Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII đối với ông Tất Thành Cang

Huyền Trang 26/12/2018 17:13

Chiều nay, 26/12, Hội nghị Ban chấp hành TƯ đã xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên TƯ khoá 12; Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Có thể bạn quan tâm

  • Cách chức Thứ trưởng Bộ Công An đối với ông Bùi Văn Thành

    20:32, 08/08/2018

  • Bắt tạm giam cựu Phó Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Tài

    14:40, 08/12/2018

  • Bắt tạm giam nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM liên quan vụ Phan Văn Anh Vũ

    19:47, 19/11/2018

Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng Tất Thành Cang

Theo đó, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên TƯ khoá 12; Phó bí thư thường trực Thành uỷ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là bài học sâu sắc cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Ông Tất Thành Cang hồi tháng 3 năm nay. Ảnh Vnexpress.

Ông Tất Thành Cang hồi tháng 3 năm nay. Ảnh Vnexpress.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, việc kỷ luật là thật đau lòng, song vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới.

“Đây là bài học sâu sắc cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không chỉ đối với đồng chí Tất Thành Cang, mà là bài học chung đối với tất cả chúng ta. Đề nghị từng Uỷ viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất không đáng có đối với Đảng, đất nước và nhân dân, để lại nỗi đau khôn lường đối với người thân, gia đình, đồng chí, bè bạn. Mỗi người chúng ta cần luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng; và danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là đối với mỗi cán bộ, đảng viên...”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá những vi phạm của ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Ông Tất Thành Cang vi phạm gì?

Trong số đó, điển hình là vụ công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn trực thuộc Thành ủy TP.HCM) chuyển nhượng khu đất hơn 32ha (tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Trong vụ việc này, Thành ủy TP HCM xác định, nếu Ban thường vụ không kịp thời chỉ đạo hủy hợp đồng, việc chuyển nhượng thành công sẽ dẫn đến thiệt hại rất lớn, nghiêm trọng.

Theo đó, khu đất 32ha đất đã đền bù là tài sản thuộc Văn phòng Thành ủy TP HCM, do công ty Tân Thuận quản lý. Tuy nhiên, đầu tháng 6.2017, công ty này ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất cho công ty Quốc Cường Gia Lai mà không báo cáo Thường trực Thành ủy và Ban thường vụ Thành ủy. Khi nhận thông tin này (cuối tháng 12.2017), Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng để làm rõ.

Sau đó, Ban thường vụ Thành ủy kết luận, việc ký hợp đồng chuyển nhượng là không đúng thẩm quyền, không đúng quy định. Bước đầu xác định, tổng giá trị chuyển nhượng là 419 tỉ đồng (1,29 triệu đồng/m2), trong khi giá trị thực tế theo thị trường là hơn 2.000 tỉ đồng.

Giai đoạn này, Bộ Chính trị bố trí ông Đinh La Thăng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy để nhận nhiệm vụ Phó Ban Kinh tế Trung ương. Khi đó, ông Tất Thành Cang với cương vị là Phó bí thư thường trực Thành ủy giữ vai trò điều hành chính.

Ông Cang có trách nhiệm trong vụ chuyển nhượng này khi chấp thuận chủ trương cho công ty Tân Thuận chuyển nhượng khu đất không đúng quy định, không đúng thẩm quyền. Ông thậm chí không báo cáo Thường vụ Thành ủy trước khi có quyết định chấp thuận chủ trương trên.

Một vụ việc khác cũng có dấu hiệu sai phạm của ông Tất Thành Cang là ký hợp đồng xây dựng 4 tuyến đường chính ở Thủ Thiêm, thuộc chủ trương đổi hạ tầng lấy đất. Dư luận cho rằng chính quyền TP HCM có ưu ái cho doanh nghiệp khi làm 4 tuyến đường “dát vàng” để đổi lấy đất “kim cương” ngay sát nách thành phố.

Theo đó, giữa tháng 11.2013, UBND TP HCM ký hợp đồng chỉ định công ty Đại Quang Minh đầu tư, xây dựng 4 tuyến đường ở khu đô thị Thủ Thiêm dưới dạng hợp đồng BT (tức xây dựng, chuyển giao). Tổng 4 tuyến đường dài 11,9km, có vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng. (trừ chi phí lãi vay và trượt giá nhà đầu tư nhận 8.200 tỉ nhà đầu tư phải nộp cho thành phố gần 4.000 tỉ đồng).

Mức đầu tư này thuộc hàng “kỷ lục” vì 1 km đường “ngốn” hết gần 700 tỉ đồng. Đổi lại, thành phố sẽ cấp cho Đại Quang Minh khu đất rộng 79ha (bao gồm đất hạ tầng giao thông và công trình công cộng) nằm ở vị trí đắc địa tại quận 2 mà nhiều người nhận định là đất “kim cương” đóng trên P.Thủ Thiêm và P.An Lợi Đông.

Người ký các hồ sơ, văn bản quan trọng trong vụ việc trên là ông Tất Thành Cang, khi đó là Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII đối với ông Tất Thành Cang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO