 98%, ở khu vực nông thôn đạt 88%; giảm tỷ suất sinh thô so với năm trước 0,1‰; tăng thêm 80 trường công lập đạt chuẩn quốc gia...
Để đạt được mục tiêu trên, nhiều nhiệm vụ và giải pháp đã được đưa ra.
Thứ nhất, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng; phấn đấu số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12% trở lên; đẩy nhanh tiến độ cấp phép, thực hiện và giải ngân các dự án; tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch đã duyệt.
Thứ hai, hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung và phân khu còn lại, hai quy hoạch đô thị vệ tinh Xuân Mai và Phú Xuyên, các quy hoạch cải tạo khu chung cư cũ, quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường chính; tiếp tục phát triển nhà ở theo các dự án đã được phê duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát xây dựng theo giấy phép và quy hoạch; giải quyết dứt điểm các công trình xây dựng vi phạm; xử lý dứt điểm các công trình siêu mỏng siêu méo trên địa bàn.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ công viên chức người lao động cơ quan Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”; rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy trình bình xét danh hiệu văn hóa, đảm bảo thực chất, đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng; xây dựng và từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh; tiếp tục thực hiện tốt 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành giáo dục.
Thứ tư, thực hiện về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tập trung việc giảm đầu mối kiêm nhiệm, giảm biên chế; khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo 197; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự và văn minh đô thị phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, chú trọng đảm bảo an ninh nông thôn, không để xảy ra điểm nóng; đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, lễ hội trên địa bàn.
Thứ sáu, tăng cường tuyên truyền quảng bá giới thiệu về Thủ đô với bạn bè quốc tế; chú trọng các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch.
Đánh giá về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội của Hà Nội, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, trong 3 năm tới, kinh tế Hà Nội phải có tốc độ tăng trưởng từ 7,3 - 7,8% mới hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế 5 năm (2016 - 2020).
"Tôi cho rằng, lợi thế là điều kiện quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. Với vị thế của Thủ đô, Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Vị trí đầu mối trung chuyển hàng hóa của các tỉnh miền Bắc chính là điều kiện cho phát triển du lịch, thương mại, tiêu dùng dịch vụ vận tải của Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội có thế mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao. Không phải chỉ là công nghệ tin học hay công nghệ điện tử mà còn rất nhiều lĩnh vực khác như sinh học, năng lượng, vật liệu… Đây là những ngành nghề không sử dụng nhiều đất, thích hợp với một đô thị nén". - Ông Thành nói.
Theo ông Thành cho rằng, thời gian tới, thành phố Hà Nội cần tập trung vào 3 khía cạnh để phát triển toàn diện một thành phố là: Chính quyền điện tử để tăng hiệu quả phục vụ, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; ứng dụng cung cấp các thông tin để cuộc sống của người dân thuận lợi hơn và các doanh nghiệp có sức sáng tạo tốt hơn và dễ dàng tiếp cận thị trường hơn.
Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp sẽ truyền đi những thông điệp tích cực đến người dân, doanh nghiệp và để đón đầu làn sóng đầu tư. Nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang hướng đến một đô thị thông minh, xanh, sạch thì cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học hướng đến thương mại hóa và áp dụng thực tiễn, thúc đẩy doanh nghiệp là chỉ dấu về một xã hội tiến bộ.
“Những cam kết cải cách mạnh mẽ của Hà Nội thời gian qua rất đáng biểu dương. Tôi cho rằng cần phải có một mục tiêu hợp lý để định hướng cho toàn bộ hệ thống cùng nỗ lực cố gắng, chắc chắn các mục tiêu đặt ra sẽ được hoàn thành”. – Chuyên gia Võ Trí Thành nói.