Biến rác thải thành điện (Kỳ 1): 25 triệu tấn "nguyên liệu" phải bỏ phí mỗi năm

Diendandoanhnghiep.vn Mỗi năm, cả nước thải ra khoảng 25 triệu tấn rác thải, trong đó 70% phải đốt hoặc chôn lấp. Các chuyên gia cho rằng, nguồn "nguyên liệu" lớn để phát điện đang bị lãng phí.

LTS: Hiện mỗi ngày có khoảng 50.000 tấn rác thải “đổ” ra môi trường, trong đó tại các đô thị chiếm khoảng 35.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện các địa phương vẫn đang loay hoay lựa chọn cách xử lý rác thải mà chưa mặn mà với công nghệ điện rác, khiến nguồn nguyên liệu này đang bị lãng phí, còn người dân đối mặt với nguy cơ ô nhiễm. 

Dân chặn bãi rác, Hà Nội ngập trong rác thải

Mới đây, hàng trăm người dân xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã lập hàng rào, căng lều bạt để chặn xe chở rác từ nội đô nhằm yêu cầu TP. Hà Nội thực hiện việc di dời. Sự việc trên đã khiến hàng triệu người dân nội đô phải sống chung với rác thải. Chỉ sau khi Thành phố tổ chức đối thoại thì người dân mới dỡ bỏ lều bạt, rác trong nội đô mới được giải quyết.

Được biết, khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn được xây dựng từ năm 1999, với quy mô hơn 157 ha. Theo quy hoạch, hơn 2.000 hộ dân quanh bán kính 500m bị ảnh hưởng từ bãi rác Nam Sơn sẽ được di dời đến các khu tái định cư, cách bãi rác từ 1km đến 7 km. Tuy vậy, người dân cho rằng Thành phố và huyện Sóc Sơn chậm thực hiện các chính sách nên nhiều lần chặn xe vào khu xử lý rác.

Ông Nguyễn Đức H. (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: “Sống bên bãi rác khổng lồ người dân rất khốn khổ, bởi mùi hôi thối, ô nhiễm không khí, đặc biệt là ruồi muỗi hàng ngày. Vì thế, người dân sống gần bãi rác mong muốn được di dời khỏi càng sớm và Thành phố cũng đã nhiều lần hứa hẹn. Tuy nhiên, đã nhiều năm qua, người dân sống vùng ven bãi rác chưa được di dời khiến cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cực chẳng đã, người dân mới phải chặn xe chở rác để yêu cầu TP. sớm có biện pháp di dời người dân vùng ven”.

Rác thải đang là vấn đề nóng tại nhiều đô thị 

Đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, có 3 nguyên nhân khiến người dân chặn xe chở rác, nhưng Thành phố đã giải quyết xong 2 vấn đề. Thứ nhất là liên quan đến giá đất, nhà tái định cư và hiện đã giải quyết xong. Thứ hai là kinh phí đền bù cũng đã được bố trí đủ ngân sách. Thứ ba, là xác định nguồn gốc đất để đền bù, đây là vướng mắc lớn nhất. Ngoài ra, khu chôn lấp theo công nghệ cũ hàng ngày phát sinh nước rỉ rác (1m3 rác sinh ra 1,2 m3 nước rỉ rác).

Từ năm 2019 trở về trước, Thành phố đặt hàng Công ty Phú Điền và một đơn vị khác xử lý nước rỉ rác. Nhưng theo quy định mới, việc xử lý trên phải qua đấu thầu, dẫn đến tồn khoảng 150.000 m3 nước rỉ rác.

Báo động đỏ

Ngoài Nam Sơn, ở Hà Nội còn có bãi rác Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) với tổng diện tích khoảng 12 hecta đã đi vào vận hành từ năm 1999. Theo thống kê, mỗi ngày bãi rác Xuân Sơn tiếp nhận khoảng 1.200 tấn rác từ Hà Nội. Cuối năm 2019, TP. Hà Nội đã quyết định hợp nhất các ô chôn lấp để nâng code từ 44 đến 54. Do không thể mở rộng được về quy mô nên Hà Nội đã phải nâng chiều cao của bãi rác này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc nâng cấp này cũng chỉ là giải pháp tạm thời, bởi toàn bộ khu vực thì cũng chỉ có thể tiếp nhận rác đến tháng 5/2021 là quá tải.

Việc mở rộng diện tích hay nâng chiều cao tại các khu xử lý rác theo hình thức chôn lấp đã gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường. Nhìn thấy tác hại ngay trước mắt cũng như lâu dài, nhưng đây là phương pháp duy nhất mà Hà Nội buộc phải lựa chọn khi chưa có một dự án xử lý rác theo công nghệ hiện đại nào được hiện thực vào lúc này.

Còn theo thống kê của Sở TN&MT TP.HCM, chỉ tính từ năm 2017 đến nay lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. đã tăng từ 7.000 tấn/ngày lên gần 10.000 tấn/ngày. Dự báo, đến năm 2025, số rác thải mỗi ngày sẽ tăng lên gần 13.000 tấn/ngày.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh đã chỉ ra, hiện tồn tại một số bất cập trong thu gom và xử lý chất thải, như: thiết bị thu gom rác thải dân lập quá thô sơ và xuống cấp; một số phương tiện vận chuyển rác đã cũ; tính kết nối giữa công tác thu gom tại nguồn và vận chuyển không đồng bộ.

Hơn nữa, công nghệ xử lý rác tại Thành phố hiện nay chủ yếu là chôn lấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh ô nhiễm về mùi, nước rỉ rác. Đó là chưa kể lượng rác thải bị đổ bỏ lén lút ra môi trường chưa kiểm soát được. Điều này sẽ là áp lực rất lớn đến hoạt động thu gom, xử lý chất thải. Thực tế này đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức cho công tác xử lý và đảm bảo an toàn chất lượng môi trường sống cho người dân.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, TP. Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.500 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90%; TP.HCM mỗi ngày có gần 10.000 tấn rác thải, tỷ lệ chôn lấp là khoảng 70%; TP Đà Nẵng bình quân một ngày 1.100 tấn rác, chưa kể rác thải y tế, công nghiệp.

Theo số liệu 2018 của Ngân hàng Thế giới, trong số 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa được thải ra trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 9% được tái chế, 12% được xử lý bằng phương pháp thiêu đốt và có tới 79% nằm lại tại các bãi rác hoặc thải trực tiếp ra môi trường.

Còn tại Việt Nam, có đến 60-70% lượng rác thải sau khi thu gom sẽ được xử lý bằng cách chôn lấp ở những bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Dự kiến Việt Nam sẽ thải ra 54 triệu tấn rác thải sinh hoạt vào năm 2030.

Kỳ 2: Nhà đầu tư "ngại" địa phương?

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Biến rác thải thành điện (Kỳ 1): 25 triệu tấn "nguyên liệu" phải bỏ phí mỗi năm tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714023461 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714023461 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10