Năm 2019, Bình Thuận đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nhiều công trình trọng điểm của tỉnh đang được đôn đốc triển khai.
Tại Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 khóa 13, tỉnh Bình Thuận có đặt ra kế hoạch tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng từ 7 - 7,5%. Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân là 7,47%, riêng đối với năm 2018 tốc độ tăng trưởng là 8,08%, cao nhất trong 3 năm qua và 15 trên 15 chỉ tiêu, chủ yếu về kinh tế xã hội của tỉnh đạt tiêu chuẩn cho thấy các năm qua, đặc biệt năm 2018 tình hình chuyển biến tích cực toàn diện trên các mặt.
Tích cực tháo gỡ khó khăn
Tuy nhiên kinh tế xã hội của tỉnh có một số mặt hạn chế, cụ thể: chất lượng tăng trưởng không cao, số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhiều, ít có doanh nghiệp vừa và lớn; sản phẩm của doanh nghiệp có sức cạnh tranh hạn chế, không ổn định; trình độ quản lý doanh nghiệp còn thấp và đặc biệt công nghệ còn lạc hậu, ít doanh nghiệp có đầu tư công nghệ tiên tiến. Thứ hai là hệ thống hạ tầng giao thông nhất là giao thông đối ngoại của tỉnh Bình Thuận, đến nay chưa có đường cao tốc, chưa có sân bay. Đi đến Bình Thuận bằng đường bộ thì phải mất 3 -4 tiếng đồng hồ, như vậy thời gian và chi phí lưu thông hàng hóa tăng, hạn chế cho doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh. Thứ ba là tháo gỡ vướng mắc về đầu tư phát triển phát triển kinh tế của doanh nghiệp còn chậm, nhất là liên quan đến quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Và cuối cùng là tình hình thiên tai dịch bệnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường tác động đến kinh tế xã hội và toàn bộ đời sống sinh hoạt của người dân.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Chính quyền tỉnh cũng đặt ra một số giải pháp chủ yếu như tiếp tục thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó kết hợp với mô hình tăng trưởng chiều rộng và chiều sâu. Chủ đạo là tăng trưởng theo chiều sâu kết hợp với khoa học công nghệ và các yếu tố năng suất tổng hợp.
Tỉnh quyết tâm phối hợp tốt với các bộ ngành Trung ương thực hiện các thủ tục đầu tư và thực hiện giải phóng mặt bằng các công trình giao thông trọng điểm đối ngoại. Trong đó có 2 công trình là cảng hàng không Phan Thiết và đường bộ cao tốc Bắc Nam qua tỉnh Bình thuận. Theo kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải, năm 2019, tỉnh Bình Thuận phải có trách nhiệm giải phóng mặt bằng tất cả các dự án thuộc dự án cao tốc Bắc Nam để bàn giao mặt bằng trong năm 2019 và năm 2020 sẽ thi công.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, địa phương có dự án đi qua chủ động rà soát hồ sơ, hiện trạng đất đai có liên quan đến dự án để kiến nghị UBND tỉnh xem xét. Chủ động phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất theo đúng quy định. Tổ chức tuyên truyền để người dân trong khu vực có dự án đi qua hiểu về tầm quan trọng của dự án này, từ đó cùng đồng thuận, tạo điều kiện trong công tác bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án theo kế hoạch. Đây là một dự án trọng điểm, nhằm góp phần xây dựng đô thị phát triển, đưa Phan Thiết – Bình Thuận trong tương lai trở thành đô thị loại I cùng với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Dự kiến, đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ giải phóng mặt bằng gồm 42.200 m2 đất ở và hơn 6,6 triệu m2 đất vườn, đất ruộng… Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc này sẽ kết nối với cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tiếp đến, Bình Thuận tiếp tục mở rộng hợp tác đối ngoại cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thu hút các doanh nghiệp các nhà đầu tư có năng lực mạnh để khắc phục việc các doanh nghiệp trong tỉnh quy mô nhỏ, siêu nhỏ, tạo động lực mới phát triển. Và cuối cùng, phải làm tốt công tác ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội tạo môi trường tốt cho các doanh nghiệp tổ chức cá nhân đầu tư tại tỉnh Bình Thuận.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Đánh giá về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Thuận trong năm qua có 3 tiêu chí giảm điểm, đó là tiêu chí gia nhập thị trường, tiêu chí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và tiêu chí thiết chế pháp lý, an ninh trật tự. Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã tích cực thực hiện các giải pháp để triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, Nghị quyết 19 và mới đây là Nghị quyết 02.
Một số nhóm giải pháp chủ yếu như sau: tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính và trọng tâm là rút ngắn thời gian, giúp giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, cá nhân. Rà soát các thủ tục hành chính thuộc đối tượng mà thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thì phải thông qua Trung tâm hành chính công tiếp nhận và trả kết quả. Năm 2018, Trung tâm hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động và hiệu quả khá cao.
Giải pháp thứ hai là tiếp tục thông tin kịp thời đầy đủ về thông tin kinh tế xã hội của tỉnh, nhất là các thông tin về quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị để doanh nghiệp có đầy đủ thông tin cũng như chủ động phương án kinh doanh của mình.
Thứ ba, tỉnh xác định việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, giải quyết thủ tục hành chính, làm việc có ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ không gây phiền hà nhũng nhiễu. Đồng thời công tác phối hợp giữa các sở ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phải tốt.
Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực nhất là các lĩnh vực doanh nghiệp cần, thực tế như lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, công nghiệp một số mặt như là may mặc giày da.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện việc đối thoại gặp gỡ doanh nghiệp. Hàng năm, tỉnh có hai cuộc đối thoại với doanh nghiệp lớn có quy mô cấp tỉnh, xuống cấp huyện cấp xã và trực tuyến. Đồng chí Chủ tịch tỉnh cũng có chỉ đạo là năm 2019 sẽ tiếp tục tăng cường số lần đối thoại hơn với quy mô nhỏ thiết thực hơn, chia theo lĩnh vực ngành.
Giải pháp cuối cùng là thực hiện đồng bộ mạnh mẽ các giải pháp về đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội để doanh nghiệp có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn yên tâm bỏ vốn đầu tư.