Bị điều tra 200 vụ kiện phòng vệ thương mại, Việt Nam bốc hơi” 12 tỉ USD: Cách nào hạn chế thiệt hại?

ĐỖ HUYỀN 16/10/2020 04:30

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do phòng vệ thương mại gây ra các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt cần chủ động tự bảo vệ mình.

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9/2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ kiện phòng vệ thương mại, với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỉ USD.

Việt Nam đang ngày càng phải đối diện nhiều hơn với các vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặt ra nhiều mối lo cho xuất khẩu hàng hóa. 

biện pháp PVTM gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đang được nhiều nước trên thế giới lựa chọn nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Biện pháp phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đang được nhiều nước trên thế giới lựa chọn nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Nhiều mặt hàng rơi vào tầm ngắm kiện tụng

Đáng lưu ý, theo Bộ Công Thương, số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng nhanh trong thời gian qua. Nếu cả năm 2019 mới ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới nhưng chỉ 9 tháng của 2020 đã ghi nhận đến 32 vụ kiện.

Đa số hàng hóa bị điều tra  phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất..., trong đó các thị trường thường xuyên điều tra kiện tụng là Mỹ, Ấn Độ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Úc.

Tổng số vụ việc các nước này điều tra đã chiếm tới 62% các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam, dù gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra phòng vệ thương mại với 38 vụ việc, tương ứng tỉ lệ 20% trong tổng các vụ việc.

Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương cũng cho biết Việt Nam đã kháng kiện thành công (không áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp) đối với 65/151 vụ, chiếm tỉ lệ khoảng 43%. Nhiều mặt hàng như thủy sản, sắt thép, gỗ, mặc dù bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada...

Do đó, để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, bộ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá.

Cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Hạn chế phòng vệ như thế nào?

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng như hiện nay, các nước có xu hướng ngày càng gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hạn chế tác động của hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài và bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

“Dù Việt Nam đã có các quy định pháp luật khá hoàn chỉnh và đầy đủ về việc thực thi 03 Pháp lệnh Chống bán phá giá, Chống trợ cấp và Tự vệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết các quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân doanh nghiệp”, ông Hà nhấn mạnh.

Gỗ là một trong những mặt hàng chịu nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại nhất.

Gỗ là một trong những mặt hàng chịu nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại nhất.

Từ kinh nghiệm tiếp xúc và tư vấn cho doanh nghiệp trong các vụ kiện phòng vệ, luật sư Hà cho biết đối với các doanh nghiệp thì việc gia tăng các vụ kiện có ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng tài chính của họ. Thậm chí, trong một số trường hợp thì khối lượng xuất khẩu hàng hóa có thể sụt giảm là điều không tránh khỏi.

Thêm vào đó, để theo kiện doanh nghiệp buộc phải bỏ ra các chi phí vật chất và nhân lực rất lớn phục vụ các yêu cầu tố tụng liên quan (ví dụ thuê luật sư tư vấn, trả lời Bảng câu hỏi điều tra, tham gia các phiên điều trần, …). Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể kham nổi các chi phí này”, ông Hà nói.

Để có thể hạn chế và khắc phục được tình trạng này, luật sư Hà cho rằng trong quá trình kinh doanh tại bất kỳ thị trường nào, doanh nghiệp cần coi trọng công tác tự cảnh báo, xem xét kỹ các nguy cơ để đưa ra phương án kinh doanh thích hợp như điều chỉnh tần suất bán, giá cả, thay đổi phương thức thanh toán ...

Điều mấu chốt là các doanh nghiệp cần phải tự mình nâng cao khả năng cạnh tranh, chủ động áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu,… để kịp thời ứng phó với những tranh chấp có thể phát sinh trong thương mại quốc tế”, ông Hà cho biết.

Bên cạnh đó, ông Hà nhấn mạnh việc sử dụng chứng từ sổ sách và quy trình hạch toán kế toán của các doanh nghiệp Việt còn nhiều điều chưa hợp lý, chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiêm túc đầu tư hệ thống thông tin của mình. Hệ thống này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc theo đuổi các vụ kiện, cũng như nâng cao tính hiệu quả trong quản lý kinh doanh. Một hệ thống thông tin minh bạch được kiểm định độc lập theo đúng chuẩn quốc tế chính là các bằng chứng mạnh mẽ nhất để tự bảo vệ.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam bị điều tra gần 200 vụ phòng vệ thương mại

    15:50, 05/10/2020

  • Gỗ Việt né phòng vệ thương mại như thế nào?

    04:50, 28/09/2020

  • Vận hành hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại: “Lá chắn” cho hàng hóa Việt

    05:10, 14/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bị điều tra 200 vụ kiện phòng vệ thương mại, Việt Nam bốc hơi” 12 tỉ USD: Cách nào hạn chế thiệt hại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO