Bài phát biểu của ông Trịnh Minh Anh tại Tọa đàm trực tuyến: Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi

Diendandoanhnghiep.vn COVID đã làm thay đổi mối quan hệ kinh tế quốc tế như thế nào.

Việt Nam là nền kinh tế mở, cần ứng xử ra sao, đâu là cơ hội, đâu là thách thức. Những khuyến nghị đối với Doanh nghiệp.

Theo tôi, Covid đã làm thay đổi mối quan hệ kinh tế quốc tế theo cả hai hướng tiêu cực và tích cực.

Về hướng tiêu cực, như nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng Nuriel Roubini nhận định, dịch bệnh COVID-19 hiện nay sẽ làm gia tăng khủng hoảng kinh tế và địa - chính trị. Trong thời gian qua, mối quan hệ và mức độ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các đối tác trên thế giới bị ngưng trệ khi đại dịch Covid đã gây ra đứt gẫy chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu. Hoạt động xuất nhập khẩu và giao thương giữa các quốc gia bị gián đoạn khiến cho quan hệ thương mại song phương giữa các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những làn sóng covid mới thách thức khả năng chống chọi của các loại vacxin thì rất có thể chúng ta sẽ phải chứng kiến một “kỷ nguyên băng” kinh tế, các biên giới sẽ tiếp tục bị đóng cửa, chủ nghĩa bảo hộ sẽ lan tràn và thậm chí có thể dẫn đến các cuộc xung đột khi các nền kinh tế bị thấm mệt sau giai đoạn dài đóng cửa do áp dụng các chính sách thắt chặt .

Theo nhiều nhà quan sát, cú sốc mang tên corona virus sẽ khiến thế giới thay đổi sâu sắc, trong đó các quá trình vỡ vụn của các nền kinh tế sẽ diễn ra trong nhiều năm. Sự bất ổn định về địa - chính trị, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới trong thời gian qua và dịch bệnh COVID-19 sẽ làm trầm trọng thêm những xu hướng này, có thể dẫn đến sự phá hủy các mối quan hệ về sản xuất và giao thông, cũng như kéo lùi tiến trình toàn cầu hóa hiện nay. Kết quả là sự phổ biến thông tin trên mạng sẽ thay thế sự trao đổi vật chất hàng hóa và con người. Những sự thay đổi này sẽ tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội và chính trị của thế giới trong thập niên tới.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hướng đến một triển vọng tươi sáng hơn khi các nước đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vacxin, cùng với kết quả tích cực đạt được từ những gói hỗ trợ và kích cầu nền kinh tế mà các quốc gia đang áp dụng. Khi đó, cùng với sự phục hồi kinh tế thì quan hệ kinh tế quốc tế giữa các quốc gia cũng sẽ bước sang giai đoạn “bình thường mới”. Trên thực tế, hiện nay, chúng ta có thể thấy đại dịch Covid, bên cạnh tác động tiêu cực như đã nêu trên thì ở một phương diện khác, đó là nhân tố để các quốc gia đặt sang một bên những xung đột, bất đồng về kinh tế thương mại, thậm chí  là chính trị để cùng hợp tác vượt qua đại dịch.  Như WHO khẳng định: COVID-19 đang đe dọa toàn nhân loại – vì thế toàn nhân loại cần hợp sức để ngăn chặn vi-rút này. Nỗ lực ứng phó đơn lẻ của một quốc gia sẽ là không đủ để chống lại dịch bệnh đang ngày càng lan rộng trên phạm vi toàn cầu, do vậy hơn lúc nào hết, cần tăng cường hợp tác để chiến thắng dịch bệnh. Thực tế, hiện nay các nước đang tăng cường hợp tác trên 2 phương diện:

Thứ nhất là hợp tác để chia sẻ nguồn lực để chống dịch: Đó là chia sẻ vacxin, hỗ trợ khẩu trang và các hỗ trợ, chia sẻ về vật chất và kỹ thuật  dưới nhiều hình thức khác nhau. Các nước đi đầu về chia sẻ vacxin có thể kể đến Mỹ, EU, Nhật Bản… Riêng Mỹ, tính đến đầu tháng 8 năm nay đã tài trợ và vận chuyển hơn 110 triệu liều vacxin ngừa covid tới 65 quốc gia và vùng lãnh thổ bị tác động nặng nề bởi Covid. Phần lớn số vacxin này được phân phối thông qua cơ chế COVAX. Thời gian qua, Việt Nam chúng ta cũng đã tặng cho các nước hàng triệu khẩu trang kháng khuẩn. Đó chính là những hành động cho thấy quan hệ giữa các nước vẫn đang được tăng cường trong đại dịch.

Thứ hai là hợp tác để tìm hướng phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch. Đây là một mục tiêu quan trọng mà các quốc gia, các tổ chức kinh tế quốc tế, các diễn đàn thế giới và khu vực đều hướng tới. Với tình trạng hiện nay, hậu quả của đại dịch Covid đối với kinh tế toàn cầu sẽ không chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai mà còn có thể kéo dài trong nhiều năm. Vì vậy, các chính sách hợp lý và kịp thời sẽ rất cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế và dần dần đưa kinh tế tăng trưởng trở lại trên phạm vi từng quốc gia, khu vực và thế giới. Điều này đòi hỏi nỗ lực chung của các quốc gia và khu vực chứ không chỉ là những nỗ lực đơn lẻ. Cũng giống như chuỗi cung ứng toàn cầu không thể nối lại nếu chỉ có một hay hai nước tham gia vào đó mà nó cần sự tham gia của rất nhiều chủ thể, rất nhiều quốc gia để ráp từng mắt xích khác nhau. Vừa qua, các tổ chức kinh tế quốc tế như ASEAN hay APEC đều có các thông điệp về quyết tâm tăng cường hợp tác khu vực nhằm vượt qua đại dịch Covid.  Năm APEC 2021 đã lấy chủ đề là “Cùng phối hợp, cùng hành động, cùng tăng trưởng”. Tại cuộc họp không chính thức gần đây của các nhà lãnh đạo APEC đã một lần nữa nhấn mạnh  vai trò của hợp tác và các giải pháp đa phương trong việc cùng nhau  vượt qua khủng hoảng y tế thúc đẩy phục hồi kinh tế sáng tạo, bền vững và an toàn.

Việt Nam là nền kinh tế mở, cần ứng xử ra sao, đâu là cơ hội, đâu là thách thức

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nền kinh tế có độ mở lớn (hơn 200%).

Trong bối cảnh đại dịch Covid, theo tôi Việt Nam cần:

- Thận trọng trước những nguy cơ toàn cầu do tác động của đại dịch Covid như đã đề cập ở trên. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài,  cần phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế.

- Tiếp tục tăng cường vận động, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài để phổ cập vacxin cho toàn dân, sớm mở cửa trở lại ở những vùng bị giãn cách. Thực tế vừa qua, công tác ngoại giao vacxin, ngoại giao khẩu trang của chúng ta đã làm rất tốt

- Đẩy mạnh hợp tác trong  khuôn khổ các diễn đàn, tổ chức kinh tế khu vực và thế giới để cùng tìm kiếm giải pháp và các sáng kiến vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế

- Tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước; hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tiếp cận các hình thức sản xuất kinh doanh mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp để đủ sức tham gia ngay các chuỗi giá trị mới, mở rộng quan hệ đối tác gắn với mở rộng thị trường khi cấu trúc kinh tế thế giới có sự thay đổi, điều chỉnh.

Đâu là thách thức, đâu là cơ hội?

Đối với Việt Nam, đại dịch Covid đang đặt ra những thách thức to lớn đối với nền kinh tế , gây  ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...; ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân. Theo  báo cáo của Chính phủ tháng 6 vừa qua đã chỉ ra những vẫn đề đáng quan ngại như xu hướng doanh nghiệp (DN) rời khỏi thị trường đang ở mức khá cao (tăng 23%), trong đó có cả DN lớn, cho thấy sức chống chịu của nhiều DN đã tới hạn; cán cân thương mại có chiều hướng thiên về nhập siêu; các thị trường bất động sản, vàng, chứng khoán còn tiềm ẩn rủi ro; sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm; giải ngân đầu tư công chậm (mới đạt 22,12% kế hoạch năm); giải ngân vốn nước ngoài rất thấp (chỉ có 2,97%); đời sống người dân khó khăn, đặc biệt là người lao động làm ở khu công nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức trên, đây cũng là cơ hội để chúng ta tìm những hướng đi mới trong phát triển nền kinh tế. Tại Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu ngày 2/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và chia sẻ quan điểm: tận dụng cơ hội phòng, chống đại dịch COVID-19 để chuyển đổi số với trọng tâm là công nghệ số, kinh tế số để đẩy nhanh hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc. Trong bối cảnh các nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế; từ đó bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm và toàn diện. Cần có sự hợp tác để tăng cường thương mại điện tử qua biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, qua đó giúp thúc đẩy xuất khẩu giữa Việt Nam và các nước. Ngoài ra, thách thức từ đại dịch Covid đối với nền kinh tế cũng như lửa thử vàng, gian nan thử sức. Đây là cơ hội chúng ta thanh lọc nền kinh tế, chọn ra những nhân tố đủ sức chống chịu với những biến động, khủng hoảng toàn cầu.

Những khuyến nghị đối với doanh nghiệp

Như trên đã đề cập, đại dịch Covid còn diễn biến khó lường và tác động không chỉ trong thời gian ngắn, do vậy để thích ứng với tình hình này, thứ nhất, các doanh nghiệp cần xem xét chuyển đổi  mô hình kinh doanh mới bởi các quy trình, hệ thống, nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ.

Thứ hai, đại dịch COVID-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, DN buộc phải đầu tư cho khoa học - công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0 trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng.

Thứ ba là duy trì kết nối với khách hàng song phải đảm bảo an toàn cho mình và cho khách hàng trong đại dịch.

Thứ tư là nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời tăng cường sự chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

Cuối cùng là xây dựng chiến lược kinh doanh hậu Covid để kịp thời nắm bắt những cơ hội khi nền kinh tế phục hồi, trong đó có việc tận dụng tốt các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác để khôi phục, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư./. 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713601470 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713601470 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10