Biển Đông không là “ao nhà” của Trung Quốc

Diendandoanhnghiep.vn Quốc hội cần có một Nghị quyết riêng về mối quan hệ đối với Trung Quốc và biển Đông.

Đây là chia sẻ của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội bên hành lang Quốc hội, ngày 17/6.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Việt

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Việt

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú từng phát biểu, sau Covid-19, chúng ta đã thấy thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này khẳng định chắc chắn Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ thao túng Biển Đông. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Tôi cũng có nhận định như nhiều ý kiến các chuyên gia đã đưa ra. Nhìn chung, các cử tri rất bức xúc về vấn đề biển Đông. 

Thời gian gần đây tàu Hải Dương của Trung Quốc tiếp tục đi vào vùng đặc quyền kinh tế và rất gần với đảo Phú Qúy của Việt Nam.

Theo nhận định của cá nhân tôi, thứ nhất họ đang muốn thăm dò thái độ của chúng ta. Thứ hai, họ đang đo đạc đáy biển Đông cho một kế hoạch mới. Nhiều nhà khoa học cho rằng, mục tiêu thăm dò khai tài nguyên không có nhiều, lý do chính là muốn thăm dò phản ứng và thái độ của Việt Nam.

Thời gian qua, cử tri rất hoan nghênh việc nhà nước ta đã có một thái độ rất rõ ràng đối với vấn đề Trung Quốc. Điều này đã khích lệ tinh thần tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cân nhắc nhiều vấn đề như tinh thần, đối sách, chính sách và lực lượng. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần và tư tưởng để đối phó với các vấn đề ngoài biển Đông, đây là vấn đề mang tính tổng thể, không thể tách rời khỏi các hoạt động ngoại giao, kinh tế, xã hội hay giao thương.

Đơn cử, người Trung Quốc mua nhà, mua đất ở Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam… Việc này cần được xem xét một cách thận trọng.

Bởi như ý kiến của ĐBQH Lê Thanh Vân đã từng nêu ra gần đây, theo tôi là rất táo bạo nhưng cũng rất đáng phải suy nghĩ. Đó là chúng ta cần nghiên cứu và xây dựng Luật an ninh kinh tế.

Xây dựng được luật này thì mới có điều kiện xem xét tổng thể các vấn đề. An ninh kinh tế không chỉ là làm ra tiền, quan hệ ngoại thương hay sản xuất, mà an ninh kinh tế mang tính nền tảng. Từ an ninh kinh tế mới có cơ hội xem xét các vấn đề về khai thác khoáng sản, sản xuất, thương mại, mậu dịch…

Lúc này mới hoạch định ra đường lối tổng thể, sách lược tổng thể và đối sách cụ thể để thực hiện chiến lược bảo vệ tổ quốc theo đường lối đã được ghi nhận trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”.

Vẫn theo phát biểu của ông Phùng Hữu Phú, bảo vệ cho được độc lập chủ quyền nhưng không để xảy ra chiến tranh là bài toán hóc búa, thử thách nghiêm trọng của thế hệ chúng ta và cả con em chúng ta. Ông có nhận xét gì về phát biểu này?

Theo tôi đây là vấn đề rất khó, vì chúng tôi không có đầy đủ các thông tin, Quốc hội cũng chưa bàn về những vấn đề cụ thể như thế này. Tôi cho rằng, những vấn đề như thế này cũng nên đưa ra Quốc hội bàn luận vì đây là việc của quốc dân đồng bào.

Nếu vấn đề này được đưa ra bàn bạc, tôi tin rằng người dân sẽ nắm bắt được thông tin và đưa ra những hiến kế tốt cho chính sách đối ngoại của Việt Nam nói chung, chính sách quan hệ ngoại giao đối với Trung Quốc và ứng phó trên biển Đông nói riêng.

- Vậy theo quan điểm của ông, chúng ta cần ứng phó vấn đề này như thế nào?

Trước hết phải nhìn nhận, Trung Quốc là nước láng giềng và có mối quan hệ lâu đời với Việt Nam. Cho dù có những lúc thăng trầm, hợp tác và đấu tranh, hòa bình và chiến tranh, kinh tế và chính trị, quân sự và ngoại giao…

Lịch sử từ hàng nghìn năm nay đã cho thấy, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xảy ra những cuộc chiến tranh rất đáng tiếc, thậm chí có cuộc chiến phi nghĩa. Qua các cuộc chiến tranh đó, dân tộc Việt Nam đã bị mất mát, đau thương nhưng cũng dành được rất nhiều thắng lợi lẫy lừng, đóng góp cho lịch sử không chỉ của Việt Nam mà còn của nhân loại.

Trong thời đại mới, Việt Nam mong muốn và cũng là đường lối đối ngoại của Đảng ta là hợp tác, đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới. Việt Nam mong muốn được chung sống hòa bình với tất cả các quốc gia để lấy đó làm điều kiện phát triển, mang lại hòa bình, ổn định cho đất nước, phồn vinh cho dân tộc, hưng thịnh và hạnh phúc của người dân.

Tuy nhiên, trong một số vấn đề cụ thể chúng ta cũng cần có thái độ rõ ràng. Chính phủ cần thay mặt Đảng, Nhà nước thể hiện rõ thái độ của mình đối với vấn đề xâm phạm chủ quyền, tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam. Đặc biệt, yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ các các quy định luật pháp quốc tế, trong đó có luật biển và các quy tắc ứng xử trên biển Đông.

Biển Đông phải là một vùng biển phồn thịnh.

Biển Đông phải là một vùng biển phồn thịnh.

Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thành thỏa thuận mốc giới trên bộ, bây giờ chỉ còn mốc giới trên biển là chưa rõ ràng, như các quần đảo của Việt Nam vẫn đang bị Trung Quốc xâm lấn.

Tại kỳ họp thứ VIII khóa XIV, ĐBQH Lê Thanh Vân có nêu lên vấn đề, Trung Quốc có “tam chủng chiến pháp”, thì Việt Nam cũng cần phải có “tam công chiến pháp”. Theo tôi, đây là ý tưởng rất hay, vấn đề này được nêu ra đúng vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” tại kỳ họp thứ VIII.

Tôi cho rằng, Việt Nam vẫn cần giữ mối quan hệ bang giao về kinh tế với Trung Quốc, vì xét cho cùng Việt Nam và Trung Quốc là thị trường của nhau. Việt Nam là điểm đến của các nước trên thế giới, trung tâm của ASEAN, thậm chí giữ vị trí rất quan trọng trong đối ngoại quốc tế và đối ngoại khu vực.

Việt Nam cũng có mối quan hệ lâu đời với Trung Quốc, vậy làm thế nào để một mặt Trung Quốc phải từ bỏ tư tưởng xâm lấn biển đảo của Việt Nam, mặt khác vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế?

Như chúng ta đã biết, nếu Trung Quốc chỉ cần thực hiện “thủ pháp”, lập tức hàng hóa nông sản của Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Cá nhân tôi mong muốn Quốc hội cần có một Nghị quyết riêng về mối quan hệ đối với Trung Quốc và biển Đông.

Đây có thể được ví như một “hội nghị Diên Hồng” để cho những người lãnh đạo Trung Quốc biết rằng, Việt Nam luôn sẵn sàng kết bạn với những người bạn tốt, nhưng cũng không chấp nhận và dám đương đầu với thử thách để bảo toàn chủ quyền quốc gia, tính mạng và tài sản của người dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có một chính sách ngoại giao rộng mở với tất cả các nước, để khẳng định biển Đông không phải là “ao nhà” của Trung Quốc. Biển Đông phải là một vùng biển phồn thịnh, phát triển không chỉ riêng của Việt Nam, mà còn cho tất cả các nước cùng có mối quan tâm.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Biển Đông không là “ao nhà” của Trung Quốc tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714056828 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714056828 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10