BSR: Chiến lược tạo vị thế

Tiến Dũng 28/03/2018 10:27

Việc cùng lúc đẩy mạnh 2 nhiệm vụ chiến lược là chào bán cổ phần và nâng cấp mở rộng nhà máy sẽ tạo nên vị thế mới cho Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trong những năm tiếp theo.

Ngày 01/3/2018, với mức giá tham chiếu là 22.400 đồng/cổ phần, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn với mã chứng khoán là BSR đã chính thức chào sàn và niêm yết trên sàn giao dịch UPCoM (Hà Nội) với mức giá lên tới 31.300 đồng/cổ phần. Những tín hiệu tích cực về mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR chính là động lực để thu hút các nhà đầu tư.

abc

Ngày 01/3/2018, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn với mã chứng khoán là BSR đã chính thức chào sàn và niêm yết trên sàn giao dịch UPCoM (Hà Nội)

Tín hiệu khả quan

Theo con số thống kê, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý và vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đóng góp vào ngân sách gần 6,5 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư nhà máy. 

Năm 2017, giá dầu thô và các sản phẩm có dấu hiệu phục hồi trở lại đã khiến kết quả SXKD của BSR trở nên vô cùng sáng sủa. Nhờ có chiến lược kinh doanh bài bản và chuyên nghiệp, duy trì hoạt động sản xuất kinh hiệu quả doanh, công tác quản trị tiên tiến, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất nên kết quả sản xuất kinh doanh của BSR năm 2017 đạt được rất khả quan.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2017 của BSR đạt 8.144 tỷ đồng (tương đương trên 350 triệu USD). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 23%, tốt hơn nhiều so với kế hoạch và năm trước (năm 2016 đạt 14%); Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROS) đạt 9,5% ((năm 2016 đạt 6,1%).

Năm 2017, BSR đã tập trung thực hiện thành công 11 giải pháp tối ưu hóa năng lượng, hiệu quả kinh tế mang lại khoảng 3,2 triệu USD. Việc thực hiện thành công công tác tối ưu hoá đã giúp BSR đạt được chỉ số hiệu quả năng lượng EII giảm xuống còn 106,5% (tốt hơn so với năm 2016 - 111,1%).

Bên cạnh đó, BSR cũng đã đẩy mạnh công tác tối ưu hóa công nghệ, trong đó tập trung vào thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng, đa dạng hóa sản phẩm và tìm kiếm cơ hội nâng cao lợi nhuận chế biến của Nhà máy.

Các chỉ số KPI chính của nhà máy tích lũy trong năm 2017 đều được kiểm soát tốt. Chỉ số đánh giá về độ tin cậy của nhà máy lọc dầu và mức độ sẵn sàng vận hành nhà máy là MA, OA, OSF đã có bước cải thiện vượt bậc so với năm 2016 và được xếp vào nhóm thứ hai so với các Nhà máy lọc dầu trên thế giới theo xếp loại của tổ chức Solomon. 

Tính đến hết năm 2017, Công tác an ninh, an toàn và phòng chống cháy nổ được triển khai tốt, BSR đạt trên 15 triệu giờ công an toàn không để xảy ra tai nạn lao động gây mất ngày công.., BSR cũng đã thực hiện thành công công tác đảm bảo an ninh, an toàn Nhà máy trong giai đoạn Bảo dưỡng tổng thể lần 3

Một trong những yếu tố quan trọng và then chốt đó là việc liên tục vận hành nhà máy an toàn khoảng 110% công suất. Trong đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 đối với hơn 7.000 hạng mục thiết bị chính, BSR đã hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, rút ngắn được tiến độ và mang lại hiệu quả hơn 300 tỉ đồng, đáp ứng tất cả các chỉ tiêu đề ra: An toàn -Chất lượng - Hiệu quả. Kết quả này đã và đang góp phần quan trọng trong việc đảm bảo nhà máy vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả và liên tục trong thời gian đến.

Hiệu quả kép

Mặc dù đã đạt được kết quả rất khả quan và con thuyền BSR đang đi đúng hướng nhưng theo ông Trần Ngọc Nguyên – Tổng Giám đốc thì BSR còn cần nhiều việc phải làm nếu muốn đạt được kỳ vọng là doanh nghiệp có vốn hóa cũng như sản xuất kinh doanh hiệu quả nhât Việt Nam.

Hiện tại, song song với quá trình bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng và đăng ký giao dịch trên UPCoM, BSR cũng đã tiến hành thủ tục chào bán 49% số lượng cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Đã có rất nhiều nhà đầu tư lớn bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước “nhòm ngó” và muốn sở hữu lượng lớn cổ phần tại BSR. Nếu việc chào bán thành công, cơ hội để các nhà đầu tư có tiềm lực, có kinh nghiệm và trình độ sẽ trực tiếp tham gia váo công tác quản trị, điều hành. Khi đó những kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến sẽ được áp dụng và phát huy, hy vọng về một viễn cảnh tốt đẹp là hoàn toàn khả thi.

abc

Theo kế hoạch, Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được hoàn thành vào cuối năm 2021.

Bên cạnh việc chào bán cổ phần thì một nhiệm vụ cấp bách và không kém phần quan trọng là mở rộng và nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn. Dự án đã được Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư và được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt với mục tiêu nâng công suất chế biến nhà máy từ 148.000 thùng/ngày (tương đương khoảng 6.5 triệu tấn/năm) lên 192.000 thùng/ngày (tương đương khoảng 8,5 triệu tấn/năm).

Việc mở rộng và nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ giúp nâng cao độ linh động lựa chọn nguyên liệu dầu thô, đảm bảo cung cấp nguồn dầu thô ổn định, lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả cho hoạt động của Nhà máy; sản phẩm xăng dầu làm ra đáp ứng tiêu chuẩn EURO V, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ và đáp ứng nhu cầu các sản phẩm Lọc - Hóa dầu trong nước, nâng cao hiệu quả đầu tư dự án NMLD Dung Quất và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của cả nước và khu vực Trung Trung Bộ.

Đến nay, Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã cơ bản hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; hoàn thành công tác thiết kế tổng thể, hiện các cơ quan thẩm quyền đang xem xét, thẩm định theo quy định; hoàn thành lựa chọn nhà cung cấp bản quyền công nghệ cho các phân xưởng mới. Theo kế hoạch, Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được hoàn thành vào cuối năm 2021.

Như vậy, với những thành quả tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh cùng việc thực hiện tốt những kế hoạch và chiến lược đã đặt ra, hy vọng về một doanh nghiệp có vốn hóa và hiệu quả nhất Việt Nam trong thời gian tới của BSR có lẽ sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
BSR: Chiến lược tạo vị thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO