Bàn giao 5 “ông lớn” ngành giao thông về “Siêu Ủy ban”

Huyền Trang 12/11/2018 18:42

5 Tổng Công ty của ngành giao thông sở hữu tổng tài sản 275.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hơn 46.000 tỷ đồng đã được bàn giao về “Siêu uỷ ban".

Sau Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, chiều 12/11, Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển giao 5 tổng công ty gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV) về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước (Siêu Uỷ ban).

Có thể bạn quan tâm

  • Chính thức bàn giao SCIC về “Siêu Ủy ban” quản lý vốn Nhà nước

    13:36, 12/11/2018

  • Bộ Công Thương tổ chức lễ bàn giao Tập đoàn, Tổng công ty về “siêu ủy ban”

    14:19, 10/11/2018

  • Vinataba chuẩn bị về "siêu Ủy ban"

    08:32, 16/10/2018

Phát biểu tại lễ bàn giao, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao tính tích cực, chủ động, trách nhiệm của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước và Bộ Giao thông Vận tải để việc chuyển giao được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu chứng kiến Lễ ký chuyển giao

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu chứng kiến Lễ ký chuyển giao

Việc chuyển giao này nhằm hình thành một cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách, chuyên nghiệp và có trách nhiệm giải trình đầy đủ thay vì mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước hiện nay. Qua đó, tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; phân định chức năng quản lý nhà nước và chủ sở hữu vốn nhà nước.

Phó Thủ tướng khẳng định, sau khi chuyển giao, các bộ quản lý ngành lĩnh vực, như Bộ Giao thông Vận tải vẫn còn nguyên 5 chức năng quản lý nhà nước như hiện nay, bao gồm: xây dựng hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật về hoạt động của các DN nhà nước; vẫn là cơ quan xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển trong các lĩnh vực này; thiết lập hệ thống định mức, tiêu chuẩn liên quan lĩnh vực này; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan quản lý nhà nước; thanh kiểm tra việc tuân thủ pháp luật.

“Chuyển chức năng đại diện vốn nhà nước phân tán của các bộ về Ủy ban không hề làm suy giảm, ngược lại còn tạo điều kiện cho các bộ ngành làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước của mình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi Lễ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi Lễ.

Về phần mình, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho biết, 5 tổng công ty chịu quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải sau khi chuyển giao sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, tập trung sản xuất kinh doanh, nghiêm túc thực hiện sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Đề nghị các lãnh đạo doanh nghiệp được chuyển giao, đồng sức, đồng lòng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ủy ban hứa sẽ thực hiện tất cả nhiệm vụ luật pháp quy định và chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ giúp doanh nghiệp có điều kiện hoạt động thuận lợi hơn, có chiều sâu hơn. Là cầu nối doanh nghiệp với các bộ ngành và Chính phủ để hoạt động hiệu quả hơn”, ông Hoàng Anh khẳng định.

Về 5 đơn vị được chuyển giao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, đây là các đơn vị máu thịt của ngành giao thông vận tải đã gắn bó và góp phần vào lịch sử xây dựng và phát triển Ngành.

Do đó, dù có chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn thì kết quả hoạt động cũng như các tồn tại của các đơn vị liên quan đến chuyên môn, lĩnh vực vẫn sẽ có một phần trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói đồng thời cam kết với Phó Thủ tướng và các đơn vị, Bộ Giao thông Vận tải sẽ luôn bên cạnh hỗ trợ, giúp đỡ và đồng hành để 5 TCT hoạt động bình thường, thậm chí tốt hơn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết lãnh đạo Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Ủy ban QLVNN giải quyết căn bản các vấn đề còn tồn tại hiện nay của các đơn vị này.

Các đại biểu tham dự Lễ Ký kết.

Các đại biểu tham dự Lễ Ký kết.

Tại Lễ Ký kết, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các đơn vị được chuyển giao phải thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình.

Bộ Giao thông Vận tải vẫn đồng hành hỗ trợ nhưng sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật, của Ngành và các bộ luật liên quan tại các đơn vị. Tôi có niềm tin 5 đơn vị của chúng ta sau khi bàn giao sẽ hiệu quả tốt hơn nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Được biết, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được lập từ tháng 2. Cuối tháng 9, siêu Uỷ ban đã chính thức hoạt động, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển về từ các bộ, ngành.

19 đơn vị trong diện quản lý của siêu Ủy ban gồm các công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài, đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Thông tin & Truyền thông, Giao thông vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bàn giao 5 “ông lớn” ngành giao thông về “Siêu Ủy ban”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO