Chúng ta cần tận dụng linh hoạt phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trên trang Fanpage chính thức của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội hôm 9/9 nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác giữa hai nước, một tấm bản đồ Việt Nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được đăng kèm cùng các thông tin về sự hợp tác Việt – Mỹ trong 1/4 thế kỷ qua khiến cộng đồng người Việt như mở cờ trong lòng.
Sau đó, Đại sứ quán Mỹ đã gỡ bản đồ này và thay thế bản đồ mới, với các chấm biểu thị hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã bị xóa sạch khiến bao người chưng hửng thậm chí phẫn nộ đặt câu hỏi: “Where is our Paracel Islands – Spratly Islands? (Hoàng Sa, Trường Sa của chúng tôi đâu rồi?”
Việc này cho thấy, Mỹ phản đối Trung Quốc ở Biển Đông là phản đối trò bắt nạt, phản đối các yêu sách của Trung Quốc vốn đã bị Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ hồi năm 2016. Lập trường của Mỹ về các tranh chấp cụ thể đối với các thực thể tại Biển Đông, trong trường hợp này là Hoàng Sa và Trường Sa, vẫn là không công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với tuyên bố chủ quyền của bất cứ bên nào.
Thời gian gần đây, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, song Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế.
Cách đây gần 500 năm, với nhãn quan sáng suốt và tài năng, trí tuệ uyên bác của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), hiệu là Bạch Vân cư sĩ, một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất lịch sử và văn hóa Việt Nam thế kỷ XVI đưa ra dự báo chiến lược về Biển Đông thông qua hai câu thơ: Biển Đông vạn dặm dang tay giữ,/Đất Việt muôn năm vững trị bình. Với hai câu thơ này, ông muốn nhắn nhủ các thế hệ người Việt rằng: đời đời con cháu Việt Nam phải biết bảo vệ, giữ gìn Biển Đông để muôn đời cõi trời, cõi đất nước Nam sẽ vững vàng trong cảnh thanh bình, thịnh trị.
Thời Nhà Nguyễn (khởi đầu từ chúa Nguyễn Hoàng năm 1558) đã để lại nhiều di tích, văn bản, châu bản và nhiều bộ sử ghi chép rõ chủ quyền biển, đảo nước ta bao gồm hai quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa. Từ thế kỷ XVI - XVII, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã cử những đoàn thuyền vượt biển đi giao lưu, buôn bán với các lân bang, như: Trung Hoa, Nhật Bản, Lưu Cầu, Nam Dương, Xiêm La, v.v. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) đã thành lập đội Hoàng Sa dong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa, Bắc Hải (Trường Sa) để khai thác nguồn lợi hải sản, đo đạc hải trình, xác lập chủ quyền của Tổ quốc.
Năm 1984, trước diễn biến phức tạp ở Biển Đông, Đô đốc Giáp Văn Cương (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đô đốc đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam), Tư lệnh Hải quân với tầm nhìn chiến lược đã đưa ra dự báo: “Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của Hải quân Việt Nam”. Vì thế, ông đã yêu cầu bộ phận Tác chiến soạn thảo gấp kế hoạch, phương án phòng thủ Trường Sa; mặt khác, Ông chủ động, kiên trì đề xuất và được Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) chấp thuận Kế hoạch bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc…
Theo đó, từ muôn đời nay, cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở các vùng biển, ven biển luôn hòa quyện, gắn bó với biển, đảo, xác lập và thực thi chủ quyền bằng những chủ trương, chính sách phù hợp để quản lý, khai thác, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo
Giờ đây, chúng ta cần tận dụng linh hoạt phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc thời kỳ hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa ngày càng sâu, rộng hiện nay.
Cùng với giải quyết các mối quan hệ song phương, đa phương với các nước, khu vực, vùng lãnh thổ trên thế giới theo đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ” của Đảng, cần khôn khéo vận dụng linh hoạt “ứng vạn biến”, kết hợp các phương pháp đấu tranh: nhu – cương, mềm dẻo – kiên quyết,... để cái “bất biến” là chủ quyền biển, đảo Tổ quốc luôn được giữ vững trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây là nội dung vừa phát huy sự đồng tình, ủng hộ của các nước, các tổ chức, lực lượng và tầng lớp nhân dân tiến bộ trên thế giới, khu vực, vừa phát huy sức mạnh nội lực của đất nước trong giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Trong đó, sức mạnh nội lực giữ vai trò quyết định, sự ủng hộ của các nước và cộng đồng tiến bộ trên thế giới, khu vực cùng với sức mạnh nội lực hợp thành sức mạnh tổng hợp giữ vững chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.
Tận dụng và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, nước ta đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế, được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần hai (nhiệm kỳ 2020 - 2021) với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng các nước ASEAN (giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020),... để gia tăng sự ảnh hưởng và lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế, khu vực.
Quan trọng nhất, chúng ta phải củng cố, giữ vững “thế trận lòng dân”, tạo sự đồng thuận cao nhằm phát huy tối đa sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh, bảo vệ, giữ vững chủ quyền các vùng biển, đảo Tổ quốc.
Hãy nhớ, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc vừa là trách nhiệm chính trị lớn lao, vừa là sự báo đáp tình cảm thiêng liêng đến với các thế hệ ông cha ta đã để lại cho chúng ta một “cơ thể đất nước” hoàn chỉnh hôm nay.
Có thể bạn quan tâm
18:48, 17/09/2020
05:00, 17/09/2020
05:30, 16/09/2020
05:00, 11/09/2020
14:10, 09/09/2020