Là địa phương có khối lượng lớn người lao động tham gia BHXH bao gồm lao động từ các tỉnh thành địa phương, BHXH tỉnh Bắc Ninh đề xuất nhiều giải pháp đảm bảo trụ cột an sinh này.
Ngày 30/3, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Uỷ viên Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, trưởng đoàn giám sát BHXH Việt Nam làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh, BHXH tỉnh Bắc Ninh, các Sở ngành liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị làm việc với Đoàn công tác của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, quy mô dân số Bắc Ninh sẽ tiếp tục tăng nhanh đồng nghĩa với số đối tượng tham gia BHXH tăng cao.
Áp lực lớn lên cơ quan thực thi
"Điều này sẽ tiếp tục là áp lực tới các cơ quan thực hiện các chính sách về BHXH, y tế và an sinh xã hội. Với những khó khăn như vậy, UBND tỉnh mong muốn BHXH Việt Nam và các cơ quan quan tâm những vùng đặc thù như Bắc Ninh", ông Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Theo đó, số lượng tham gia BHXH của Bắc Ninh sẽ nhanh chóng tăng từ 450.000 người lên con số cao hơn nữa, có thể là gấp đôi trong 5 năm nữa. Do đó, số lượng người thực thi không đáng bao nhiêu thì cần có phương án điều chỉnh phù hợp.
"Có thể cân nhắc cho phép nhân viên hợp đồng với ngành y tế và bảo hiểm hay không? Hoặc cho phép tự chủ ở một giới hạn nhất định. Với việc tỷ lệ người tham gia BHXH quá lớn như Bắc Ninh có hay không cần tiêu chuẩn khác so với các địa phương khác, để ngành y tế Bắc Ninh có tính toán phương án sớm", Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất.
Trên thực tiễn, theo ông Vương Quốc Tuấn, báo cáo của BHXH Tỉnh Bắc Ninh, năm 2020 số người tham gia BHXH là 1.350.000 người, tăng gần 5% so với năm 2019, chiếm 93,4% dân số. Quý I/2021, số người tham gia BHXH khoảng 1.349.000 người, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020, giảm 0,54% với tháng 12/2020, đạt 98,3% kế hoạch giao. Mặc dù kết quả thực hiện bao phủ BHXH đạt kết quả cao, đứng thứ 5 toàn quốc về số người tham gia và số thu BHXH. Nhưng BHXH tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại địa bàn tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh của đại dịch COVID-19.
Do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn, nợ đọng kéo dài không có khả năng chi trả nợ, thực tế nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí không có doanh thu, dừng hoạt động…từ đó không có tiền trả lương cho công nhân và nộp BHXH, dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT tăng cao.
Tình trạng chuộc lợi từ BHXH, chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng rộng rãi, có trường hợp chỉ định không phù hợp. “Đáng nói, năm 2020 chúng tôi đã phải chuyển cơ quan điều tra 617 giấy khám bệnh nghi giả và không chi trả BHXH”, ông Phạm Đức Cường, Giám đốc BHXH Tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.
Trong quá trình phối hợp với BHXH tỉnh, Công an tỉnh cho biết năm 2020 đã xử lý 11 vụ gian lận BHXH, cũng như giải quyết hồ sơ nghi giả và làm giả giấy ra viện hoặc giấy khám sức khoẻ.
“Lượng người tham gia BHXH tại Bắc Ninh quá lớn có tới 450.000 người, có nhiều người dân từ địa phương khác tới Bắc Ninh lao động thời vụ nên khối lượng công việc rà soát nghi ngờ hồ sơ rất lớn yêu cầu nguồn lực lớn. Do đó đề nghị UBND tỉnh, BHXH và các cấp quan tâm tới BHXH Bắc Ninh, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đơn vị để xem xét những trường hợp gian lận BHXH được nhanh chóng điều tra làm rõ”, đại diện công an tỉnh Bắc Ninh cho biết.
Bên cạnh khó khăn về giám sát thực hiện PGĐ Sở Y tế Bắc Ninh cho biết, trong quá trình kiểm tra giám sát của các đơn vị thực hiện vẫn còn một số đề xuất tới BHXH Việt Nam và các cơ quan như tiền vượt định mức vật tư y tế từ tháng 97 tỷ, nhưng BHXH Việt Nam chỉ chấp nhận 42 tỷ....
Trước đó, ghi nhận khó khăn của BHXH tỉnh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn khẳng định, trong thời gian qua, BHXH tỉnh Bắc Ninh đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Về những khó khăn, vướng mắc mà các đại biểu đề cập, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có nguyên nhân liên quan đến cơ chế, thể chế chưa đồng nhất, chính sách khi triển khai trong thực tiễn còn những bấp cập cần khắc phục; sự phối hợp giữa các đơn vị chưa thực sự chặt chẽ...
“Những bất cập của chính sách, cơ chế vượt thẩm quyền, BHXH Việt Nam tiếp thu và sẽ báo cáo cơ quan liên quan. Những nội dung thuộc thẩm quyền, BHXH Việt Nam sẽ tích cực phối hợp, hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi của người lao động, người dân, các cơ sở KCB và đơn vị sử dụng lao động”, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh.
Do đó, BHXH tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
Thống nhất các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, nhất là công tác giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT phù hợp, kịp thời. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin có nhiều chức năng thuận lợi cho công tác kiểm soát, giám sát chi phí khám chữa bệnh BHYT từ cơ sở đến Trung ương.
Đồng thời, ban hành đầy đủ các phác đồ điều trị, hướng dẫn điều trị đầy đủ và chi tiết hướng dẫn các cơ sở KCB trong hoạt động khám chữa bệnh BHYT và công tác thanh quyết toán BHYT. Xây dựng cơ cấu chi phí DVKT đảm bảo phù hợp với thực tế.
“Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần thống nhất trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn thanh toán khám chữa bệnh BHYT kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện”, ông Cường nhấn mạnh.
BHXH tỉnh Bắc Ninh cũng kiến nghị BHXH Việt Nam cho phép từ chối giải quyết chế độ ốm đau, thai sản đối với những trường hợp cơ sở KCB cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc Giấy ra viện không đúng theo quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT và các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
Đồng thời, xây dựng phần mềm liên thông giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với ngành BHXH trong việc đóng, giải quyết, chi trả chế độ BHTN. Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa các phần mềm TST và TCS để cảnh báo đối tượng tăng, giảm đóng BHXH, BHYT có giải quyết hưởng các chế độ BHXH.
Đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của người hưởng chế độ BHXH thông qua tài khoản thẻ theo hướng định kỳ hàng năm, người hưởng phải thông báo về tình trạng nơi cư trú của bản thân cho cơ quan BHXH.
Đối với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BHXH Bắc Ninh đề nghị Tỉnh uỷ thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy Đảng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy BCHTW khóa XII về cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, Chương trình hành động số 57-Ctr/TU ngày 27/7/2018 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 và các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.
Ngoài các chính sách chung của Nhà nước, tỉnh có chính sách hỗ trợ thêm cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn, lao động khu vực phi chính thức, người cao tuổi không có lương hưu trong việc đóng BHXH tự nguyện (ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo Luật), góp phần gia tăng độ bao phủ của BHXH trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định đời sống cho các nhóm đối tượng yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
Đồng thời, chỉ đạo việc đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT với nhiều hình thức, nhất là các nội dung như: xử lý hình sự vi phạm phát luật về BHXH, BHYT theo Điều 214, 215, 216 Bộ Luật hình sự; Xử lý vi phạm hành chính theo Điều 40 Luật BHYT, Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 65 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế trên thông tin đại chúng để nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, giáo dục ý thức pháp luật cho các chủ thể có liên quan đến BHXH, BHYT, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong thực hiện BHXH, BHYT tại tỉnh.
Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nhất là việc trốn đóng BHXH, BHYT và thực hiện chế độ KCB BHYT không đúng quy định của pháp luật.
BHXH tỉnh cũng đề xuất Sở Y tế phối hợp tuyên truyền chính sách BHYT tại các cơ sở KCB. Hỗ trợ trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch Covid- 19 cho nhân lực BHXH thường trực tại cơ sở Y tế trên địa bàn.
Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT. Chỉ đạo, điều hành các cơ sở KCB cách thức quản lý sử dụng quỹ KCB BHYT, chống lạm dụng.
Trong đó, thực hiện tốt quy chế chuyên môn trong chỉ định cận lâm sàng, sử dụng thuốc và chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú, ngày giường điều trị nội trú đảm bảo quyền lợi người bệnh, tránh lạm dụng thất thoát quỹ BHYT.
Đồng thời, phổ biến những quy định pháp luật liên quan đến KCB BHYT đến các phòng chức năng và các khoa lâm sàng, bác sỹ điều trị chọn lựa thuốc và vật tư y tế tiêu hao vừa đáp ứng yêu cầu về chất lượng điều trị nhưng phải đảm bảo tiết kiệm chi phí.
Thành lập tổ BHYT chuyên trách, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tổ này là một Phó Giám đốc bệnh viện. Thành viên của tổ BHYT bao gồm: các bác sĩ và chuyên viên phòng KHTH, chuyên viên tài chính của phòng TCKT, chuyên viên CNTT của phòng CNTT, dược sĩ của khoa Dược, chuyên viên phòng Vật tư -Trang thiết bị y tế, ngoài ra còn có các bác sĩ Trưởng khoa lâm sàng. Công việc chính của tổ BHYT là đảm bảo chuyển tải dữ liệu đúng thời gian và đúng quy định lên cổng giám định, ngoài ra tổ BHYT chịu trách nhiệm cập nhật và tích hợp hệ thống nhắc trên phần mềm của bệnh viện về các lỗi hay gặp khi BHXH giám định để không bị xuất toán, như chỉ định cận lâm sàng không phù hợp chẩn đoán, ngày nằm viện kéo dài không phù hợp chẩn định.
Các Hội đồng thuốc và điều trị, Hội đồng KHCN rà soát lại danh mục và chủng loại thuốc, vật tư y tế theo hướng vẫn đảm bảo chất lượng điều trị nhưng tiết kiệm chi phí, tỷ lệ chỉ định vào điều trị nội trú tuyến tỉnh sau khi thực hiện thông tuyến tỉnh nội trú tại Điều 22 Luật BHYT thực hiện từ 01/01/2021.
Hàng tháng, bệnh viện rà soát, đánh giá và phân tích tình hình sử dụng dự toán chi KCB BHYT, tìm nguyên nhân và chủ động điều chỉnh và khắc phục các nguyên nhân chủ quan làm tăng dự toán chi KCB BHYT. Chỉ đạo các cơ sở KCB ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí BHYT; Bám sát kế hoạch giao dự toán và phân bổ nguồn kinh phí của UBND tỉnh; Phối hợp BHXH tỉnh kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
Có thể bạn quan tâm
14:15, 30/03/2021
16:24, 25/03/2021
11:00, 16/03/2021
16:49, 20/01/2021
22:20, 17/12/2020