Các FTA thế hệ mới được ký kết nhờ sự tích cực và hoàn toàn chủ động của Việt Nam. Tuy nhiên quá trình thực hiện các FTA lại bị “bỏ ngỏ”, thiếu năng lực hiện thực hóa tối đa các lợi ích.
Việt Nam đã ký kết với 12 FTA và 4 FTA đang đàm phán góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế xã hội, khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong toàn cầu hoá và trong các diễn đàn quốc tế.Theo đó, hiệu quả tăng trưởng công nghiệp đạt trên 10%/năm, thặng dư thương mại duy trì năm thứ 3 liên tiếp.
Đặc biệt, duy trì các ngành công nghiệp có quy mô lớn như dệt may thứ 7 thế giới về xuất khẩu, điện tử thứ 12, thuỷ sản thứ 4, đồ gỗ thứ 5… quan trọng hơn là gia tăng được giá trị các sản phẩm.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) điều nuối tiếc nhất là Việt Nam chưa tận dụng được hết các cơ hội mà quá trình hội nhập mang lại.
“Từ góc độ kinh doanh, các doanh nghiệp của chúng ta đã điều chỉnh tốt để thích nghi nhưng lại thiếu năng lực hiện thực hóa tối đa các lợi ích tiềm tàng của quá trình hội nhập mang lại, để bứt phá, để vượt lên”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, có tới xấp xỉ 2/3 lợi ích thuế quan từ các FTA bị bỏ phí. Các doanh nghiệp dân tộc hiện chỉ đóng góp mức dưới 30% tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu, còn lại đến 70% thuộc về FDI.
Có cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, đóng góp của nông nghiệp vào hội nhập kinh tế quốc tế được thể hiện qua giá trị xuất khẩu tới 40 tỷ USD với 12 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD lấy thước tiêu chuẩn CODEX theo quốc tế.
“Các FTA tự do mới được ký kết và đang đàm phán có được là do sự thúc đẩy của các cơ quan nhà nước, Chính phủ thể hiện Việt Nam không chỉ tích cực mà hoàn toàn chủ động. Điều đáng nói là, chúng ta bàn bạc, thảo luận, thậm chí "đấu tranh" để ký các hiệp định nhưng quá trình thực hiện lại chưa tốt, lãng phí. Đây là tồn tại có tính bao trùm nằm ở cả ba trục trục Chính phủ - trục doanh nghiệp - trục người dân, sự tham gia chưa bình đẳng", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Cùng với đó, theo Tư lệnh ngành nông nghiệp, nguồn lực cho thực hiện các hiệp định này còn hạn chế, phân tán thành ra hiệu lực tổng thể khai thác các lợi thế mà đã đàm phán được còn hạn chế.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) từng nhận định, cơ hội được ưu đãi để xuất khẩu thì phần lớn doanh nghiệp Việt Nam lại đang thụ động và chờ người tới đặt hàng.
Thêm vào đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu thông tin về các FTA cũng như các lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan, dẫn đến việc bỏ qua các ưu đãi chính đáng được hưởng. Đó là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt “lép vế” trong việc xuất khẩu và tận dụng ưu đãi từ các FTA để xuất khẩu.
Đại diện của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) nhận định, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các FTA thế hệ mới sẽ mang lại nhiều thách thức không hề dễ chịu, thậm chí doanh nghiệp Việt có thể thua trên sân nhà.
"Thách thức sẽ đến trước, sẽ thấy ngay. Ngay cả khi FTA còn chưa có hiệu lực thì họ đã từng bước xâm nhập thị trường Việt Nam. Đến khi FTA có hiệu lực thì hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của nước ngoài đã tràn ngập, cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt từ trước, doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên sân nhà bởi các doanh nghiệp nước ngoài rất năng động, có đầy đủ nguồn lực về con người, tài chính, hệ thống quản trị rất tốt", đại diện Vinamilk cho hay.
Có thể bạn quan tâm
09:12, 23/04/2019
17:05, 10/02/2019
09:00, 09/02/2019
19:05, 20/12/2018
11:08, 04/12/2018
Do đó, Bộ Nông nghiệp kiến nghị, thứ nhất, với hai hiệp định tới đây là EVFTA và CPTPP, cần xây dựng chương trình thực hiện cụ thể. “Hai hiệp định này là hai hiệp định đẳng cấp có dung lượng thị trường lớn do đó cần tận dụng tạo vị thế cho Việt Nam. Theo đó mỗi Bộ ngành địa phương và doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chương trình cho ngành mình”, Bộ trưởng Bộ N&PTNT nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, cần xây dựng chương trình hành động theo cơ chế phối hợp để tận dụng các hiệp định được ký kết trong hội nhập. “Các Bộ ngành cần xây dựng chương trình hành động của từng bộ ngành theo kế hoạch hành động mà Thủ tướng đã ký phê duyệt đặc biệt với CPTPP và EVFTA sắp tới. Đồng thời, theo dõi tình hình quốc tế có đánh giá và tham mưu kế hoạch cụ thể”, Bộ trưởng Bộ Công thương nói.
Cũng theo Vị Tư lệnh ngành Công thương, những nguy cơ của bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa đơn phương và các âm mưu tấn công vào cơ chế thương mại đa phương diễn ra, do đó sự chủ động hiệu quả của Việt Nam chính là điểm sáng cần tiếp tục đàm phán các FTA cũng như tìm kiếm cơ hội mới.
Các ý kiến cũng cho rằng, cần rà soát bổ sung tham tán ở các nước nhằm thúc đẩy, làm tốt hơn công tác xúc tiến tại các thị trường này.