An ninh hàng hải thế giới và khu vực Biển Đông: Bài 2 - Giải pháp nào?

Diendandoanhnghiep.vn Tình hình Biển Đông hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên một số vùng biển đảo gia tăng.

>> An ninh hàng hải thế giới và khu vực Biển Đông: Bài 1 - Những thách thức

Tình hình Biển Đông và vùng biển Việt Nam hiện nay 

Trung Quốc từ thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý qua đường chín đoạn đến yêu sách chủ quyền tứ sa với âm mưu mở rộng vùng nước xung quanh bốn quần đảo mà Trung Quốc gọi là Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa.

Mặt khác, Trung Quốc còn tiến hành chiến lược vùng xám để xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên vùng biển của một số quốc gia xung quanh Biển Đông trong đó có vùng biển Việt Nam. Tiếp tục quân sự hóa trên một số thực thể đảo đá mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, đưa hệ thống vũ khí, khí tài hiện đại ra một số đảo đá đã được đầu tư xây dựng thành các căn cứ quân sự tiền đồn của Trung Quốc.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tập trận cùng tàu hải quân Singapore ở Biển Đông hồi tháng 7-2021

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tập trận cùng tàu hải quân Singapore ở Biển Đông hồi tháng 7/2021. Ảnh: Reuters

Không những vậy, Trung Quốc còn triển khai nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia. Về mặt chiến lược, Trung Quốc tiếp tục hoàn thiện chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, bằng cách tuyên bố thành lập các quận Tây Sa và Nam Sa trực thuộc thành phố Tam Sa. Trung Quốc đang đẩy nhanh hoạt động nhằm biến đảo đã Chữ Thập thành thủ phủ của quận Nam Sa, đây là hành động xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, quy định của UNCLOS.

Một số nước lớn ngày càng can dự sâu hơn váo các vấn đề Biển Đông, Mỹ tăng cường hoạt động tuần tra trên Biển Đông nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông. Đồng thời Mỹ còn tăng cường tập trận với một số nước trên Biển Đông như Philippines, Singapore, Indonesia. Nhật Bản tăng cường quan hệ với các nước xung quanh Biển Đông, viện trợ phương tiện, huấn luyện đào tạo kỹ năng thực thi pháp luật trên biển cho một số nước ASEAN như Philippines, Việt Nam.

Các nước ASEAN tiếp tục đàm phán nội dung của COC giữa Trung Quốc và ASEAN với một bộ quy tăng mang tính pháp lý ràng buộc hơn DOC. Đồng thời một số nước cũng đang triển khai kế hoạch tuần tra chung trên biển, tuần tra, kiểm tra, giám sát vùng biển trước những động thái mới trên Biển Đông.

Vùng biển đảo Việt Nam ngoài tầm quan trọng của vị trí, vai trò ra hiện nay, đang nổi lên một số vấn đề như sự xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam do nước ngoài xâm phạm. Hoạt động của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại trên biển.

Giải pháp chiến lược giải quyết vấn đề an ninh hàng hải của Việt Nam trên Biển Đông hiện nay

Thực tiến cho thấy, để giải quyết vấn đề an ninh hàng hải của Việt Nam ở Biển Đông chúng ta phải thực hiện tốt một số giải pháp chiến lược. Trong thực hiện các giải pháp chiến lược cần có sự hợp tác của các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia hữu quan trong khu vực Biển Đông phải ttrên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế, quy định của UNCLOS, các thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương. Giải pháp chiến lược giải quyết vấn đề an ninh hàng hải trên Biển Đông của Việt Nam cần đặt trong tổng thể các mối quan hệ quốc tế đa chiều, trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc trên các vùng biển đảo.

Thực hiện nghiêm túc quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 và các thỏa thuận khu vực.

Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là thành viên của nhiều quốc tế song phương và đa phương. Thực tiễn cho thấy, Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm các định chế quốc tế. Do vậy, Việt Nam cũng yêu cầu các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông phải thực hiện nghiêm túc quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 và các thỏa thuận khu vực.

Tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực Biển Đông hàm chứa nhiều vấn đề, trong đó có một số vấn đề về cạnh tranh địa chiến lược và địa quân sự xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nếu xung đột vũ trang nổ ra sẽ để lại hệ lụy cho toàn khu vực và thế giới.

Do đó, cần áp dụng những cơ chế và giải pháp mang tính toàn khu vực và thế giới, quan trọng nhất là các bên liên quan cần phải tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, những quy định của UNCLOS, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông - DOC và đẩy nhanh tiến độ thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC.

Trung Quốc đã từng đưa giàn khoan 981 với sự hộ tống của tàu cảnh sát biển, xâm nhập trái phép vào vùng biển của Việt Nam. Ảnh: Reuters 

Trung Quốc đã từng đưa giàn khoan 981 với sự hộ tống của tàu cảnh sát biển, xâm nhập trái phép vào vùng biển của Việt Nam. Ảnh: Reuters

>> Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội cảng biển Đông Nam Á

>> Tranh chấp ở Biển Đông cần giải quyết theo UNCLOS 1982

>> Quá trình phân định biển giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Biển Đông

>> Lợi ích chiến lược của một số nước lớn ở Biển Đông

Hợp tác tuần tra chung trên biển giữa Việt Nam với các quốc gia hữu quan trong khu vực Biển Đông.

Trong bối cảnh hiện nay, muốn đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, một trong những giải pháp có tính khả thi là cần có sự hợp tác tuần tra chung trên các vùng biển giáp ranh, các vùng biển có sự chồng lấn thực sự chiếu theo quy định của UNCLOS.

Thực tế cho thấy, trước thập kỷ 80 của thế kỷ XX, các biện pháp xây dựng lòng tin hầu như không được đề cập đến, nhất là biện pháp xây dựng tin cậy, tăng cường sự hiểu biết giữa các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển, ví dụ như hoạt động tuần tra chung chưa trở thành chủ để thảo luận rộng rãi, không có sự đồng thuận, nhất trí giữa các quốc gia hữu quan ở Biển Đông về các hoạt động nên được khuyến khích.

Hiện nay, lực lượng chuyên trách của các quốc gia hữu quan trong khu vực đã và đang tiến hành nhiều hoạt động tuần tra chung trên biển có hiệu quả. Tuần tra chung giữa lực lượng hải quân, cảnh sát biển của các nước trong khu vực Biển Đông được xem là một trong những biện pháp quan trọng về xây dựng lòng tin góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và hữu nghị trên biển.

Trong thập niên cuối của thế kỷ XX và những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Chính phủ Việt Nam đã chủ động hợp tác với một số quốc gia hữu quan trong khu vực Biển Đông để tiến hành chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp tuần tra với các lực lượng chức năng của nước ngoài.

Cụ thể tuần tra chung giữa Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Thái Lan, Việt Nam -Campuchia, hoạt động tuần trac hung trên biển đã góp phần đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông. Hoạt động tuần tra chung được tổ chức thường niên giữa các quốc gia hữu quan sẽ góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về kiểm soát và đảm bảo an toàn hàng hải, giảm bớt nguy cơ xung đột tiềm tàng ở Biển Đông, nhất là ở vùng biển giáp ranh chưa được phân định.

Hợp tác tuần tra chung là hành động thiết thực của các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển giữa các quốc gia ở Biển Đông trong thời gian vừa qua, biện pháp này đã được một số quốc gia thiện chí phối hợp. Trong khi các giải pháp về tranh chấp chủ quyền biển đảo chưa được thực hiện một cách triệt để, thì hợp tác tuần tra chung trên biển được xem là biện pháp xây dựng lòng tin hữu hiệu ở Biển Đông và thực tế cho thấy biện pháp này đã dần dần trở thành nhu cầu cấp thiết.

Giảm bớt các hoạt động quân sự đơn phương không thông báo trước

Thực tiễn cho thấy, nếu những hoạt động quân sự đơn phương không thông báo trước, sẽ làm ảnh hưởng đến lưu thông hàng hải trên khu vực Biển Đông, nhất hoạt động diễn tập bắn đạn thật, diễn tập đối kháng trên phạm vi vùng biển rộng sẽ ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải của khu vực và thế giới.

Việt Nam luôn phản đối các hoạt động quân sự đơn phương bao trùm lên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia, nhất là các hoạt động diễn tập đối kháng, tập trận bắn đạn thật, diễn tập tác chiến đa nhiệm...

Tình hình Biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp do những hành động đơn phương như vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức, hành động diễn tập bắn đạn thật, tập trận quân sự chung với quốc gia ngoài khu vực mà không có thông báo trước cho các quốc gia trong khu vực.

Trong nhiều trường hợp, các phương tiện hoạt động trên biển xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa an ninh và an toàn trên biển. Các loại hình hoạt động này có chiều hướng ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp.

Do vị trí địa chiến lược quan trọng của Biển Đông, cũng như tính phức tạp vốn có và khó giải quyết của nhiều vấn đề liên quan, vì vậy các bên liên quan cần giảm bớt những hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình. Có như vậy, lòng tin giữa các quốc gia mới được xây dựng và phát huy vai trò vốn có của nó.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình hợp tác phân định biển

Trong thực tế, tại khu vực Biển Đông, đã có nhiều hiệp định phân định biển được ký kết trên tinh thần hòa bình, ổn định, hợp tác khai thác chung giữa các quốc gia liên quan. Việt Nam đã tiến hành hợp tác phân định biển với hầu hết các nước láng giềng có chung biên giới biển.

Trong đó, có thể kể tới Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc năm 2000, Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc năm 2000, Hiệp định phân định biển giữa Việt Nam với Thái Lan trong vịnh Thái Lan năm 1997, Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia năm 1982, Hiệp định phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia năm 2003, Thỏa thuận hợp tác khai thác chung Việt Nam - Malaysia về khu vực chồng lấn thềm lục địa năm 1992.

Tuy nhiên, vấn đề phân định biển không phải ở khu vực nào cũng có thể tiến hành một cách dễ dàng được, bởi vì khó khăn nhất là ở vấn đề đàm phán để giải quyết về tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể như đảo đá, bãi cạn, bãi chìm cũng như quy chế pháp lý về vùng biển của các thực thể như lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Hiện nay, ở khu vực Biển Đông còn có nhiều vùng biển chồng lấn, tiếp giáp giữa các quốc gia chưa được phân định rõ ràng, đã dẫn đến hệ quả là việc xâm phạm ngư trường, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia vẫn diễn ra, điều này đã làm ảnh hưởng đến an ninh hàng hải của khu vực và thế giới. Do vậy, các bên liên quan cần đẩy nhanh tiến trình hợp tác phân định biển, trên cơ sở đó nhằm tạo điều kiện cho việc cùng nhau hợp tác khai thác chung nguồn tài nguyên biển, đảm bảo nguyên tắc các bên cùng có lợi và phù hợp với luật biển quốc tế, nhất là quy định của UNCLOS.

Hợp tác khai thác chung ở vùng biển có sự chồng lấn thực sự chiếu theo quy định của UNCLOS

Biển Đông vừa là nơi có lợi ích chung, vừa là nơi có vùng biển đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán riêng của các quốc gia trong khu vực. Chính vì vậy, việc tăng cường khả năng hợp tác cùng phát triển trên một số lĩnh vực kinh tế biển ở vùng biển có sự chồng lấn thực sự chiếu theo quy định của UNCLOS là nhu cầu cấp thiết đối với các bên liên quan.

Hợp tác cùng nhau khai thác nguồn tài nguyên biển ở các vùng biển chồng lấn thực sự chiếu theo quy định của UNCLOS sẽ góp phần gìn giữ môi trường hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời đảm bảo an ninh cho tuyến hàng hải quan trọng của thế giới. Tuy nhiên, để tăng cường biện pháp xây dựng lòng tin, các bên cần xác định rõ việc khai thác chung chỉ diễn ra ở vùng biển có sự chồng lấn thực sự theo quy định của UNCLOS, mà ở đó các bên chưa ký kết hiệp định về phân định biển.

Các bên liên quan cần thống nhất xác định quyền tài phán, quy chế pháp lý các vùng biển của các cấu trúc địa lý như đảo đá, bãi chìm, bãi cạn và các nguồn tài nguyên duới đáy biển. Do vậy, cần phải căn cứ vào những quy định của UNCLOS để giải quyết. Thực tiễn cho thấy, cần phải có những giải pháp chung mang tính chia sẻ và có sự đồng thuận cao giữa các quốc gia hữu quan.

Đây được xem là cơ sở hình thành quan điểm hợp tác khai thác chung ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng để góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định. Thực tiễn lịch sử cho thấy mô hình hợp tác khai thác chung đã diễn ra ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới trong khi vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết dứt điểm. Do đó, khai thác chung không phải là ý tưởng mới trong quản lý các tranh chấp biển trên thế giới.

Hợp tác khai thác chung giữa các quốc gia hữu quan được xem là một thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, nhằm chia sẻ nguồn tài nguyên trên các vùng biển chồng lấn. Cơ sở của các thỏa thuận này chính là những quy định của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế, nhất là quy định của UNCLOS. Những điều khoản của UNCLOS khuyến khích các nước liên quan tiến hành các bước đàm phán trực tiếp để dàn xếp tạm thời, trong khi chờ đàm phán để ký hiệp định cuối cùng về việc phân định ranh giới biển.

Dàn xếp tạm thời có thể bao gồm các thỏa thuận cùng nhau khai thác thủy sản hoặc dầu mỏ và khí đốt ở trên các vùng chồng lấn thực sự. Mặt khác, thỏa thuận về khai thác chung được xem là giải pháp tạm thời nhằm giảm nguy cơ xung đột giữa giữa các bên tranh chấp và chỉ nhằm mục đích khai thác nguồn tài nguyên biển. Biện pháp này cũng không làm ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

Như vậy, hợp tác khai thác chung sẽ góp phần làm giảm nguy cơ gây bất ổn và đảm bảo môi trường hòa bình và tự do hàng hải ở Biển Đông. Nhiều hội thảo quốc tế về Biển Đông đã đề nghị áp dụng phương án hợp tác khai thác chung trên vùng biển chồng lấn, nhưng trên thực tế việc triển khai mô hình này còn ít và hạn chế.

Xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia hữu quan

Dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế, quy định của UNCLOS, Việt Nam đã luôn chủ động phối hợp có hiệu quả với các quốc gia hữu quan trong Biển Đông để đảm bảo an ninh hàng hải, nhất là thông qua các diễn đàn quốc tế song phương và đa phương. Xây dựng lòng tin giữa các quốc gia hữu quan trong khu vực Biển Đông là yêu cầu cấp thiết cũng là một trong những giải pháp góp phần đảm bảo hàng hải ở Biển Đông, bởi vì lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế.

Thực tiễn cho thấy, lòng tin là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được duy trì, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và thái độ chân thành.

Chính vì vậy, đã có nhiều cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông nhằm tìm ra những ý tưởng từ các nhà khoa học để tham vấn cho các nhà hoạch định chính sách tham chiếu những giải pháp cơ bản đó. Các quốc gia cần ưu tiên xây dựng lòng tin chiến lược, tăng cường đối thoại và hợp tác, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 - UNCLOS, phát huy vai trò của các thể chế đa phương và ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.

Các bên có liên quan cần ký kết một văn bản cam kết không quân sự hóa ở khu vực Biển Đông

Quân sự hóa Biển Đông là vấn đề phức tạp và dễ dẫn đến nguy cơ xung đột vũ trang cũng như làm cho tình khu vực rơi vào tình trạng bất ổn, làm ảnh hưởng đến an ninh hàng hải của khu vực Biển Đông. Việt Nam luôn phản đối các hành động quân sự hóa ở Biển Đông, bởi hành động này là vi phạm luật pháp quốc tế, UNCLOS, làm phức tạp hóa vấn đề Biển Đông, đồng thời vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chính vì vậy, các quốc gia trong và ngoài khu vực cần tích cực theo dõi những động thái của các bên hữu quan ở Biển Đông để có những tham vấn kịp thời làm giảm nguy cơ xung đột quân sự. Để Biển Đông thực sự là vùng biển hòa bình, ổn định, góp phần phát triển các lĩnh vực kinh tế biển quốc tế, yêu cầu thực tế khách quan và cấp thiết là các bên cần thảo luận cam kết không quân sự hóa Biển Đông, không triển khai các loại vũ khí, khí tài hạng nặng trên các thực thể cấu trúc địa lý như đảo đá. Một khi biện pháp này được các bên chân thành thực thi sẽ góp phần xây dựng lòng tin giữa các bên và đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực để cùng nhau phát triển kinh tế, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển.

Cần đối xử nhân đạo với ngư dân làm ăn trên biển

Đối xử nhân đạo theo chuẩn mực của luật pháp quốc tế đối với ngư dân làm ăn trên biển là yêu cầu cấp thiết, góp phần xây dựng lòng tin giữa các quốc gia liên quan. Các lực lượng chuyên trách thực thi nhiệm vụ trên biển của các quốc gia ở Biển Đông cần phải sử dụng biện pháp hợp pháp và nhân đạo để giải quyết các vụ việc ngư dân của các bên xâm phạm vùng biển của nhau để khai thác hải sản trái phép. Thực tiễn cho thấy, Việt Nam luôn đối xử nhân đạo với các ngư dân nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam, không có những hành động phi nhân đạo đối với tàu thuyền của ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.

Vấn đề đối xử nhân đạo với ngư dân làm ăn trên biển là phù hợp với chuẩn mực trong quan hệ quốc tế, hơn nữa đó là biện pháp góp phần làm giảm căng thẳng ở khu vực. Không nên cho nổ tung tàu thuyền của ngư dân, bởi đây là phương tiện kiếm sống, là kế sinh nhai của ngư dân nghèo ở khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, lực lượng chuyên trách của các nước xung quanh Biển Đông cần xem xét áp dụng biện pháp đối xử nhân đạo với ngư dân làm ăn hợp pháp và hòa bình trên biển, như xử lý vi phạm hành chính  phạt tiền, cảnh cáo v.v…

(Còn nữa)

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết An ninh hàng hải thế giới và khu vực Biển Đông: Bài 2 - Giải pháp nào? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713508543 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713508543 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10