Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá doanh nghiệp thành lập mới quy mô vốn 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 tỷ USD là bất thường.
Gần đây, trường hợp một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, rà soát lại quy định thì thấy một cá nhân nào cũng có thể khai báo mức vốn điều lệ bất kỳ, sau đó nếu không góp đủ chỉ bị phạt vài chục triệu đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là kẽ hở của hệ thống đăng ký doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng là đúng quy định nên không có lý do gì để cơ quan chức năng không cấp phép.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá quy mô vốn này là bất thường. Cơ quan đăng ký kinh doanh đã vừa một mặt tôn trọng đơn vị đăng ký, vừa phối hợp cơ quan liên quan để giám sát, theo dõi việc nộp đủ tiền đã cam kết trong 90 ngày.
“Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát doanh nghiệp. Nếu có việc sửa đổi hồ sơ hay đăng ký lại thì chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý theo pháp luật”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho biết vụ việc là bài học quý giá để quản lý đăng ký kinh doanh theo cơ chế hậu kiểm, song song là nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
18:00, 03/03/2020
13:00, 03/03/2020
18:12, 03/03/2020
Được biết, trong tháng 2, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ; với trên 17.400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 364.000 tỷ đồng (tăng 9,1% về số doanh nghiệp và tăng 47,1% về số vốn đăng ký).
Có gần 12.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 17,1%). Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm với trên 28.000 doanh nghiệp.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.
Nếu doanh nghiệp không góp đủ vốn và không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, theo Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về việc vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp, hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải khắc phục hậu quả bằng cách đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn góp đối với hành vi vi phạm.