Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng thủ tục hành chính còn “bó tay, bó chân” các địa phương và doanh nghiệp.
Cải cách còn “bó tay, bó chân” doanh nghiệp
Phát biểu tại phiên thảo luận buổi sáng về công cuộc cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, ĐBQH Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Thủ tướng và Chính phủ đã rất nỗ lực trong thúc đẩy cải cách và mở mang thị trường, nhưng tình trạng "trên nóng dưới lạnh" vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Theo Chủ tịch Vũ Tiến Lộc, lạnh ở đây không chỉ ở một số địa phương mà còn ngay ở cấp bộ, ngành chưa dành đủ thời gian và tâm lực cho cải cách thể chế do còn đa mang quá nhiều dịch vụ công và thủ tục hành chính, ít chịu chuyển giao cho thị trường và phân cấp cho các địa phương.
Có thể bạn quan tâm
07:35, 15/05/2019
13:49, 06/05/2019
21:57, 26/04/2019
18:11, 02/04/2019
“Cơ chế xin cho vẫn tồn tại, luật pháp vẫn còn chồng chéo, không nhất quán, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bó tay, bó chân các địa phương và doanh nghiệp. Tình trạng tranh chấp quyền anh, quyền tôi trong các cơ quan quản lý vẫn nặng nề. Cách làm thể chế hiện nay vẫn là Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tự rà soát, tự đề xuất các biện pháp cắt giảm thủ tục nhưng không dễ gì để mọi người có thể tự lấy đá ghè chân mình. Cách làm đó ít mang lại hiệu quả và khó tạo ra đột phá. Tôi đề nghị nên có cách tiếp cận khác” – Chủ tịch nói.
Tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp
Theo đó, ĐBQH Vũ Tiến Lộc đề nghị, trong từng bộ, ngành giao rà soát cắt giảm thủ tục hành chính cho các bộ phận độc lập, thay vì để các cơ quan trực tiếp cấp giấy phép tiến hành rà soát và đề xuất cắt giảm giấy phép theo kiểu vừa đá bóng, vừa thổi còi như hiện nay.
Đồng quan điểm, đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cũng đề xuất, cần áp dụng mạnh công nghệ, cắt giảm thủ tục, công khai mức phí, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tăng nguồn vốn cho cơ cấu lại nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần rà lại các quy định về ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài trước cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn hiện nay để thu hút đầu tư có chọn lọc, không phải bằng mọi giá. Tạo kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Không để sự thua thiệt của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Theo ông Thực, cần phải thể chế kịp thời và tháo gỡ những vướng mắc, rào cản hiện nay để phát huy các hình thức đầu tư, để người dân, doanh nghiệp yên tâm, tự tin bỏ vốn vào đầu tư, kinh doanh, phát triển sản xuất, dịch vụ.
Trước đó, trong phiên thảo luận chiều ngày 30/5, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng cho rằng, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, vẫn còn những rào cản khó khăn về thủ tục hành chính, bất bình đẳng đối với kinh tế tư nhân, những điểm nghẽn, những nút thắt không chỉ phát sinh từ quá trình ban hành mà còn từ việc hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách.
“Những tồn tại đó cần được nhận diện một cách đầy đủ, đánh giá đúng tính chất, mức độ, phải được "bắt mạch và kê đơn thuốc đặc trị mới có thể chữa được", trong đó có những vấn đề thành "bệnh nan y" kéo dài trong nhiều năm” - đại biểu Tạo nói.