Nghị định 74/2018/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hoá nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường.
Theo đó, đối với sản phẩm, hàng hoá thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hoá nhóm 2) nhập khẩu, việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa được thực hiện thông qua việc xem xét hoạt động công bố hợp quy của người nhập khẩu. Việc công bố hợp quy được quy định chi tiết tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo một trong các biện pháp sau: a) Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân; b) Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật; c) Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật.
Trường hợp, người nhập khẩu thực hiện đăng ký kiểm tra chất lượng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thì thực hiện đăng ký kiểm tra và trả kết quả kiểm tra chất lượng thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Theo chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành, thời gian qua, nhiều sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ bị thu hồi vì vi phạm quy định về cảnh báo ghi nhãn dị ứng. Trong đó có nhiều DN Việt Nam bị tổn hại giá trị thương hiệu rất lớn dù vi phạm này không liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Chất gây dị ứng không phải là chất độc, thực phẩm nào có protein (sữa, cá, trứng, đậu phộng…) cũng đều có khả năng gây dị ứng, tùy vào cơ địa mỗi người. Hiện có 8 thành phần DN phải khai là sữa, trứng, đậu phộng, các loại hạt, bột mì, đậu nành, cá, các loại giáp xác và các hương liệu, phụ gia chiết xuất từ các thành phần trên.
"Nay là 8 chất, sau này có thể tăng lên 9, 10 chất, các DN phải lưu ý vì có rất nhiều thực phẩm chứa protein. Mỹ quy định nhãn cảnh báo chất gây dị ứng phải đáp ứng yêu cầu là người tiêu dùng nhận biết nhanh chóng, dễ hiểu và chính xác gây khó cho DN sản xuất thực phẩm không chỉ từ các nước mà ngay cả Mỹ khi thực hiện. Nhiều khi DN có ghi nhãn cảnh báo nhưng người tiêu dùng thông thường không hiểu là vi phạm. Ví dụ, DN không được ghi thuật ngữ khoa học mà phải ghi tên thông thường nhận biết chất gây dị ứng ngay", ông Thành lưu ý.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết các DN xuất khẩu lâu nay rất vất vả với các tiêu chuẩn do nước nhập khẩu đưa ra. Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa làm hết trách nhiệm trong việc hỗ trợ DN thì vai trò của các hiệp hội là rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin thị trường, giúp DN đáp ứng quy định mới của các nước nhập khẩu. Với các DN, không chỉ nâng chất lượng sản phẩm mà còn phải nắm thông tin về trình bày, ghi nhãn theo quy định của nước nhập khẩu để tránh mắc lỗi vi phạm về hình thức.
"Rõ ràng, sản phẩm chất lượng là chưa đủ, DN có thể "chết oan" vì ghi nhãn không đúng khi xuất khẩu. Vì thế, vai trò của các hiệp hội ngành nghề là rất quan trọng trong việc kết nối và cung cấp thông tin thị trường", bà Lan nhấn mạnh.
Ông Herb Cochran, chuyên gia về tiêu chuẩn của Mỹ, thông tin tại Mỹ có 15% thực phẩm là hàng nhập khẩu. Một số mặt hàng có tỉ lệ nhập khẩu cao như hải sản (75%), trái cây (50%), rau củ (20%), nhiều sản phẩm nhập khẩu từ các nước có hệ thống quản lý đơn giản hơn, nhiều cơ hội gian lận kinh tế. Do đó, chính phủ Mỹ mới đưa ra luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA), thay đổi mô hình quản lý từ quản lý tại biên giới Mỹ chuyển sang các nước sản xuất. FSMA tạo ra hệ thống quy định nhiều lớp từ vai trò của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, tổ chức thứ 3 (các tổ chức chứng nhận độc lập), của các cơ quan quản lý nước ngoài và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ.
"Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam tăng cường chủ động kiểm soát để bảo đảm an toàn thực phẩm khi xuất khẩu", ông Herb Cochran đề nghị.