Sau năm 2018, PVN sẽ không cung cấp khí cho Đạm Cà Mau với mức giá ưu đãi.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, không chỉ riêng nhà máy Đạm Cà Mau, tất cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường là một đòi hỏi bắt buộc.
Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, do đó nếu vẫn còn chế độ ưu tiên, ưu đãi sẽ vô tình tạo ra tính ỷ lại. Doanh nghiệp vẫn có tâm thế tiếp tục đi xin và không chú tâm tự đổi mới hệ thống quản lý để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhưng điều quan trọng hơn, theo ông Thịnh, các doanh nghiệp tham gia thị trường sẽ có phản ứng, thậm chí khởi kiện.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 07/06/2018
11:06, 03/06/2018
Dừng lại là hợp lý
Trước đây, một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói chung cũng như sản xuất phân bón nói riêng thường được nhà nước ưu đãi rất nhiều.
Đối với ngành phân bón, nhà nước đã hỗ trợ giá mua sản phẩm đầu vào như khí, điện, thuế, miễn giảm lãi suất vay vốn… Và đến thời điểm này đã hết thời hạn bù giá thì nên bỏ.
“Tất nhiên những năm đầu bỏ bù giá, doanh nghiệp có thể gặp phải một vài khó khăn, nhưng phải thẳng thắn rằng, thời gian nhà nước “ủng hộ” doanh nghiệp như vậy cũng là vừa đủ” - ông Thịnh nhìn nhận và cho rằng: “Hãy coi đây như một cơ hội để buông dần các ưu đãi, để các doanh nghiệp này tự chứng minh bản thân và tự phải lo đầu ra, đầu vào và tự cải tổ cung cách quản lý để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ đó có thể tự tin tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường”.
“Theo tôi, việc dừng các ưu đãi này đáng ra phải đặt ra từ một vài năm trước, nhưng đến bây giờ đã hết thời gian bù giá mà dừng lại thì cũng là điều hợp lý”, ông Thịnh bày tỏ.
Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, ĐBQH Lê Công Nhường, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, Đạm Cà Mau nói riêng cũng như các nhà máy đạm nói chung nên hoạt động theo cơ chế thị trường.
Việc bù giá có lộ trình thời gian đầu, nhưng khi doanh nghiệp đã ổn định thì không nên bù giá nữa mà có thể điều chỉnh bằng các chính sách thuế.
Theo ông Nhường, được biết, Bộ Tài chính đã có đề xuất giảm thuế xuất đạm xuống còn 5%. Chính vì vậy, thời gian qua cổ phiếu của Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ tăng rất cao. Theo phân tích, cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này tăng là do được ưu đãi thuế. “Chính phủ cũng đã nghiên cứu, khi hết bù giá khí thì sẽ được điều tiết bằng chính sách thuế - ông Nhường cho biết.
ĐBQH Trương Minh Hoàng -Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết, khi Chính phủ đã cho một chu kỳ như vậy thì doanh nghiệp phải có báo cáo chi tiết, được và không được cái gì và phải thực hiện nghiêm túc theo luật ngân sách. “Trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng phải công bằng như những đơn vị khác” - ông Hoàng nhấn mạnh.
Phân tích về việc sau năm 2018, hết bù giá ưu đãi sẽ đưa đến câu chuyện gì đối với Đạm Cà Mau về được và mất trong vấn đề tài chính hay đầu tư?
Ông Thịnh cho rằng, trong khoảng thời gian đầu khi các doanh nghiệp sản xuất phân bón đi vào hoạt động, không chỉ có Đạm Cà Mau mà phần lớn các nhà máy sản xuất phân bón khác đều được hưởng chế độ ưu tiên để giá có thể rẻ hơn khi ra cạnh tranh trên thị trường.
“Nhưng như chúng ta đã thấy, việc nhà nước hỗ trợ quá nhiều từ bù giá khí, thuế, ưu đãi tiền vay… nếu quy ra thành tiền, đây cũng là một số tiền không nhỏ đổ vào các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Tuy nhiên, giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp này vẫn rất cao, thậm chí còn cao hơn nhập từ bên ngoài” - ông Thịnh nhìn nhận.
Cơ hội để doanh nghiệp trưởng thành
Như vậy có thể thấy, nhà nước bỏ tiền ưu đãi, nhưng các doanh nghiệp thì ỷ lại vào sự hỗ trợ. Từ đây dẫn đến nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón không chịu chú ý đến cải tiến công nghệ cũng như nâng cao năng lực tổ chức sản xuất. Do đó, việc để các doanh nghiệp tự lo lắng, tự bươn trải trong nền kinh tế thị trường là việc làm cấp bách hiện nay.
Đánh giá việc bỏ bù giá khí cho Đạm Cà Mau sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của nhà máy, theo ông Thịnh, nếu tiếp tục để doanh nghiệp được hưởng lợi từ “bầu sữa” ngân sách thì doanh nghiệp sẽ không bao giờ tự mình suy nghĩ để đưa doanh nghiệp phát triển.
Ông Thịnh cho rằng, ngay trong tư duy của một số người quản lý doanh nghiệp vẫn còn vương vấn với sự bao bọc của nhà nước. Nhưng chúng ta hãy xem lại, Đạm Phú Mỹ sau khi bỏ bù giá họ vẫn tồn tại và phát triển, thậm chí còn tốt hơn trước đây. Do đó, việc bỏ bù giá là rất cần thiết, từ đây bắt buộc người quản lý doanh nghiệp và người lao động phải “động não” suy nghĩ đổi mới dây chuyền công nghệ của mình để mang lại hiệu quả sản xuất và kinh doanh cao hơn.
“Vì thế, chúng ta không nên quá lo lắng việc bỏ bù giá sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tài chính của doanh nghiệp, và hãy chấp nhận bỏ bù giá đi để doanh nghiệp tự tin tìm hướng đi mới cho chính mình”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Bình luận về câu chuyện này, ông Nhường vì von, ở đây cũng giống như một em bé, thời gian ban đầu phải bú sữa, rồi ăn dặm, sau dần thì ăn thức ăn và biết tự lập. Còn vẫn duy trì bao cấp thường xuyên thì chính chúng ta làm cho doanh nghiệp không bao giờ đủ sức cạnh tranh trên thương trường.
“Nếu đã có lộ trình bù giá ưu đãi từ 2015 – 2018, thì hơn ai hết bản thân những người quản lý nhà máy Đạm Cà Mau cần có những phương án và lộ trình chuẩn bị cho doanh nghiệp, như tiết kiệm vật tư trong quá trình sản xuất, rà soát lại quy trình và phương pháp quản lý.
“Tôi tin, với người lãnh đạo biết lèo lái giỏi thì bỏ bù giá sẽ là cơ hội để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn”, ông Nhường nhìn nhận.