Ca mổ tim từ Việt Nam truyền trực tiếp đến Singapore

Theo Lê Nga/VnExpress 18/01/2020 18:24

Các bác sĩ Viện tim mạch Quốc gia can thiệp hai 2 ca tim mạch được truyền hình trực tiếp đến Singapore, ngày 17/1.

Ca can thiệp đầu tiên là một bệnh nhân nam 67 tuổi, vào viện vì đau ngực trái dữ dội do nhồi máu cơ tim cấp. Tiền sử bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ là tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và hút thuốc lá nhiều năm. 

Ảnh chụp động mạch vành qua da cho thấy bệnh nhân bị hẹp nặng thân chung động mạch vành trái. Đây là vị trí hẹp rất nguy hiểm do ở ngã ba con đường độc đạo cấp máu vào động mạch vành trái, nhánh chính nuôi trái tim. Tỷ lệ tử vong trong thời gian nằm viện 11,5% nếu bệnh nhân có huyết động ổn định và 32% nếu bệnh nhân kèm sốc tim.

Có thể bạn quan tâm

  • Mổ tim “3 trong 1” người bệnh như được hồi sinh

    09:09, 14/11/2019

  • Hơn 20 tỷ đồng ủng hộ mổ tim trong đêm gala “Trái tim cho em”

    10:02, 09/10/2016

  • Hơn 350 doanh nhân tham dự đấu giá nghệ thuật để mổ tim cho trẻ em Việt Nam

    14:24, 12/12/2015

  • 2.700 em nhỏ sẽ được mổ tim miễn phí

    14:32, 27/09/2015

  • Hải Phòng: "Tiền hậu bất nhất" trong giải quyết khiếu nại

    12:30, 18/01/2020

  • Đổi mới tư duy: Yếu tố quyết định cải cách!

    07:48, 18/01/2020

  • GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 36: Nỗi khổ của ông Công, ông Táo

    06:00, 18/01/2020

  • Săn Insight dịp tết

    05:52, 18/01/2020

Nếu như trước đây, phương pháp phẫu thuật mổ mở để làm cầu nối chủ - vành được coi là lựa chọn hàng đầu. Nay, phương pháp can thiệp động mạch vành qua da kết quả tương đương với phương pháp phẫu thuật. Thay vì phải chờ đợi lịch mổ và chịu đựng cuộc đại phẫu, phải mổ cưa xương ức với thời gian hậu phẫu kéo dài, với phương pháp can thiệp qua da, các dụng cụ can thiệp siêu nhỏ được đưa qua một vết chọc nhỏ tại động mạch quay hoặc đùi, thời gian hồi phục chỉ trong vài ngày là đã có thể ra viện.

Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cùng kíp can thiệp đã tiến hành xử lý cho bệnh nhân. Tổn thương mạch vành ở vị trí phức tạp đã được giải quyết thành công bằng kỹ thuật can thiệp sử dụng 2 stent là những khung lưới kim loại nhỏ được đưa vào lòng mạch vành nhằm mục đích mở rộng lòng mạch và giữ mạch không bị hẹp lại.

Bác sĩ can thiệp tim mạch cho bệnh nhân, ngày 17/1. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Bác sĩ can thiệp tim mạch cho bệnh nhân, ngày 17/1. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Ca can thiệp thứ 2 là một bệnh nhân nam 70 tuổi, bị tăng huyết áp 30 năm nay nhưng không dùng thuốc đều. Trước vào viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau ngực trái lan ra sau lưng dữ dội kèm theo huyết áp tăng rất cao và con số huyết áp 2 tay chênh lệch nhau nhiều.

Phim chụp cắt lớp vi tính đa dãy động mạch chủ cho thấy rõ hình ảnh phình và lóc tách động mạch chủ. Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể đưa máu từ tim đi nuôi toàn bộ cơ thể. Phình động mạch chủ là hiện tượng tăng kích thước khu trú động mạch chủ dạng hình túi hoặc hình thoi gây ra do một điểm yếu trên thành mạch. Khi đường kính ngang động mạch trên 50% so với bình thường thì được xem là phình động mạch chủ.

Tách thành mạch là hiện tượng bóc tách bất thường các lớp của thành động mạch khi có dòng chảy qua một vết rách nhỏ của thành mạch để tạo thành một dòng chảy mới nằm giữa lớp trong và lớp ngoài của thành động mạch chủ (gọi là lòng giả).

Cách điều trị truyền thống là mổ mở thay đoạn động mạch chủ bị tổn thương bằng một ống ghép vật liệu nhân tạo Dacron hoặc PTFE, bệnh nhân phải chịu nhiều đau đớn và nguy hiểm do cuộc mổ kéo dài, thời gian nằm viện lâu, nhiều biến chứng sau mổ. Kỹ thuật can thiệp qua da đặt Stent Graft điều trị bệnh lý động mạch chủ là một bước đột phá của y học hiện đại giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật, thời gian nằm viện và hiệu quả vượt trội so với phương pháp phẫu thuật truyền thống. Tỷ lệ thành công của phương pháp này rất cao, có thể lên đến 97-98%.

Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam được đánh giá là một trong những trung tâm mạnh nhất trong khu vực trong lĩnh vực can thiệp phình lóc động mạch chủ.

Hiện, hai bệnh nhân đều ổn định, có thể xuất viện sau một đến hai ngày can thiệp.

Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore live 2020 diễn ra ngày 15-17/1, là lần thứ 28, với nhiều ca trình diễn kỹ thuật can thiệp tim mạch cơ bản và nâng cao.

Năm nay, Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam là một trong 8 đầu cầu được trình diễn kỹ thuật tim mạch cùn với Trung Quốc, Ấn Độ, Thụy Sỹ... Đây là lần thứ 2 Việt Nam tham gia chương trình này, lần thứ nhất cách đây 11 năm.

"Thành công của 2 can thiệp phức tạp đã được các chuyên gia hàng đầu trong khu vực và bạn bè quốc tế đánh giá cao về chuyên môn và sự hội nhập toàn diện của các bác sĩ Việt Nam", Phó giáo sư Hùng nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ca mổ tim từ Việt Nam truyền trực tiếp đến Singapore
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO