Áp thấp quay trở lại, mưa lũ ở miền Bắc diễn biến khó lường

Tiến Minh 23/07/2018 11:30

Trước nguy cơ mưa lũ ở miền Bắc diễn biến khó lường, tại nhiều địa phương các cấp chính quyền đã bắt tay ngay vào cứu trợ, khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống người dân.

Áp thấp quay trở lại, mưa lũ ở miền Bắc diễn biến khó lường

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, quan sát trên ảnh mây một vài giờ qua cho thấy khu vực các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái có mưa từ 10 – 20mm/h.

Nhận định trong 1 – 3h tới, khu vực này tiếp tục có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến đạt 20-40mm, có nơi 70mm.

Cảnh báo, trong 3-6 giờ tới, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại các huyện như: Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu); Mường Nhé, Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên); Mường La, Thuận Châu (tỉnh Sơn La); Bát Xát, Sa Pa (tỉnh Lào Cai); Mù Cang Chải, Văn Yên (tỉnh Yên Bái).

Thời tiết khu vực Hà Nội tiếp tục có mưa rào và dông. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay (23/7), áp thấp nhiệt đới đang trên đảo Hải Nam (Trung Quốc), với sức gió mạnh cấp 6, giật câp 8. Dự báo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc, về phía bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó chuyển sang hướng Tây đi về phía Móng Cái, Quảng Ninh và biên giới Việt-Trung, gây ảnh hưởng đến Bắc bộ và tiếp tục gây ra một đợt mưa to đến rất to từ ngày 25-7 đến ngày 27-7.

Từ khoảng ngày 24/7, khả năng mưa to vẫn có thể xảy ra do hoàn lưu của vùng áp thấp có thể quay lại, gây thời tiết xấu cho tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, từ ngày 25/7 sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh vùng Việt Bắc và Tây Bắc Bộ. Cần lưu ý mưa to sẽ có khả năng gây lũ quét và sạt lở đất đá ở vùng núi phía Bắc bởi khu vực này sẽ là trọng tâm của đợt mưa tới. Các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ hôm nay vẫn có mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Trong tuần này, Hà Nội và các tỉnh lân cận sẽ chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp do áp thấp nhiệt đới đi vào và sau đó là dải hộ tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc bộ. Liên tục từ thứ 3 đến Chủ nhật, trời nhiều mây, có mưa và mưa rào, nhiệt đô cao nhất chỉ ở mức 29-32 độ C, thấp nhất ở mức 25-28 độ C. Trong đó 3 ngày cuối tuần, từ thứ 6 tới Chủ nhật có khả năng có mưa to đến rất to, và nguy cơ ngập úng có thể lặp lại.

Hơn nữa, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đang ở mức khá cao, từ 7-8m, khu vực ven sông như các bãi bồi bị ngập hoặc sạt lở, người dân cần đề phòng.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng đã đưa ra cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất tại nhiều nơi thuộc tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh. Còn trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị đang xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên vùng thượng lưu các sông từ 3 - 5m, hạ lưu từ 1 - 2m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Bên cạnh đó, tình trạng ngập lụt, ngập úng tại các vùng trũng thấp vẫn tiếp tục diễn ra ở Thanh Hóa, Nghệ An, đặc biệt tại huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).

Các địa phương "oằn mình" khắc phục sau lũ

Tại thành phố Yên Bái, hôm nay 22/7, các khu vực bị ngập nước đã rút xuống.

Cán bộ, chiến sỹ Công an và các đoàn thể tổ chức dọn dẹp, vệ sinh các khu vực bị bùn đất vùi lấp sau ngập lụt tại Yên Bái (Ảnh VOV)

Về tình hình khắc phục hậu quả trong đợt mưa lũ vừa qua tại các địa phương, tại Yên Bái các cơ quan chức năng trong tỉnh đã hỗ trợ các gia đình có người bị chết, bị thương, nhà bị sập, đổ hoàn toàn với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng và 12.450kg gạo.

Ngày 22/7, nước lũ sông Hồng đã rút, TP Yên Bái phải huy động trên 3.000 người dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường. Trong đó, lực lượng công an, bộ đội và cán bộ, công chức, các ban ngành đoàn thể của thành phố là 700 người, còn lại là lực lượng tại chỗ của các địa phương, đơn vị đứng chân trên địa bàn. Một số nơi còn úng ngập như tại phường Hồng Hà, TP Yên Bái đã huy động 3 xe cứu hỏa, 2 máy bơm công suất lớn, 2 máy xúc lật, 4 ô tô, 70 máy xúc bùn để tăng cường các địa phương còn ngập nặng.

Tranh thủ trời không mưa người dân dọp dẹp, vệ sinh nhà cửa. Ảnh VOV

Người dân Yên Bái tranh thủ trời không mưa người dân dọp dẹp, vệ sinh nhà cửa. (Ảnh VOV)

Trong sáng 22/7, tại huyện Văn Chấn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi và trao 1 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ Trung ương giúp tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả mưa lũ. Đại diện Bộ Quốc phòng cũng trao cho tỉnh Yên Bái 3 tấn lương khô, 50 bộ nhà bạt dã chiến, 5 máy phát điện, 5 máy phát điện kèm máy bơm hút công suất lớn để Yên Bái sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống nhân dân.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy, hiện nay ở huyện Văn Chấn (nơi có nhiều người thiệt mạng và mất tích) vẫn có nhiều xã đang bị cô lập. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái đã thành lập 3 tổ công tác huy động lực lượng cứu hộ cùng lực lượng công binh của Sư đoàn 316 bằng mọi cách đưa mì tôm, lương thực, nước uống… ứng cứu đồng bào tại các thôn bản còn bị cô lập, không để ai bị đói khát. UBND tỉnh Yên Bái đã xuất 6 tấn gạo hỗ trợ các gia đình gặp nạn do mưa lũ; hỗ trợ 54 hộ tại 9 xã với số lượng gần 4 tấn gạo cho 266 nhân khẩu; vận chuyển 3 tấn gạo và 200 thùng mì tôm lên hai xã Nậm Mười, Sùng Đô thuộc huyện Văn Chấn.

Tại Quảng Ninh, điểm ngập lụt tại khu vực km15, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả đoạn qua Đèo Bụt, sau khi có yêu cầu của TP Cẩm Phả, Công ty TNHH 1 thành viên than Khe Sim - Tổng Công ty Đông Bắc đã đưa cán bộ, công nhân xuyên đêm lắp đặt máy bơm (công suất 500m3/giờ), trạm điện 400KVA và gần 1.000m đường ống nhằm bơm thoát nước cưỡng bức. Lực lượng Cảnh sát PCCC cũng đã huy động xe cứu hỏa và 1 máy bơm 80m3/giờ để hỗ trợ trong việc thoát nước cưỡng bức tại đây. Hiện giao thông khu vực này đã được giải tỏa. Ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cẩm Phả, cho biết, khi chưa tiến hành được dự án thoát nước cho khu vực này, thành phố sẽ mượn lại máy bơm công suất lớn của Công ty TNHH 1 thành viên than Khe Sim đặt tại đây nhằm giải quyết việc thoát nước cưỡng bức trong mùa mưa năm nay.

 Lực lượng quân đội dùng cano chuyên dụng đưa một người dân ở thị trấn Thanh Sơn đi cấp cứu

Lực lượng quân đội dùng cano chuyên dụng đưa một người dân ở thị trấn Thanh Sơn đi cấp cứu.

Tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, mưa lũ đã làm sập cầu treo khu Bến Gạo - xã Văn Luông; đứt 1 mố cầu cứng trên đường từ xã Văn Luông đi xã Minh Đài; sụt lún 1 đầu cầu trên đường từ xã Tân Phú đi xã Xuân Đài; một số điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài từ 10 - 100m như: Dốc Tre, khu Kết - xã Lai Đồng; đường đi khu Mỹ Á - xã Thu Cúc, khu Sặt - xã Vinh Tiền, dốc Đỏ - xã Xuân Sơn đi xã Minh Đài, đường 316E đoạn khu Tân Lập, Tân Thư - xã Minh Đài; đỉnh Đèo Cón - xã Thu Cúc… và nhiều đoạn đường nguy cơ cao bị sạt, lực lượng chức năng phải cảnh báo, phân luồng; đổ cột điện cao thế, vỡ đập tràn xóm Dụ - xã Xuân Đài, trôi nhà văn hóa khu Ú - xã Thu Cúc; nước lũ các suối, tràn tiếp tục dâng cao, chảy xiết nên hệ thống đường liên thôn, liên xã bị chia cắt…

Tại tỉnh Nghệ An, sau khi hứng chịu đợt mưa lũ kéo dài, tuy không bị thiệt hại về người nhưng có thiệt hại lớn về tài sản. Hàng chục nghìn héc ta lúa, hoa màu bị ngập; nhiều tuyến giao thông bị hư hỏng nghiêm trọng…ước tính thiệt hại khoảng 630 tỷ đồng. 

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, tính đến hết ngày 21/7, trên địa bàn có 1 người bị thương, 300 nhà dân đang bị ngập, 17 nhà dân phải di dời khẩn cấp, gần 150 nhà bị sập, cuốn trôi, sạt lở. Có 14 điểm trường bị ảnh hưởng, đặc biệt 5 phòng Ký túc xá của trường Tiểu học Mường Ải (huyện Kỳ Sơn) bị nước lũ đánh sập, sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến các phòng học khác. Mưa lớn khiến nước lũ dâng cao làm cho 28.388,4 ha lúa và 7.571,3 ha ngô, rau màu bị ngập; 1.707,3 ha cây trồng hàng năm và 3.241 ha diện tích thủy sản bị ngập, ảnh hưởng; 166ha rùng bị gãy đổ; 16 lồng bè nuôi cá bị cuốn trôi; 44 con gia súc và hơn 7.000 con gia cầm bị chết.

Về giao thông, có 44,125 km đường giao thông bị sạt lở; 35 cái cầu, tràn bị cuốn trôi, hư hỏng; hàng nghìn mét đê biển, đê nội đồng bị sạt lở; 1 đập bị vỡ; gần 200 cột điện bị gãy, đổ… Hiện, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt đang được người dân và chính quyền tiến hành khẩn trưởng, sớm ổn định cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

  • Mưa lũ tiếp tục hoành hành miền Bắc

    Mưa lũ tiếp tục hoành hành miền Bắc

    17:34, 21/07/2018

  • Mưa lũ chưa qua, biển Đông lại xuất hiệp áp thấp nhiệt đới

    Mưa lũ chưa qua, biển Đông lại xuất hiệp áp thấp nhiệt đới

    07:34, 21/07/2018

  • Yên Bái: 32 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ

    Yên Bái: 32 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ

    17:01, 20/07/2018

  • Ấm tình quân - dân trong mưa lũ

    Ấm tình quân - dân trong mưa lũ

    10:53, 27/06/2018

Nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ, sạt lở đất, vừa qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét, xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất để chủ động các phương án ứng phó; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường còn bị ngập sâu. Tiếp tục tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa, hoa màu, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích bị mất trắng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng. Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nhỏ xung yếu, đã tích đầy nước. Tổ chức tính toán vận hành liên hồ chứa hệ thống sông Hồng, các sông miền Trung phù hợp với diễn biến tình hình mưa lũ, đảm bảo an toàn chống lũ theo quy trình. 

Tối 22/7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có báo cáo cập nhật tình hình thiệt hại do mưa lũ tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Theo đó, có tổng số 30 người chết và mất tích - giảm 2 người tại Yên Bái do đã về nhà an toàn. Trong đó, có 19 người chết (Yên Bái: 11 người, Sơn La: 2 người, Lào Cai: 1 người, Phú Thọ: 2 người, Hòa Bình: 1 người, Thanh Hóa: 2 người) và 11 người bị mất tích: (Yên Bái: 6 người, Sơn La: 1 người, Phú Thọ: 1 người, Thanh Hóa: 3 người).

Về giao thông, cơ bản các tuyến bị sạt lở, sụt lún, ách tắc đã được khắc phục và thông xe, nhưng đến ngày 22-7 vẫn còn một số điểm ách tắc tại quốc lộ 32, quốc lộ 70B (Phú Thọ), quốc lộ 43, quốc lội 32B, quốc lộ 6C (Sơn La).

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp thấp quay trở lại, mưa lũ ở miền Bắc diễn biến khó lường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO