Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Sẽ tiếp tục cải cách công tác quản lý thuế

Hồng Hương 26/05/2018 12:39

Trước các kiến nghị về kết quả quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình 3 vấn đề, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục cải cách công tác quản lý thuế.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng 3 vấn đề cần quan tâm, bao gồm:

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Về tái cơ cấu ngân sách nhà nước, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đang thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, thu NSNN năm 2016, 2017 đều vượt kế hoạch đặt ra, góp phần đảm bảo các nhiệm vụ chi cho nhân sách. 

Cụ thể là, cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu từ dầu thô giảm, thu ngân sách trung ương khoảng 55,6% (giảm so với giai đoạn trước), chính sách thu tiếp tục được hoàn thiện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng mức ưu đãi thấp hơn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, mở rộng thực hiện thu thuế điện tử, hải quan điện tử... 

Về chi ngân sách nhà nước, Chính phủ tiếp tục tập trung quản lý chặt chẽ việc chi ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật chi, đẩy mạnh khoán chi ngân sách nhà nước; chỉ được chi trong dự toán, kiên quyết thu hồi các khoản chi sai; rà soát, sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tiễn... 

Theo Bộ trưởng, thời gian tới sẽ tiếp tục cải cách công tác quản lý thuế đảm bảo công khai, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thuế; tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan kiểm tra, kiểm toán; xử lý nghiêm các sai phạm về thuế... 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng giải trình một số vấn đề liên quan đến quản lý tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước và cơ cấu lại nợ công,...

Tại phiên thảo luận sáng ngày 25/5, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất giải pháp hạn chế lãng phí trong thực hiện các chính sách mà Quốc hội đã ban hành. Sự chậm trễ trong thực thi đã làm lãng phí nguồn lực, ngân sách.

Ví dụ chưa thực hiện đấu giá biển số xe công, nếu thực hiện hàng năm có thể thu về ngân sách khoảng 5.000 tỷ đồng khi tiến hành khoảng 12% biển số xe đẹp. Song khi Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số thì chỉ nêu đấu giá biển số đẹp, chiếm chưa tới 1% biển số xe đẹp. Ngoài ra, quy định này cũng không cho người dân sở hữu biển số tiếp tục với xe tiếp theo, như vậy sẽ hụt thu ngân sách.

"Từ chỗ có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm thì khi vào chính sách chỉ thu vài chục tỷ đồng, rất lãng phí", Đại biểu Cảnh nói và đề nghị cho đấu giá với kho số đẹp được mở rộng hơn.

Tương tự, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng đưa ra một số ý kiến cần Quốc hội xem xét. Đó là, tại địa phương còn phát sinh nợ xây dựng cơ bản và theo thống kê của Kiểm toán Nhà nước thì đến 2017 đã phát sinh nợ là 14.400 tỷ đồng. "Chúng tôi mong muốn Chính phủ có rà soát, điều chỉnh để lần sau chúng ta không có các trường hợp phát sinh như vậy". - đại biểu Mai nói.

Liên quan đến sử dụng nguồn ngân sách, theo đại biểu Mai, "năm 2017 bên cạnh các vấn đề sử dụng nguồn lực đầu tư thì chuyển nguồn cũng là vấn đề tôi khá quan tâm. Con số chuyển nguồn trong năm 2017 là 97587 tỷ đồng – cao nhất trong 3 năm gần đây. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp thì đây cũng có thể coi là một khoản lãng phí. Chính vì vậy, tôi đề nghị trong quá trình sửa đổi luật đầu tư công, chúng ta cũng nên đưa vấn đề này vào theo hướng thu hẹp phạm vi xuống, đảm bảo kế hoạch".

Một vấn đề khác liên quan đến thời hạn giải ngân cũng cần quan tâm, đó là vốn xây dựng cơ bản, theo vị đại biểu này, những năm gần đây có những thời điểm chúng ta giải ngân rất khó khăn mà cụ thể là vốn trái phiếu CP năm 2017 chỉ giải ngân được trên 40%. “Chúng tôi nghĩ rằng có một nguyên nhân đó là luật đầu tư công cho phép kéo dài thời hạn giải ngân trong giai đoạn 5 năm, đây cũng là vấn đề chúng tôi mong muốn được sửa đổi trong luật đầu tư công tới đây”, đại biểu Mai nói.

Một trục trặc khác liên quan tới tình trạng vượt định mức đầu tư. "Theo Luật Đầu tư công thì vượt định mức đầu tư là không cho phép, tuy nhiên qua giám sát thực tế thì chúng tôi cũng thấy rằng chất lượng thực tế tại một số dự án chưa đạt yêu cầu do năng lực tư vấn còn hạn chế dẫn tới tình trạng nhiều dự án vượt định mức đầu tư. Tới đây, Quốc hội cần xem xét lại một số dự án, trong đó có những dự án nổi bật như Bến Thành Suối Tiên, Bến Thành… Chúng tôi mong muốn các tình trạng này sẽ được trấn chỉnh, xử lý". - đại biểu Mai bày tỏ mong muốn.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội yêu cầu chấn chỉnh các dự án vượt định mức đầu tư

    Đại biểu Quốc hội yêu cầu chấn chỉnh các dự án vượt định mức đầu tư

    09:15, 25/05/2018

  • Vì sao giải ngân vốn đầu tư công chậm?

    Vì sao giải ngân vốn đầu tư công chậm?

    09:34, 25/05/2018

  • Vẫn còn nhiều khoản chi lãng phí

    Vẫn còn nhiều khoản chi lãng phí

    06:30, 26/05/2018

  • Chua xót khi còn nhiều đại án tham nhũng, dự án thua lỗ nghìn tỷ

    Chua xót khi còn nhiều đại án tham nhũng, dự án thua lỗ nghìn tỷ

    09:42, 26/05/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Sẽ tiếp tục cải cách công tác quản lý thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO