Bỏ phiếu căng thẳng, bà May lách qua "khe cửa" hẹp!

Cẩm Anh 13/12/2018 10:30

Với việc giành được 200 phiếu bầu tín nhiệm trên tổng số 317 phiếu,Thủ tướng Anh -Theresa May tiếp tục lãnh đạo đảng Bảo Thủ. Brexit hy vọng có đường thoát?

Thủ tướng Anh

Thủ tướng Anh chật vật vượt qua thách thức lãnh đạo trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của đảng Bảo thủ

Với việc giành đa số phiếu trong đảng Bảo thủ, bà May sẽ củng cố vị thế lãnh đạo trong vòng một năm nữa. Tuy nhiên, việc có 117 dân biểu đảng Bảo thủ bỏ phiếu bất tín nhiệm là "điều không dễ chịu chút nào" cho Thủ tướng Anh và là "một đòn thực sự" cho uy tín chính trị của bà.

Có thể bạn quan tâm

  • Trì hoãn Brexit, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

    11:00, 12/12/2018

  • Bỏ phiếu Brexit: Kịch bản nào sẽ xảy ra?

    07:36, 10/12/2018

  • Chính phủ Anh trì hoãn bỏ phiếu Brexit: Bà May toan tính điều gì?

    11:30, 11/12/2018

  • Giá vàng tuần tới: Thêm lực đẩy từ bất ổn Brexit?

    07:45, 09/12/2018

Trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau cuộc bỏ phiếu, bà May cũng đã thừa nhận rằng mặc dù bà đã giành chiến thắng, nhưng  đó là một chiến thắng không dễ dàng.

"Tôi đã lắng nghe ý kiến của những nghị sĩ bỏ phiếu chống lại tôi", bà cho biết - và nói thêm rằng, chiến thắng sẽ là cơ hội để bà tiếp tục thúc đẩy Quốc hội Anh thông qua Brexit.

Chiến thắng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về cơ bản là một bài học tức thì cho Thủ tướng Anh. Theo giới quan sát đánh giá, cuộc bỏ phiếu đã báo trước tương lai cầm quyền của bà khi Thủ tướng Anh đã khẳng định sẽ không tiếp tục lãnh đạo Đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử lần tới vào năm 2022.

Bà cũng nhấn mạnh lại chủ trương không tổ chức bầu cử sớm, bất chấp sức ép từ phe đối lập trong Hạ viện. Việc thông báo sớm kế hoạch rút khỏi vị trí lãnh đạo đảng và chức vụ Thủ tướng có thể xem như một phần gói “mặc cả” của bà May, nhằm thuyết phục các nghị sỹ Bảo thủ “nổi loạn” ủng hộ bà hoàn thành Brexit.

Hiện tại, bà đang phải đối mặt với một “trận chiến” khó khăn để thuyết phục không chỉ các nghị sĩ của đảng mình, mà cả những người trong phe đối lập ủng hộ thỏa thuận Brexit mà bà đã đạt được với Liên minh châu Âu.

Quốc hội Anh dự kiến bỏ phiếu cho thỏa thuận vào thứ ba vừa qua nhưng bà May đã trì hoãn trong bối cảnh sự phản đối lan rộng trong nội bộ chính quyền Anh về các yếu tố của thỏa thuận.

Đối với quan điểm của nhiều nghị sĩ Anh, thỏa thuận Brexit hiện tại của bà May sẽ khiến nước Anh tiếp tục bị ràng buộc với EU vô thời hạn, và không được tự do đàm phán các thỏa thuận thương mại với những đối tác khác ngoài EU sau Brexit.

Theo đó, phần gây tranh cãi nhất của thỏa thuận nằm ở "Backstop" thực hiện để giữ cho Bắc Ireland vẫn nằm trong các quy tắc của EU, cho phép sự di chuyển tự do của hàng hóa và người dân tiếp tục như trước đây.Điều này có ý nghĩa rằng Bắc Ireland vẫn chủ yếu liên kết với EU. Đây là một triển vọng không thể chấp nhận được đối với nhiều chính trị gia ở Anh

Bà May sẽ tới Bruxelles trong một nỗ lựcthuyết phục các đồng minh châu Âu để sửa đổi các chi tiết xung quanh điều khoản "Backstop". Mặc dù cho đến nay, EU đã từ chối đàm phán lại thỏa thuận, tuy nhiên một cuộc họp của Hội đồng Châu Âu sẽ được tổ chức vào thứ Năm tới và tại đó Brexit sẽ được thảo luận.

Đây sẽ là cơ hội cuối cùng của bà May để có một thỏa thuận cho nước Anh trước khi quốc hội Anh bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit trước ngày 21/1/2019. Sau đó, thỏa thuận này sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn.

Do đó, việc trì hoãn bỏ phiếu tại quốc hội Anh vừa qua đã chiếm hết thời gian sửa đổi thỏa thuận và làm tăng nguy cơ "Brexit không thỏa thuận". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bỏ phiếu căng thẳng, bà May lách qua "khe cửa" hẹp!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO