Nhiều người cho rằng Apple đã dần mất đi sức sáng tạo, khi các thiết kế xuất sắc nhất những năm gần đây không phải do Apple dẫn đầu.
Tuy nhiên, cuộc chơi đã khác, và cần những nhận định chiến lược kiểu khác. Để thấu hiểu tường tận Apple, ta phải đi ngược lịch sử, về một quyết định chiến lược của Steve Jobs gần 20 năm về trước...
Gần 20 năm trước, sau khi quay lại Apple và ổn định các dòng sản phẩm, Jobs có một kế hoạch. Ông không ấp ủ một sản phẩm đột phá như iPhone. Thực ra, ông muốn lập một “hệ sinh thái sản phẩm” mà ông gọi là Trung tâm Số.
Apple đã dựng nên một hàng rào quá lớn
Trung tâm Số của Apple là một hệ thống giúp người dùng quản lí toàn bộ cuộc sống số của mình bằng các sản phẩm Apple. Tất cả những sản phẩm khác của Apple đều xoay quanh Trung Tâm Số: Người dùng mua sản phẩm mới của Apple (iPod, iTunes, iMovie... và sau này là iPhone, iPad) có thể kết nối ngay với những sản phẩm Apple đang sử dụng.
Chiến lược này giúp tất cả sản phẩm của Apple có lợi thế đối với sản phẩm riêng lẻ của đối thủ. Nếu bạn mua một chiếc iPhone, bạn có thể kết nối với tài khoản iCloud bạn đã có, với chiếc Mac bạn đang dùng, và với tất cả các ứng dụng bạn đã tải. Bạn không thể làm tất cả những điều đó với một chiếc điện thoại di động nào khác vào thời đó. Chính sự kết nối của Trung tâm Số Apple - chứ không phải iMac hay iPhone - là thứ tạo nên lợi thế cạnh tranh cho Apple.
Toàn bộ cuộc sống của người dùng giờ đây đã nằm trong Trung tâm Số Apple: thông tin ngân hàng nằm trong điện thoại, thẻ tín dụng cũng nằm trong đó, thông tin nhà cửa và công việc cũng được đồng bộ hóa. Nói cách khác, khi toàn bộ cuộc sống nằm trong Trung tâm Số Apple, người dùng rất khó chuyển sang sử dụng sản phẩm đối thủ.
Như vậy, thứ giữ người dùng lại là sự liên kết tuyệt vời của các sản phẩm trong hệ thống Apple: Các sản phẩm phần cứng (iPhone, Mac) làm nhiệm vụ “câu” người dùng mới vào hệ thống, còn phần mềm (iOS, AppStore) sẽ giữ chân người dùng.
Chiếc điện thoại Vsmart của Vingroup liên kết với tất cả những sản phẩm của mình.
Đó là lý do vì sao nhiệm vụ quan trọng nhất giai đoạn này của Tim Cook không còn là đổi mới đột phá về thiết kế, mà là tối đa hóa lợi nhuận từ các sản phẩm chủ lực và tìm cách bành trướng Trung tâm Số Apple. Cách tốt nhất để làm điều đó chính là “cướp” người dùng Android. Chiến lược này hoàn toàn hợp lí với hành động liên tục giới thiệu nhiều đặc điểm hấp dẫn về mặt cấu hình, chính sách đổi iPhone cũ lấy iPhone mới, và mức giá khá “mềm” các dòng iPhone hiện hữu.
Đây cũng chính là lí do vì sao có rất nhiều công ty Việt Nam đã cố gắng xâm nhập thị trường điện thoại di động, với những thiết kế và linh kiện phần cứng khá ổn, nhưng vẫn gặp nhiều trắc trở trong việc giành giật thị trường với ông lớn iPhone. Xét về thiết kế, chênh lệch là không nhiều, và khoảng cách này hoàn toàn có thể rút ngắn.
Tuy nhiên, thiếu đi một chiến lược thống nhất - một Trung Tâm Số với các đơn vị kinh doanh hỗ trợ lẫn nhau - các công ty điện thoại di động Việt Nam gặp khó khăn là điều tất yếu.
Đang có một “Trung tâm số” tại Việt Nam
Cuộc chơi đã khác, và cần những nhân định chiến lược kiểu khác. Apple khi trước dẫn đầu bằng thiết kế, sau đó dựa vào thế mạnh thiết kế để thu nạp người dùng cùng dữ liệu của họ vào Trung tâm Số Apple. Giờ đây, Tim Cook sẽ dùng dữ liệu và danh tiếng về thiết kế sẵn có để củng cố vị thế cho các sản phẩm phần mềm - iOS, iTunes, AppStore... Doanh số phần mềm liên tục tăng minh chứng rõ ràng cho điều này.
Cũng trong tuần này, Apple cũng đã giới thiệu một thành viên mới trong hệ thống Trung tâm Số Apple - Apple TV Plus, vừa củng cố cho hệ thống hiện tại, vừa dùng lượng người dùng khổng lồ tấn công vào thị trường streaming. Apple không có đổi mới đột phá ở từng sản phẩm riêng lẻ, nhưng khi nhìn tổng thể, sự đột phá về mặt hệ thống vẫn diễn ra thường xuyên ở nhiều thị trường lớn mà ông lớn này tham gia.
Thị trường điện thoại di động không còn là một thị trường mà một công ty riêng lẻ có thể nhảy vào. Nếu muốn có chỗ đứng trong ngành này, chiếc điện thoại đó phải là một phần trong một hệ thống sản phẩm tương hỗ, liên quan chặt chẽ với nhau. Tại Việt Nam, Vingroup đã làm điều đó với Vsmart, liên kết chiếc điện thoại của mình với tất cả những sản phẩm của mình. Phải chăng Vingroup cũng đang thực hiện chiến lược Trung tâm Số của riêng mình?