Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nền nông nghiệp của Việt Nam có tính tự chủ chưa cao, lệ thuộc từ 70-80% nguồn nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài.
Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ tại buổi Tọa đàm với chủ đề: Đối thoại cùng các 'vua nông sản' Việt diễn ra sáng nay (26/10).
Chia sẻ khó khăn, mất mát của công đồng doanh nghiệp khi phải thực hiện các biện pháp cách ly xã hội để phòng dịch COVID-19, khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ mất thị trường, mất cơ nghiệp đã gầy dựng; tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần nhìn lại và chia sẻ với lãnh đạo các địa phương khi đứng trước sự sống-chết của người dân trong bối cảnh mà chúng ta chưa thực sự hiểu nhiều về biến chủng Delta trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 này.
“Chúng ta hãy nghĩ cho nhau, chia sẻ cho nhau, đừng nhìn ở góc độ một bên. Khi đó chúng ta có thể ngồi lại với nhau để cùng kiến tạo một không gian để làm sao thỏa được sự vận hành trong một điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và cho xã hội”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Ông cho rằng, đây là một triết lý không phải chỉ trong đại dịch mà ngay cả sau này, khi bình thường trở lại thì việc đổi vai cho nhau sẽ thấu hiểu nhau hơn và sẽ bớt đi điều gì đó để cùng nhẹ lòng với nhau và rồi việc gì rồi cũng có thể qua. Bộ trưởng thừa nhận, không thể tránh khỏi những sai sót trong quá trình thực thi, khi áp lực rất lớn đối với các lãnh đạo Chính phủ cũng như lãnh đạo địa phương.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, sau đợt dịch này, Chính phủ cũng đã nhận ra bài học về quản trị quốc gia, quản trị vùng, quản trị địa phương, cần phải thông suốt các mệnh lệnh từ trung ương cho tới các địa phương, làm sao phải nhất quán với nhau, tránh hiểu sai, tránh tình trạng cát cứ theo địa giới hành chính.
“Hiện nay, Chính phủ đã có quan điểm rõ ràng là không có “Zezo COVID”, mà sống chung với COVID như nhiều nước đã áp dụng. Các địa phương không được đặt ra các quy định trái với trung ương, nếu trái thì phải xin ý kiến của Thủ tướng. Do đó, hy vọng rằng câu chuyện này sẽ được khắc phục dần”, Bộ trưởng thông tin.
Nhắc đến khái niệm “VUCA” (Bất định – Biến động – Phức tạp – Mơ hồ), Bộ trưởng cho rằng, thế giới sẽ không thể bình thường trở lại được. COVID rất mơ hồ, không biết khi nào sẽ chấm dứt. Do đó, chúng ta cần phải thích nghi và phải nghĩ khác.
"Có lẽ không có từ nào bằng từ “thích nghi” trong bối cảnh thay đổi liên tục. Người ta nói trong bối cảnh đó, đừng ai nghĩ mình lúc nào cũng "nắm cán", tức là đừng nghĩ lúc nào mình cũng thành công hay mình chiến thắng mà không có thất bại hay buộc phải ẩn mình một chút để chuẩn bị lại, vươn lên", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Nói về câu chuyện nguyên vật liệu đầu vào tăng giá cao trong thời gian qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, do chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị đứt gãy và hiện nay, nền nông nghiệp của chúng ta có tính tự chủ chưa cao, lệ thuộc rất nhiều vào khâu đầu vào của nước ngoài, bản thân nền nông nghiệp phải sử dụng đến 70-80% nguồn nguyên liệu mà chúng ta không tự chủ được, phải nhập khẩu toàn bộ, thập chí là tới 70-80%.
“Có một câu hỏi của một vị Đại biểu Quốc hội cũng đã đau đáu nhiều năm qua là “Tại sao chúng ta tự hào là một đất nước nông nghiệp mà bắp cũng phải nhập, đậu nành cũng phải nhập để làm thức ăn chăn nuôi, thức ăn cho thủy sản, tại sao lại như vậy?”. Đây là câu hỏi mà tôi đề nghị tất cả quý vị cùng với Bộ trưởng để chúng ta thảo luận tìm ra cái gì mà chúng ta sẽ thoát ra được thì chúng ta thoát, cái gì chúng ta phải chấp nhận thì chúng ta phải chấp nhận và chúng ta tìm cách khác”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề.
Liên quan đến vấn đề chế biến sâu, theo Bộ trưởng, Nghị định của Chính phủ cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường chế biến sản phẩm, nhưng vì sao vẫn chưa phát triển nhanh, đây là một vấn đề mà Bộ trưởng cũng rất quan tâm.
"Ai cũng biết chế biến sẽ đỡ đứt gãy chuỗi ngành hàng, chế biến tạo giá trị gia tăng cao hơn, nếu công nghiệp chế biến phát triển sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm. Nhưng vì sao sản phẩm xuất thô của chúng ta lại cao hơn sản phẩm chế biến? Nếu như Đài Loan khoảng 80% nông nghiệp xuất khẩu qua chế biến tổng hợp, đóng lon, đóng chai, còn chúng ta ngược lại 80% xuất thô, 20% đóng gói chế biến", Bộ trưởng đặt câu hỏi, đồng thời mong muốn và đặt hàng các doanh nghiệp phải chú trọng và tăng cường chế biến.
Có thể bạn quan tâm
HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 4: Ngành Nông nghiệp tiếp tục là "trụ đỡ" của nền kinh tế
11:00, 07/10/2021
5 điểm nhấn của ngành nông nghiệp
16:32, 30/09/2021
“Chìa khoá” tái cơ cấu ngành nông nghiệp Điện Biên
16:27, 17/09/2021
Số hóa ngành nông nghiệp Hà Tĩnh: Cơ hội và thách thức
01:54, 09/09/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Nâng cao tiềm lực công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp
18:05, 30/03/2021
Vì đâu 12 vụ việc của các “ông lớn” ngành nông nghiệp bị kiến nghị điều tra?
12:05, 22/02/2021