Âu tàu trăm tỷ bỏ hoang

Diendandoanhnghiep.vn Âu tàu Thái Thượng (Thái Thụy, Thái Bình) được đưa vào sử dụng từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn không có tàu, thuyền neo đậu.

>>> Lãng phí âu tàu trăm tỷ

Công trình hơn 100 tỷ không phát huy hiệu quả, gây lãng phí và đang xuống cấp nghiêm trọng.

 Dưới âu tàu Thái Thượng (Thái Bình) chỉ có vài tàu nhỏ neo đậu

Dưới âu tàu Thái Thượng (Thái Bình) chỉ có vài tàu nhỏ neo đậu

Hiện, toàn huyện Thái Thụy có hơn 500 tàu công suất từ 90CV trở lên, vào mùa mưa bão không đủ nơi neo đậu an toàn. Vì vậy, xuất hiện tình trạng ngư dân liều lĩnh cho tàu, thuyền vào tránh trú tại một số địa điểm không cho phép như khu vực bên trong cầu Diêm Điền, cống Tám thôn thuộc xã Thái Nguyên. Tại đây, tàu thuyền đậu san sát, không đúng khoảng cách quy định dễ xảy ra đâm, va làm hư hại tài sản của ngư dân. Số lượng tàu cá tăng theo năm, trong khi khu neo đậu lại hạn chế đã gây khó khăn cho chủ phương tiện tàu, thuyền, nhất là vào mùa mưa bão cần nơi tránh, trú ẩn an toàn.

Nghịch lý khu neo đậu

Năm 2012, UBND tỉnh Thái Bình có quyết định phê duyệt đầu tư công trình Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại xã Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình do UBND huyện Thái Thụy làm chủ đầu tư. Năm 2016, công trình xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng giai đoạn 1 với quy mô 20,3ha, tổng vốn đầu tư 107 tỷ đồng. Công trình gồm: nhà điều hành, vũng neo đậu, hệ thống trụ neo kiên cố để tiếp nhận cùng lúc 104 tàu, thuyền công suất tối đa 300CV/tàu vào neo đậu an toàn.

Tuy nhiên, toàn bộ diện tích âu tàu rộng hàng hecta nằm ở khu vực cửa sông Diêm Hộ hoàn toàn vắng lặng. Khu nhà điều hành cửa đóng, then cài và đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Dưới âu tàu chỉ một vài tàu cá nhỏ tập kết bốc xếp hải sản (chủ yếu don, dắt) làm thức ăn chăn nuôi.

Chủ tàu TB11048TS cho biết, từ ngày âu tàu Thái Thượng được đưa vào hoạt động, dù bão to đến mấy cũng không thấy tàu bè nào vào âu. Có lần có những chiếc tàu nhỏ về đỗ ở đó nhưng bão gió lại chạy chỗ khác. Bởi, âu tàu Thái Thượng khá trống trải, đã từng có tàu về đó neo đậu và bị lật tàu nên ngư dân ở đây sợ, không dám đưa tàu vào đó.

Ông Lê Văn Công, ngư dân xã Thái Thượng bộc bạch, “chúng tôi không dám cho tàu vào neo đậu tại âu tàu Thái Thượng, nguyên nhân là âu tàu này được thiết kế quay hướng Bắc. Bão thì gió hướng nam thổi đến. Tàu thuyền đậu hay ra vào đều hứng gió ngang thân tàu, khả năng lật, đắm rất cao. Xung quanh âu tàu lại trống trơn, không có cây cối chắn gió. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương cam kết và chịu trách nhiệm khi ngư dân cho tàu vào đây bị đắm nhưng không ai dám lên tiếng. Nếu có chuyên môn không ai duyệt xây âu tàu tránh trú bão lại quay hướng bắc như thế này, rất nguy hiểm cho tàu, thuyền ra vào dễ lật, đắm”.

Theo nhiều ngư dân ở đây, âu tàu Thái Thượng còn một nhược điểm nữa là được xây dựng ở khu bãi bồi. Trong khi đó lại nhiều năm không được khơi thông, nạo vét. Tàu từ 800CV trở lên muốn vào âu này phải đợi con nước mới vào được. Lúc bão gió mà không đúng con nước thì tàu đành ở ngoài chờ.

Theo ghi nhận của PV, tại cảng cá Tân Sơn, tàu thuyền cập bến đông nghịt, hoạt động thu mua diễn ra tấp nập, khác hẳn cảnh đìu hiu vắng lặng của âu tàu trăm tỷ.

Thiết kế “không giống ai”

Chính vì thiết kế kiểu “không giống ai” nên âu tàu Thái Thượng theo thời gian vẫn vắng tanh. Ngư dân vẫn phải đậu tàu ở các bến cũ như Bến cá Tân Sơn (xã Thụy Hải), khu neo đậu dốc cống Tràng Than (TT.Diêm Điền), bến đóng tàu Đại Dương... vì các điểm này rất kín gió, lại gần nhà, gần chợ đầu mối để giao thương sau mỗi chuyến biển. Thậm chí, khi có bão, tàu thuyền đông chật, thiếu điểm neo đậu thì ngư dân đưa tàu, thuyền vào tránh trú tại một số địa điểm không cho phép như khu vực trong cầu Diêm Điền, cống Tám Thôn (xã Thái Nguyên, H.Thái Thụy) chứ không dám vào âu tàu Thái Thượng.

>>>Lãng phí công viên hàng chục tỷ ở Uông Bí

Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) dự án, vị trí khu neo đậu nằm ở bờ Nam của sông Diêm Hộ, mà khu neo đậu phải nối với sông, do đó cửa vào bắt buộc phải quay ra sông – hướng Bắc. Hơn nữa, luồng cửa vào khá nhỏ, đáy luồng chỉ rộng 40m và dài 260m nên khi tàu thuyền ra vào, mức độ nguy hiểm gây lật thuyền không phải là nghiêm trọng.

Trước đó, trao đổi với DĐDN, ông Bùi Thế Dân - Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng huyện Thái Thụy lý giải, ngư dân không muốn vào khu neo đậu Thái Thượng hàng ngày là do nếu vào neo đậu trong đó, ngư dân sẽ phải lên bờ và đi bộ hơn 4km mới về được tới nhà. Đồng thời, do khu neo đậu Thái Thượng chưa phát triển việc thu mua, chế biến hải sản, chưa có các dịch vụ cung cấp xăng dầu, đá lạnh…nên ngư dân không mặn mà vào bến neo đậu.

“So sánh với cảng cá Tân Sơn, đoạn luồng từ sông Diêm Hộ vào cảng cá Tân Sơn cũng chảy theo hướng Nam - Bắc, nhưng tàu thuyền vẫn vào trong cảng cá Tân Sơn neo đậu mà chưa bao giờ bị lật thuyền. Hiện tại, điểm bất lợi của khu neo đậu Thái Thượng là địa hình trống trải, chưa có rừng cây chắn sóng bao quanh” – ông Dân cho biết.

Điểm hạn chế lớn nhất là khu vực cửa sông Diêm Hộ dẫn vào khu neo đậu Thái Thượng là cửa bồi, nhiều năm nay không được khơi thông, nạo vét. Khi có mưa bão, nước dâng tàu thuyền có thể đi vào tránh trú, nhưng khi bão tan, nước rút, các phương tiện không ra được, rất dễ mắc cạn.
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Âu tàu trăm tỷ bỏ hoang tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714062735 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714062735 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10