Trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành, địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu đã rà soát và tổng hợp danh mục 35 dự án xã hội hóa kêu gọi đầu tư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành, địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu đã rà soát và tổng hợp danh mục dự án xã hội hóa kêu gọi đầu tư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, bao gồm 35 dự án trong các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo 17 dự án, y tế 6 dự án, văn hóa, thể dục thể thao 11 dự án, môi trường 1 dự án.
Và 19 dự án chợ, trung tâm đăng kiểm, bến xe khách kêu gọi xã hội hóa đầu tư; trong đó, dự án chợ, trung tâm thương mại 14 dự án, dự án trung tâm đăng kiểm và bến xe 5 dự án.
Sau khi công bố danh mục này, nếu nhà đầu tư quan tâm đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư 2014.
Theo số liệu của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh, qua hơn 8 năm thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 64 dự án xã hội hoá thuộc các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường - chợ, trung tâm thương mại - trung tâm đăng kiểm và bến xe khách.
Trong đó đã có 42 dự án đi vào hoạt động, đây chủ yếu là các dự án trong lĩnh vực giáo dục đào tạo (14 dự án), môi trường (11 dự án) và lĩnh vực thương mại (09 dự án). Các dự án đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cho các nhà đầu tư và đã giải quyết được nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như việc tuyên truyền phổ biến chủ trương chính sách xã hội hóa chưa đến được các đối tượng thụ hưởng. Việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư chưa đem lại hiệu quả, khiến thời gian làm thủ tục vẫn kéo dài, đặc biệt trong việc giao đất sạch cho nhà đầu tư hiện nay còn nhiều thủ tục, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc tiếp cận đất đai. Tốc độ thực hiện các dự án vẫn còn chậm, trong khi đó công tác quy hoạch và chuẩn bị để thu hút nhà đầu tư còn chưa tốt.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế nêu trên là do nhận thức về xã hội hóa chưa thực sự thống nhẩt, vẫn còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Cơ quan quản lý chưa quy hoạch được các khu đất sử dụng cho mục đích xã hội hóa và thiếu kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư. Mặt khác, nguồn kinh phí của tỉnh hiện còn khó khăn, thiếu vốn để bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án.
Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư chưa được hướng dẫn cụ thể, công tác tham mưu đề xuất chủ trương đầu tư chưa rõ ràng dẫn đến một số nhà đầu tư chưa đảm bảo năng lực tài chính để triển khai thực hiện dự án dẫn đến tiến độ chậm.