Có cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhưng doanh nghiệp nông lâm thủy sản Việt vẫn phải đối mặt với nhiều bài toàn khó.
Nước xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4 năm nay ước tính đạt 18,20 tỷ USD, giảm mạnh 13,9% so với tháng trước, chủ yếu do số ngày làm việc trong tháng ít hơn 3 ngày và các sản phẩm Galaxy S9, S9+ được Samsung tập trung xuất khẩu trong tháng 3.
Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 32,2%, hàng dệt may tăng 18,4%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 17,9%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 20,28 tỷ USD, tăng 17,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm tới 72,5% tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53,48 tỷ USD, tăng 19,4%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 14 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó điện thoại và linh kiện tăng 56,4%; giày dép tăng 13,5%; hàng dệt may tăng 12,1%.
Nhiều năm trở lại đây, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất hàng hóa của Việt Nam và cũng là thị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất. Đơn cử, năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 41,5 tỷ USD.
Cầm nắm chắc điều kiện thị trường
Cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu là có, nhưng không dễ dàng. Một trong những khó khăn lớn nhất mà DN xuất khẩu Việt Nam sang Hoa Kỳ phải đối diện là những thay đổi về xu hướng bảo hộ thông qua các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản.
Đơn cử, từ ngày 1/1/2018, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ áp dụng Chương trình giám sát hải sản nhập khẩu (SIMP), chống lại các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) và gian lận hải sản vào nước này. Đến nay, không ít DN còn chưa hiểu rõ những yêu cầu, quy định của chương trình. Hoặc Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ cũng yêu cầu tất cả các nhà máy phải gia hạn đăng ký XK thủy sản sang Hoa Kỳ sau mỗi 2 năm, bắt đầu từ năm 2016, tuy nhiên, nhiều DN chưa để tâm đến vấn đề này.
Hóa giải những thách thức hiện hữu, tăng XK vào Hoa Kỳ, nhiều giải pháp đã được triển khai. Cụ thể, với nông - lâm - thủy sản, giai đoạn 2016 - 2017, Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các chương trình hành động về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm theo chuỗi liên kết giữa người sản xuất với DN và thị trường. Đồng thời, tăng cường nâng cao hoạt động thực thi Luật An toàn thực phẩm, Luật Thủy sản…; tăng cường thông tin đến các DN những thay đổi về điều kiện của thị trường…
Với các mặt hàng khác, Bộ Công Thương khuyến cáo, DN cần có giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn thị trường nhằm giữ vững và mở rộng thị phần XK.
Để có thể giữ vững, cũng như tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường thế giới nói chung và thị trường Mỹ nói riêng, trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình đàm phán của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do Á - Âu... để mở rộng thị trường xuất khẩu.