Cả hệ thống chính trị hành động vì doanh nghiệp

Nhóm Phóng viên thời sự 17/02/2018 05:02

Công cuộc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh năm qua của Việt Nam đã được thế giới đánh giá có bước tiến bộ, thuộc nhóm đầu của khối ASEAN. Với quyết tâm của Đảng và Nhà nước, Việt Nam là một trong hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua với 39 cải cách. Trong năm 2017, Việt Nam đã tăng hạng, xếp thứ 68 trên 190 nước về cải thiện điều kiện kinh doanh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sáu vấn đề lớn trong 2018

Thứ nhất, phải tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII. Gắn kết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hoá, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thứ hai, cần nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và triển khai quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Lưu ý, căn cứ tình hình thực tế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương mà kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó, lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo.

Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết Trung ương khoá XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có thể vượt qua những thách thức, nắm bắt được những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đem lại.

Thứ tư, quan tâm hơn nữa đến phát triển có hiệu quả văn hoá, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân.
Thứ năm, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
(Trích phát biểu của TBT tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương)

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Xây dựng tầm nhìn mới APEC

Thứ nhất, liên kết kinh tế, kết nối, tự do hóa thương mại và đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của hợp tác APEC. Các nền kinh tế thành viên đều cam kết sẽ đẩy mạnh hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bô-go, trong đó tập trung hơn vào các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư và các biện pháp giảm rào cản phi thuế quan.
Thứ hai, cần đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vào thị trường toàn cầu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp, quyền năng kinh tế của phụ nữ. Sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nữ nói riêng là những động lực mới thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Thứ ba, tập trung xây dựng những khuôn khổ hợp tác dài hạn về thúc đẩy bao trùm về tài chính, kinh tế, xã hội, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn - đô thị.

Thứ tư, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp về ý tưởng xây dựng tầm nhìn của APEC sau năm 2020. APEC đã thành công trong gần ba thập niên qua. Đây chính là giai đoạn có ý nghĩa then chốt và quyết định đối với APEC. Cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục tích cực đóng góp trong trọng trách xây dựng tầm nhìn mới cho Diễn đàn APEC trong những thập niên tiếp theo.
(Trích phát biểu của Chủ tịch nước tại phiên đối thoại toàn thể giữa các nhà lãnh đạo APEC và Hội đồng tư vấn doanh nghiệp ABAC)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ chủ động thiết kế chính sách

Nền kinh tế có ổn định thì doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước mới có thể phát triển được. Để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, phải tạo sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, bảo vệ tài sản và bảo vệ nhà đầu tư một cách chính đáng, đồng thời phải giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, kể cả phí, lệ phí, nhất là chi phí không chính thức, tránh kiểm tra chồng chéo.

Để phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ, chính quyền cần tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển, cho sự hợp tác giữa khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài, cũng như tạo điều kiện để hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân.

Nhưng bên cạnh đó, Thủ tướng cũng bày tỏ rằng, bản thân các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải phát triển văn hóa doanh nghiệp, nâng cao chất lượng quản trị, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, đừng để sớm rời thị trường.

Nội hàm của Chính phủ kiến tạo trước hết là Chính phủ chủ động thiết kế chính sách để đất nước ta phát triển. Cụ thể, Nhà nước không làm thay thị trường, mà chỉ thiết kế môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng trong nhóm đầu ở khu vực ASEAN mà phải là đứng đầu trong OECD.

Chính phủ phải làm sao phục vụ người dân tốt nhất và là một Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, đồng thời xây dựng Chính phủ điện tử để mang lại lợi ích cho người dân.
(Thủ tướng phát biểu tại phiên chất vấn của Quốc hội)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Quốc hội tiếp tục đổi mới

Trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng của các quyết định theo hướng thực chất hơn, dựa trên những luận cứ, luận chứng khoa học nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo ra được những tác động tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trọng tâm giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018 là thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 và các hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.

Đặc biệt, là năm thứ 3 của nhiệm kỳ nên tại kỳ họp cuối năm 2018, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Điều này đòi hỏi các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải phát huy trí tuệ, sáng suốt trong việc thực hiện các hoạt động giám sát để tạo ra được những chuyển biến tích cực nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém trong thực tiễn thi hành pháp luật.

(Trích bài viết "Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội" nhân kỷ niệm 72 năm người dân Việt Nam trực tiếp bầu cử đại biểu Quốc hội)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cả hệ thống chính trị hành động vì doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO