"Lý do gì khiến bạn thức dậy vào buổi sáng?". Chỉ riêng việc cố gắng trả lời một câu hỏi lớn như vậy cũng đủ khiến bạn muốn quay trở lại giường? Nếu vậy, khái niệm “ikigai” của người Nhật có thể giúp bạn.
Bắt nguồn từ một trong những đất nước có dân số già nhất thế giới, ý tưởng này đang trở nên ngày càng phổ biến đến mức vượt ra ngoài biên giới của đất nước mặt trời mọc, đặc biệt thu hút những người mong muốn sống thọ hơn và sống tốt hơn.
Chưa được chuyển ngữ trực tiếp sang tiếng Anh, "ikigai" là một từ tiếng Nhật được kết hợp từ 2 từ: ikiru, nghĩa là "sống", và kai, nghĩa là "thực hiện những điều mình kỳ vọng". Từ đó tạo ra khái niệm "lý do để sống", hoặc "mục tiêu cuộc đời".
Để tìm ra được lý do, hoặc mục đích cuộc đời, các chuyên gia gợi ý chúng ta bắt đầu với 4 câu hỏi:
- Bạn yêu thích điều gì?
- Bạn giỏi điều gì?
- Thế giới cần gì từ bạn?
- Bạn có thể được trả tiền để làm gì?
Theo đó, việc tìm ra được câu trả lời cho 4 câu hỏi trên và tìm thấy điểm cân bằng giữa 4 điều này có thể giúp một người nhanh chóng định hình được ikigai của mình.
Chúng ta có thể tìm thấy lý do để sống, hay còn gọi là mục tiêu cuộc đời, trong sự giao nhau giữa những thứ mình giỏi, những thứ mình yêu thích, nhu cầu của thế giới và những thứ mình sẽ được trả tiền để làm. Nguồn: Toronto Star |
Tuy nhiên trong thực tế thì ở Nhật Bản, ikigai là một quá trình được thực hiện chậm hơn như vậy nhiều và thường là không liên quan gì đến công việc hoặc thu nhập của một người.
Trong một nghiên cứu vào năm 2010, được thực hiện trên 2.000 đàn ông và phụ nữ Nhật Bản, chỉ 31% người tham gia đưa yếu tố công việc vào ikigai của họ.
Gordon Matthews – Giáo sư Nhân học của trường Đại học Trung văn Hương Cảng (Chinese University of Hong Kong), tác giả cuốn sách What Makes Life Worth Living?: How Japanese and Americans Make Sense of Their Worlds (tạm dịch: Điều gì làm cho cuộc sống đáng sống?: Cách người Nhật và người Mỹ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống) nói, ikigai có thể đem đến một cuộc sống tốt hơn vì "bạn sẽ có một mục đích để sống", nhưng ông cũng lưu ý "ikigai không phải là một cái gì đó to lớn, vĩ đại. Nó là một điều gì đó gắn liền với thực tế cuộc sống".
Okinawa – một quần đảo ở phía tây nam Nhật Bản – là nơi có một số lượng lớn những người sống lâu trăm tuổi. Đây là nơi thường được đề cập đến trong các cuộc khảo sát về ikigai. Theo chuyên gia về tuổi thọ Dan Buettner – tác giả cuốn sách The Blue Zones: Lessons for Living Longer from the People Who’ve Lived the Longest (tạm dịch: Những bài học để sống thọ từ những người sống thọ nhất), khái niệm ikigai lan tỏa khắp cuộc sống của những người dân ở Okinawa.
Kết hợp với chế độ ăn uống đặc thù và một mạng lưới các mối quan hệ bạn bè tương hỗ (được gọi là "moai": một nhóm khoảng 6 người bạn sẵn sàng giúp đỡ nhau như những người thân trong gia đình), ikigai giúp mọi người ở Okinawa sống thọ hơn vì trao cho họ mục đích sống. Ông trích dẫn trường hợp những người sống thọ hơn 100 tuổi tại đây: đó có thể là một người thầy dạy võ karate, một ngư dân hoặc chỉ đơn giản là một bà cụ kị trong một gia đình nào đó. Chỉ biết về ikigai thôi là chưa đủ, tất cả những người này đều biến mục đích của họ thành hành động, Buettner từng giải thích trong một bài phỏng vấn trên BBC.
Những nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, ikigai hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn, đối với những người xem công việc là mục đích sống, họ sẽ tìm kiếm một ikigai mới khi bắt đầu đến tuổi nghỉ hưu.