UBND thành phố Đà Nẵng vừa có công văn hướng dẫn việc nhập cảnh và cách ly y tế đối với người nhập cảnh trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng vừa có công văn hướng dẫn, phân công nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ nhập cảnh của người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao (sau đây gọi tắt là chuyên gia) và thân nhân; học sinh, sinh viên, tình nguyện viên quốc tế; người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân nhập cảnh tại Đà Nẵng.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận và xử lý hồ sơ của doanh nghiệp có trụ sở nằm ngoài các khu công nghiệp và khu công nghệ cao có nhu cầu hỗ trợ cho các chuyên gia (bao gồm cả thân nhân) nhập cảnh.
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp tiếp nhận và xử lý hồ sơ của doanh nghiệp có trụ sở nằm trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp có nhu cầu hỗ trợ cho các chuyên gia nhập cảnh (bao gồm cả thân nhân).
Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp nhận và xử lý hồ sơ đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà quản lý nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích để tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư tại Đà Nẵng.
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận và xử lý hồ sơ của các Trường học, cơ sở giáo dục đào tạo đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có nhu cầu hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, tình nguyện viên, học sinh, sinh viên quốc tế là người nước ngoài (bao gồm cả thân nhân) vào làm việc, học tập.
Sở Ngoại vụ tiếp nhận và xử lý hồ sơ của các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố Đà Nẵng, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam có nhu cầu mời chuyên gia và thân nhân vào làm việc; các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự có nhu cầu đưa nhân viên và thân nhân sang làm việc.
Đối với quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ mời người nhập cảnh, UBND thành phố Đà Nẵng chia làm 7 bước từ khâu nhận hồ sơ cũng như xét nghiệm, cách ly tập trung. Cụ thể:
Bước 1: Doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu mời người nhập cảnh thông báo cho người nhập cảnh phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real time-PCR và có kết quả xét nghiệm âm tính từ 3-5 ngày trước ngày nhập cảnh vào Việt Nam. Xét nghiệm SARS-CoV-2 phải được thực hiện tại phòng xét nghiệm của cơ quan y tế có thẩm quyền. Chuyên gia và người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ phải có bảo hiểm y tế quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức mời chuyên gia và người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ cam kết chi trả chi phí điều trị trong trường hợp bị mắc COVID-19.
Tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trước khi nhập cảnh, tại nơi xuất, nhập cảnh, tại nơi lưu trú, tại nơi diễn ra cuộc họp, ký kết, tại nơi làm việc; phải chấp hành việc chỉ định xét nghiệm theo yêu cầu chuyên môn của cơ quan y tế và tự chi trả chi phí xét nghiệm cho cơ sở y tế theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
Toàn bộ kinh phí cho việc cách ly, phương tiện vận chuyển, xét nghiệm SARS-CoV-2 do cá nhân hoặc đơn vị, tổ chức mời người nhập cảnh chi trả theo quy định hiện hành. Đối với người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì được miễn chi phí (trừ chi phí cách ly y tế tại cơ sở lưu trú theo nguyện vọng).
Bước 2: Doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu mời người nhập cảnh (nhập cảnh làm việc dưới 14 ngày hoặc trên 14 ngày hoặc người nhập cảnh đến từ các nước đã được kiểm soát tốt về dịch, không qua nước thứ ba hoặc qua nước thứ ba) xây dựng phương án gửi về Sở Y tế để được thẩm định và thống nhất về địa điểm lưu trú, phương tiện vận chuyển, phương án làm việc và cách ly y tế cụ thể cho người nhập cảnh, phương án đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 trong quá trình cách ly y tế, làm việc của người nhập cảnh và những người tiếp xúc theo Công văn số 7038/VPCP-KTTH, Công văn số 4674/BYT-MT, Công văn số 4995/BYT-DP và các quy định khác của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế.
Bước 3: Doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu mời người nhập cảnh gửi hồ sơ (theo Phụ lục Công văn này) đến các cơ quan có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ người nhập cảnh (tại mục 1 Công văn này) để được xem xét, giải quyết.
Bước 4: Cơ quan có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ người nhập cảnh (tại mục 1 Công văn này) gửi hồ sơ trình tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản phê duyệt người nhập cảnh gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an xem xét, giải quyết.
Bước 5: Doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu mời người nhập cảnh sau khi tiếp nhận văn bản UBND thành phố gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an nêu tại bước 4, chủ động liên hệ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh để được cấp phép nhập cảnh.
Bước 6: Khi được cấp phép nhập cảnh, đề nghị doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu mời người nhập cảnh nếu nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng cần thông báo bằng văn bản cho Sở Y tế và các cơ quan liên quan tại thành phố Đà Nẵng các thông tin cụ thể về thời gian hạ cánh, số hiệu chuyến bay, số lượng chuyên gia nhập cảnh và các thông tin liên quan khác để có cơ sở phối hợp tổ chức thực hiện cách ly y tế dựa trên phương án đã được Sở Y tế thống nhất.
Nếu nhập cảnh tại các địa phương khác cần chủ động thông báo bằng văn bản cho Sở Y tế và UBND tỉnh, thành phố nơi người nhập cảnh được cấp phép nhập cảnh biết, đồng thời đề nghị Sở Y tế địa phương đó cung cấp phương án cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của địa phương và các yêu cầu khác về hồ sơ, thủ tục (nếu có) để tiếp tục hoàn thiện thủ tục xin phép nhập cảnh.
Bước 7: Sau khi người nhập cảnh hoàn thành cách ly tại địa phương khác, trở về thành phố Đà Nẵng để làm việc, đề nghị doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu mời người nhập cảnh thông báo cho Sở Y tế thành phố Đà Nẵng biết để tiếp tục theo dõi, giám sát sức khỏe theo quy định.
Trong đó UBND thành phố Đà Nẵng cũng lưu ý các trường hợp người nhập cảnh thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế thì không thực hiện bước 2, 4 và 5, Sở Ngoại vụ có trách nhiệm thông báo cho Sở Y tế và cơ quan liên quan về việc nhập cảnh để triển khai các công tác phòng, chống COVID-19 theo quy định.
Đối với đơn vị không thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng nhưng có phương án nhập cảnh, cách ly, làm việc thực địa, tổ chức họp, ký kết tại thành phố Đà Nẵng: Xây dựng phương án gửi về Sở Y tế thành phố Đà Nẵng để thẩm định và trình UBND thành phố quyết định. Việc xin phép cho chuyên gia của đơn vị được nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện theo quy định, thủ tục của UBND địa phương nơi đơn vị có trụ sở hoạt động.
Đồng thời, đối với người Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh vào thành phố Đà Nẵng (trên các chuyến bay cứu hộ, hồi hương) được vận chuyển đến các cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý (Bộ Chỉ huy Quân sự tham mưu Bộ Tư lệnh Quân khu 5 điều phối) và được xét nghiệm SARS-CoV-2.
Những trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính được chuyển đến cơ sở y tế điều trị theo quy định. Trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục thực hiện cách ly tại cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc cơ sở lưu trú theo nguyện vọng cá nhân, chi phí do người cách ly chi trả.
Tổ chức hoặc cá nhân đã đăng ký trước, có xác nhận của cơ sở lưu trú thì được phép chuyển đến cách ly tại khách sạn đã đăng ký.
Tổ chức hoặc cá nhân chưa đăng ký, đặt phòng tại cơ sở lưu trú thì liên hệ với Ban Quản lý cơ sở cách ly tập trung để được hướng dẫn thực hiện các nội dung có đơn đề nghị được cách ly y tế tại cơ sở lưu trú và thống nhất với Ban Quản lý cơ sở cách ly tập trung về thời gian, địa điểm, hình thức, phương tiện vận chuyển tới cơ sở lưu trú để tiếp tục cách ly y tế, đảm bảo các quy định về an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình bàn giao, tiếp nhận, vận chuyển. Đồng thời, thanh toán các khoản chi phí cách ly theo quy định.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng giao các Sở, ngành, đơn vị liên quan lên phương án tham mưu, đề xuất các phương án mới, triển khai các công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới tại các địa điểm quy định.
Có thể bạn quan tâm