Sự chênh lệch giá xuất khẩu (XK) quặng, khoáng sản do sự khác nhau về chủng loại khoáng sản, không phụ thuộc vào thị trường XK.
Đó là ý kiến của Bộ Công Thương về vấn đề giá XK quặng, khoáng sản sang Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các thị trường khác.
Có thể bạn quan tâm |
Trước thông tin giá xuất khẩu (XK) quặng, khoáng sản sang Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các thị trường khác, Bộ Công Thương cho biết, sự chênh lệch giá này do sự khác nhau về chủng loại khoáng sản, không phụ thuộc vào thị trường XK và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động này.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng năm 2018, lượng quặng và các loại khoáng sản XK của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn, giá trị đạt trên 65,5 triệu USD. Bình quân, giá quặng XK đạt 988.000 đồng/tấn. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc, lượng quặng và khoáng sản Việt Nam xuất sang chiếm 80% tổng lượng XK, đạt gần 1,2 triệu tấn, kim ngạch hơn 29 triệu USD. Tuy nhiên, giá XK trung bình chỉ đạt 560.000 đồng/tấn, rẻ hơn nhiều so với giá XK quặng sang các thị trường khác.
Về vấn đề này, Cục Công nghiệp phân tích rõ, giá XK theo thống kê của Tổng cục Hải quan mới là giá thành sản xuất, hoặc giá mua quặng của các doanh nghiệp trong nước + chi phí vận chuyển đến cửa khẩu mà chưa bao gồm thuế XK (mức thuế suất từ 5-40%, cao nhất là quặng sắt, titan có thuế suất là 40%) và lợi nhuận XK. Đặc biệt, những số liệu trên chưa tính đến độ ẩm tự nhiên và các yếu tố giảm trừ khác làm tăng khối lượng XK, giá XK giảm (ví dụ quặng sắt mỏ Quý Xa có độ ẩm tự nhiên là 17-20%). Do đó, nếu tính đầy đủ các yếu tố thì giá XK sang thị trường Trung Quốc không thấp hơn nhiều so với giá bán quặng cùng chủng loại, chất lượng so với các thị trường khác trên thế giới.
Không chỉ có vậy, các loại khoáng sản XK vào thị trường Trung Quốc dù có khối lượng lớn nhưng là loại có giá trị không cao, trong khi đó, khoáng sản XK vào các thị trường khác có khối lượng nhỏ nhưng thường là loại có giá trị cao, như: bột Zircon XK sang Hàn Quốc, Nhật Bản đạt giá trị 1.530 USD/tấn; bột silicat siêu mịn giá 1.600 USD/tấn; Bột đá vôi trắng siêu mịn đạt trên 70 USD/tấn, Alumin trên 500 USD/tấn… Vì vậy, khoáng sản XK sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc có giá trị cao hơn nhiều so với thị trường Trung Quốc nếu tính trên khối lượng 1 tấn sản phẩm.
Ở góc độ doanh nghiệp, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, các loại quặng và khoáng sản do Tập đoàn quản lý mỏ và khai thác, như: quặng đồng, kẽm, thiếc, bauxit, sắt, cromit… đều được chế biến thành sản phẩm hàng hoá cuối cùng (kim loại) thành phẩm, như: đồng, kẽm, thiếc, alumia, hidroxit nhôm, ferro chrome… trước khi bán ra thị trường và TKV không XK quặng và khoáng sản dưới dạng thô nên giá thành XK khá cao.
Dẫn chứng với sản phẩm alumina XK sang Trung Quốc từ năm 2013 đến nay, TKV cho biết, năm 2013, XK 158.685 tấn, giá bình quân là 267,95 USD/tấn; các năm 2014, 2015, 2016, 2017 con số tương ứng là: 489.355/326,51; 459.222/307,77; 312.849/247,13; 539.433/326,77 và dự kiến trong 5 tháng đầu năm nay, TKV XK 22.527 tấn alumina sang Trung Quốc với giá bình quân đạt 359 USD/tấn.
Bộ Công Thương khẳng định, trong quá trình kiểm soát hoạt động XK khoáng sản, Bộ đã xây dựng và áp dụng đầy đủ, chặt chẽ quy định về truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, với tất cả các loại quặng, khoáng sản khi XK, tổ chức, cá nhân phải xuất trình cho cơ quan Hải quan hồ sơ chứng minh nguồn gốc khoáng sản hợp pháp.
Trong thời gian tới, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động XK quặng, khoáng sản, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Tổng cục Hải quan để làm rõ số lượng, chủng loại các loại khoáng sản XK để có thông tin chi tiết phục vụ công tác quản lý.
Đặc biệt, để giá XK các loại khoáng sản theo sát biến động giá thị trường thế giới, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ Tài chính và UBND các địa phương nghiên cứu sớm ban hành giá tính thuế XK tối thiểu đối với các loại khoáng sản.