Đó là chia sẻ của nhiều diễn giả tại Hội thảo "Tác động của đổi mới công nghệ đến với các lãnh vực kinh doanh như thế nào" vừa tổ chức.
Theo các chuyên gia, các công nghệ mới như Blockchain, big data, AI, cloud computing, … được xem là những công nghệ trụ cột của công nghiệp 4.0 và tạo ra cách mạng trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ, Blockchain không chỉ nổi tiếng qua bitcoin mà còn được ứng dụng rộng rãi trong truy suất nguồn gốc sản phẩm, quản lý rủi ro trong nông nghiệp, vận hành logistics,…
Các đổi mới công nghệ này cũng tạo ra các loại hình doanh nghiệp mới, được gọi là FinTech và InsurTech, cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng và bảo hiểm trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính.
McKinsey - công ty tư vấn hàng đầu thế giới, dự báo chỉ 3-5 ngân hàng toàn cầu với đầy đủ dịch vụ là còn tồn tại trong cuộc cạnh tranh này. Nhiều chuyên gia, kể cả McKinsey cho rằng ngân hàng thương mại và các sàn giao dịch chứng khoán sẽ không tồn tại hoặc sẽ bị thu nhỏ quy mô trong vòng 10-20 năm nữa vì cạnh tranh của các phương tiện thanh toán và giao dịch thông qua mạng ngang hàng (peer to peer).
Lĩnh vực bảo hiểm cũng sẽ thay đổi mạnh mẽ. Theo một nghiên cứu mới đây của PwC, 52% các lãnh đạo bảo hiểm cho rằng ngành này bị tác động lớn chỉ sau lĩnh vực ngân hàng thương mại.
Tất nhiên, các đổi mới công nghệ không chỉ tạo ra thách thức mà còn tạo ra rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, tiếp cận với nhiều khách hàng hơn và phục vụ họ tốt hơn.
Tác động của các thách thức và cơ hội từ đổi mới công nghệ sẽ được nhân lên nhiều lần trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việt Nam hiện nay tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại trong đó CPTPP mới được phê duyệt gần đây và hiệp định Tự do thương mại châu Âu – Việt nam (EVFTA) dự kiến sẽ sớm được phê duyệt.
Các hiệp định tự do thương mại tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhưng lại tạo ra đe dọa đối với các doanh nghiệp hoạt động nhỏ và lẻ. Thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp FDI, những doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu, đã chứng minh điều này.
Ở Việt Nam, lĩnh vực FDI tuy chỉ chiếm khoảng 20% lao động và vốn, nhưng lại chiếm tới hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Đổi mới công nghệ và hội nhập quốc tế chắc chắn sẽ định hình lại nền kinh tế khu vực và Việt Nam trong những năm sắp tới.
Các chuyên gia cũng nhận định: Sự đổi mới của công nghệ sẽ làm thay đổi trong các lãnh vực kinh doanh, tài chính, bảo hiểm, từ năm 2015 - 2020, Việt Nam sẻ mất khoảng 7 triệu việc làm và những vị trí việc làm kỹ năng thấp sẽ giảm rõ rệt. Thay vào đó AI sẽ phát triển để thay thế con người làm những công việc lặp đi, lặp lại.