Fintech và ngân hàng thương mại là đối thủ của nhau, cả hai đều có những thế mạnh riêng. Tuy vậy, với blockchain, hai “đối thủ” này sẽ có nền tảng chung để... cộng sinh.
Mỗi khi thảo luận về Fintech, chúng ta cũng nhớ đến cụm từ “blockchain” đầu tiên. Tuy nhiên, blockchain không phải là tất cả của tương lai Fintech.
Blockchain đe dọa ngân hàng truyền thống?
Công nghệ Blockchain giúp giảm chi phí giao dịch và thay đổi hình thức thanh toán được cho sẽ đe dọa lớn đến ngành ngân hàng truyền thống.
Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị Blockchain 2018 do Vietstock và FundYourselfNow tổ chức. Theo ông Liu Yusho - Chủ tịch và nhà tư vấn của Vinaex.com, công nghệ Blockchain tạo ra giao dịch đáng tin cậy, hệ thống các bản ghi điện tử, nhận dạng chính xác hơn, tự động hóa sau đó sử dụng liên quan đến các hợp đồng thông minh, tạo ra nền tảng gọn nhẹ trong thanh toán bù trừ.
Theo ông Liu Yusho, công nghệ blockchain ghi lại mọi dấu vết của giao dịch và không thể đảo ngược được. Do đó, bất kỳ ai cũng không thể thay đổi một khi giao dịch đã diễn ra. Dữ liệu của công nghệ này lưu giữ đồng thời trên hàng chục nghìn máy tính của những người khai thác trên toàn cầu. Nên khả năng bị mất dữ liệu gần như không có.
Trong hệ thống thanh toán, blockchain giúp chuyển khoản nhanh chóng và tức thì mà không phải thông qua bất kỳ trung gian nào. Vì vậy, sẽ có nhiều người tìm đến công nghệ Blockchain để thanh toán.
Ông Liu Yusho nêu ra một số loại tiền ảo sử dụng phổ biến, dựa trên nền tảng blockchain. Điển hình như Ripple, sử dụng công nghệ thuật toán chuỗi khối blockchain, nhằm giải quyết nhanh chóng các giao dịch tài chính giữa 7 ngân hàng lớn nhất thế giới. Hay như Stellar, hiện các tổ chức ở những quốc gia đang phát triển sử dụng. Stellar là nền tảng được phát hành vào năm 2014, đươc định vị như “tương lai của ngành ngân hàng” với mục tiêu cung cấp dịch vụ ngân hàng tức thời, bảo mật với chi phí thấp nhất. Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc tư vấn Vietstock cho biết, công nghệ này được coi là nền tảng của làn sóng cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới và mở ra xu hướng phát triển mới cho nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất đến viễn thông…
Blockchain nâng tầm fintech
Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG), gần 53 tỷ USD đã được dành cho các công ty fintech và hiện có khoảng 3.500 công ty fintech trên thế giới. Những công ty này hỗ trợ rất nhiều ngành nghề, trong đó lĩnh vực tài chính - ngân hàng được hưởng lợi nhiều nhất.
Fintech trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng kết nối người cho vay với người đi vay, thanh toán hóa đơn bằng một ứng dụng trên smartphone, quản lý danh mục đầu tư bằng robot tự động... Rõ ràng, fintech đang thay đổi diện mạo ngành tài chính - ngân hàng. Theo khảo sát của PwC năm 2017, tỷ lệ khách hàng sẵn sàng hợp tác với các công ty fintech trong lĩnh vực thanh toán chiếm 84%, ngân hàng điện tử chiếm 68%, tài chính cá nhân là 60%, cho vay cá nhân chiếm 56%, tiếp theo đó là tiết kiệm, bảo hiểm và quản lý tài sản.
Tuy nhiên, blockchain chỉ là một phần của Fintech. Ứng dụng của blockchain là khá đa dạng, tác động đến hầu hết lĩnh vực hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng, như tiền gửi, thanh toán và chuyển tiền, bảo hiểm, tín dụng tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ, quản trị rủi ro, an toàn bảo mật, tài trợ thương mại, bao thanh toán, giao dịch ngoại hối, giao dịch chứng khoán; các dịch vụ hỗ trợ khác như nhận biết khách hàng, phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.
Xu hướng fintech đã đem đến rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, các công ty khởi nghiệp, các ngân hàng, tổ chức tài chính một mô thức mới trong kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều thách thức phía trước như hành lang pháp lý, sản phẩm, vốn đầu tư, thị trường, cách tiếp cận khách hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực Fintech cần vượt qua.
Cầu nối ngân hàng - Fintech
Việt Nam với hơn 90 triệu dân, phần lớn là người trẻ, 80 - 90% dân số sử dụng internet, smartphone và mạng xã hội nhưng chỉ có 30% dân số sử dụng thẻ ngân hàng và 3% sử dụng thẻ tín dụng. Đây chính là một thị trường vô cùng tiềm năng để các doanh nghiệp Fintech, các công ty khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, bắt kịp với xu hướng của thế giới.
Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Lienvietpostbank cung cấp dịch vụ Ví Việt. Đối với lĩnh vực chứng khoán, Techcom Securities cung cấp Robo Advisor với công cụ TCWealth, với mỗi kế hoạch tài chính, TCWealth sẽ mô tả dòng tiền chi tiết, đưa ra thông tin cá nhân như thu nhập hằng tháng, thời gian muốn đầu tư...
Ông Trần Anh Tú – Giảng viên Khoa An toàn thông tin, Học viện Kỹ thuật Mật mã cho biết: “Hiện nay đã có những Cty rất mạnh về fintech và hầu hết đều áp dụng blockchain. Khi ứng dụng blockchain, các hoạt động như thanh toán, thế chấp sẽ làm cho tính minh bạch cao hơn do phân quyền cho người dùng nhiều hơn. Trong khi đó, các ngân hàng lại gặp khó khăn hơn trong việc trung chuyển tiền so với fintech ứng dụng blockchain”.
Ở chiều ngược lại, thiếu cấu trúc ngân hàng, fintech sẽ gặp thách thức trong áp dụng công nghệ vào giao dịch banking; thiếu công nghệ tiên tiến, ngân hàng khó hiện thực hóa giấc mơ smart banking... Chính vì vậy, “Việc kết hợp giữa ngân hàng và fintech sẽ giúp củng cố hệ thống bảo mật lẫn nhau và cùng phát triển” – ông Trần Anh Tú chia sẻ.