Bước tiến của quản trị đại học

ĐỨC HẠNH thực hiện 07/08/2022 02:37

Tự chủ đại học là tiền đề, tạo nên cuộc cách mạng để giáo dục đại học đổi mới căn bản và toàn diện. Qua đó, các trường đại học có thể hoạt động như một mô hình doanh nghiệp đặc thù.

>>Tự chủ đại học đồng nghĩa với tăng học phí?

Chia sẻ với DĐDN, ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết, nhiều cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã và đang chuyển đổi cơ chế theo hướng tự chủ, trở nên năng động hơn, có năng lực cạnh tranh tốt hơn và phù hợp với xu hướng chung của GDĐH thế giới.

- Thưa ông, thành công và tác động tích cực nhất của cơ chế tự chủ đại học trong thời gian qua là gì?

Qua đánh giá của các hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường, tự chủ đại học tác động tích cực nhất trên lĩnh vực tuyển sinh và đào tạo, tức là tác động mạnh nhất đến chuyên môn và học thuật. Sau đó là các lĩnh vực khoa học công nghệ, tổ chức và phát triển đội ngũ nhân lực.

Thành công lớn nhất của tự chủ đại học là thay đổi tư duy, nhận thức, hành động. Đáng chú ý nhất là việc quản trị đại học đã có thay đổi từ cách thức quản lý Nhà nước tới quản trị nhà trường, phân bổ nguồn lực, phát huy nguồn lực, cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo tới người học. Đây là những thay đổi rất quan trọng tạo điều kiện để các trường thụ hưởng nguồn lực tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Quan trọng nhất, các trường cung cấp chất lượng giáo dục tốt hơn cho người học cũng như cung cấp những sản phẩm, kết quả nghiên cứu phục vụ cộng đồng.

- Mọi sự đổi mới không thể tránh khỏi những trở ngại, trong đó có tự chủ đại học, thưa ông?

Hiện nay, việc thực hiện tự chủ đại học đang gặp một số vướng mắc. Trước tiên, việc triển khai những điều kiện tự chủ theo Luật Giáo dục đại học ở các cơ sở GDĐH còn chậm trễ như thành lập hội đồng trường, kiện toàn bộ máy lãnh đạo quản lý, kiểm định cơ sở GDĐH, xây dựng văn bản quy chế nội bộ. Vướng mắc này một phần do nhận thức và năng lực quản trị đại học, phần khác do thiếu sự quan tâm của các cơ quan quản lý trực tiếp trong việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện theo đúng quy định.

Tiếp theo là những khó khăn do thiếu thốn cơ sở vật chất, yếu về tài chính, năng lực. Cơ cấu về kinh phí, tài chính của các trường phụ thuộc lớn vào nguồn thu học phí; ít nguồn khai thác khác về hoạt động khoa học công nghệ, dịch vụ. Trong khi đó, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho GDĐH tính trên GDP là rất thấp, chỉ đạt từ 0,25 - 0,27%, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực từ 0,6 - 1%. Kinh phí chi thường xuyên cho các trường đại học bị cắt giảm hàng năm theo lộ trình càng gây khó khăn cho các trường trong việc phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao cũng như thúc đẩy nghiên cứu phục vụ cộng đồng.

>>Tự chủ đại học là chặng đường "không chỉ có hoa hồng"

>>Tự chủ đại học: Bài 1 - Thay đổi tư duy

>>Tự chủ đại học: Bài 2 - Luật có nhưng chưa hóa giải được "thế khó"

 Đại học Tôn Đức Thắng-Trường đầu tiên trong cả nước thành công với mô hình tự chủ về tài chính.

Đại học Tôn Đức Thắng-Trường đầu tiên trong cả nước thành công với mô hình tự chủ về tài chính.

- Thưa ông, có nhiều quan điểm cho rằng, tự chủ đại học đồng nghĩa với việc sẽ bị cắt toàn bộ đầu tư nhà nước?

Mục tiêu của tự chủ đại học là phát huy nội lực, phát huy sức mạnh của cả hệ thống và từng đơn vị trong trường tới đội ngũ giảng viên để thu hút các nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo. Khi các cơ sở GDĐH sử dụng nguồn lực của nhà nước hay xã hội tốt hơn, hiệu quả hơn chính là nhà nước cần đầu tư nhiều hơn. Câu chuyện ở đây không phải là các trường xin hỗ trợ từ ngân sách mà cần coi các cơ sở GDĐH là địa chỉ tốt nhất, cần nhất để nhà nước và người học lựa chọn đầu tư. Đầu tư cho GDĐH mang lại lợi ích rất lớn cho trước mắt và lâu dài, cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Quan điểm này khác hẳn với tư duy, nhận thức cho rằng nơi nào cần hỗ trợ mới cấp ngân sách; trường nào thực hiện tốt tự chủ, có khả năng bảo đảm hoặc bảo đảm một phần kinh phí thường xuyên sẽ không cấp ngân sách. Chúng tôi khẳng định, điều này là không đúng. Luật Giáo dục đại học năm 2018 cũng quy định rất rõ, Nhà nước chỉ thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách chứ không phải Nhà nước giảm vai trò cấp ngân sách, đầu tư vào các trường đại học.

Chỉ tiếc rằng, việc chuyển từ cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người học theo quy định trong Luật Giáo dục đại học thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đến nay, việc thực hiện đạt hiệu quả chỉ có lĩnh vực đào tạo giáo viên, nhà nước có đặt hàng, có giao nhiệm vụ để các trường triển khai. Tuy nhiên, với nhiều ngành đào tạo khác, đào tạo sau đại học rất ít, trừ việc đào tạo nguồn giảng viên cho các trường theo đề án. Đây có lẽ là vướng mắc lớn nhất trong tự chủ đại học.

- Từ những vướng mắc trên, Bộ Giáo dục Đào tạo có đề xuất kiến nghị gì để tự chủ đại học thực hiện thành công trong thời gian tới, thưa ông?

Các cơ sở GDĐH rất cần nhà nước tiếp tục đầu tư công thông qua các chương trình, dự án để bảo đảm nguồn lực phát triển bền vững. Chúng tôi đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp, nhất là Bộ Tài chính có lộ trình từng bước nâng cao tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho GDĐH để thời gian tới bằng mức trung bình trong khu vực.

Cùng với đó, chúng ta cần đổi mới cơ chế phân bổ tài chính, ngân sách Nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII “về viếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và Luật Giáo dục đại học để việc đầu tư trúng và đúng vào những nơi hiệu quả nhất, phân bổ và đầu tư theo cơ chế cạnh tranh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Tự chủ đại học đồng nghĩa với tăng học phí?

    07:52, 05/08/2022

  • Tự chủ đại học là chặng đường "không chỉ có hoa hồng"

    02:04, 05/08/2022

  • Tự chủ đại học, 5 trường lọt top tổng thu trên 1.000 tỷ đồng/năm

    15:42, 04/08/2022

  • Đại biểu Lê Quân: Thực hiện tốt tự chủ đại học để có nguồn nhân lực chất lượng cao

    10:56, 25/07/2021

  • Tự chủ đại học: Bài 2 - Luật có nhưng chưa hóa giải được "thế khó"

    07:00, 02/12/2020

  • Tự chủ đại học: Bài 1 - Thay đổi tư duy

    06:00, 30/11/2020

  • Tương lai cho tự chủ Đại học ở Việt Nam

    06:00, 20/11/2020

  • Tự chủ đại học nhìn từ Đại học Tôn Đức Thắng

    06:00, 19/11/2020

  • "Tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý"

    15:00, 09/11/2020

  • “Nguồn” cho tự chủ đại học

    11:00, 10/10/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bước tiến của quản trị đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO