Từ ngày 7 - 9/11, Triển lãm quốc tế hàng đầu về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước tại Việt Nam - VIETWATER 2018 sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn.
Đây sẽ là sự kiện đánh dấu chặng đường 10 năm VIETWATER đồng hành cùng ngành nước Việt Nam. Sự kiện được tổ chức với quy mô lớn, trên tổng diện tích 13.000m2 với sự tham gia của hơn 500 đơn vị triển lãm, với 41 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Dự kiến sẽ có hơn 15.000 khách tham quan, trong đó có các chuyên gia đầu ngành, cùng nhiều hiệp hội và tổ chức đến tham quan, mở rộng hoạt động kết nối giao thương tại đây. Đặc biệt hơn, sự kiện năm nay dự kiến thu hút sự tham gia của13 nhóm gian hàng quốc tế, trong đó có thêm các nhà triển lãm đến từ Vương quốc Anh và Hà Lan.
Ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết: “Nước là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Tính đến ngày 30/6/2018, 70% hệ thống cấp nước đô thị đảm bảo cấp nước 24/24h, chất lượng dịch vụ và chất lượng nước đã được cải thiện, hiện trạng cấp nước có tổng công suất thiết kế đạt 8,7 triệu m3/ngày đêm. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó, ngành nước Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Hệ thống cấp nước hiện nay của chúng ta còn thiếu đồng bộ, chưa theo kịp được tốc độ đô thị hóa. Tỷ lệ thất thoát nước còn rất cao và năng lực quản lý còn rất thấp”.
Thực trạng những khó khăn về năng lực quản lý, ô nhiễm nguồn nước, những bất cập của biến đổi khí hậu đã gây khó khăn lớn cho ngành nước. Do vậy, việc đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới cũng như thúc đẩy sự tiếp cận, vào cuộc của doanh nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0 là rất cần thiết và cấp bách.
Ngoài ra, đối với việc xử lý chất thải rắn tại Việt Nam, một vấn đề rất được quan tâm hiện nay, theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng Viện trưởng Viện Môi trưởng đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Việc phân loại rác thải, chất thải rắn tại nguồn hiện nay chúng ta chưa làm được, và công nghệ của Việt Nam hiện nay đa phần là chôn lấp. Lượng chất thải rắn ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề bức xúc, vì vậy cần có hướng đầu tư mới để hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý chất thải rắn. Trong bối cảnh này, Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghệp Việt Nam đã cùng với Công ty UBM Asia phối hợp tổ chức hội thảo chuyên môn, tôi hi vọng đây sẽ là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp cùng nhau tìm ra giải pháp thích hợp với điều kiện của từng địa phương tại Việt Nam”.
Theo chia sẻ của ông BT Tee - Tổng Giám đốc UBM VIETNAM (đơn vị tổ chức VIETWATER 2018), điểm nhấn của VIETWATER năm nay sẽ không chỉ tập trung về vấn đề cấp thoát nước mà còn giới thiệu về công nghệ xử lý chất thải rắn. Ông BT Tee cho rằng, cần khẳng định vai trò của công nghệ trong cấp thoát nước, do đó Hội thảo quốc tế ngành nước năm 2018 với chủ đề ngành nước Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Đất nước Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới sản xuất chất thải nhực nhiều nhất, do vậy cần có sự bền vững và các doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng, chúng ta cần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ và quản lý môi trường cũng như thói quen về sử dụng nước sạch. Cùng với đó, đô thị hóa và công nghiệp hóa, sự nóng lên toàn cầu, chất thải nhựa, đó là những vấn đề cần quan tâm. Chúng ta có trách nhiệm với sự phát triển kinh tế nhưng cũng phải có trách nhiệm với các thế hệ mai sau của mình”, ông BT Tee nhấn mạnh.
Triển lãm VIETWATER 2018 năm nay với kỳ vọng mang đến nhiều hơn những sản phẩm công nghệ và thiết bị ứng dụng trong ngành xử lý chất thải và môi trường như công nghệ đốt rác phát điện của JFE từ Nhật, công nghệ sản xuất năng lượng bền vững từ chất thỉa của BMH từ Phần Lan, công nghệ khí hóa hỗn hợp đa nhiêu liệu phát điện, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt.
Ông BT Tee cũng thông tin thêm về chương trình VIETWATER năm 2019 bên cạnh địa điểm tổ chức tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC) sẽ được tổ chức mở rộng ra tại Hà Nội nhằm thu hút các doanh nghiệp đến với Hà Nội và các tỉnh phía bắc góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành cấp thoát nước và xử lý chất thải gắn với quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.