Nhiều chuyên gia khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về chính sách hơn là cách mạng về công nghệ.
Khi cách mạng công nghiệp 4.0 “xồng xộc” đến, nhiều chuyên gia nhận định rằng, cuộc cách mạng này sẽ mạng lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để “chuyển mình”.
Có thể bạn quan tâm
21:09, 15/09/2018
00:03, 14/09/2018
15:11, 13/09/2018
Tuy nhiên, những tranh cãi xung quanh các câu hỏi cách mạng 4.0 là gì? Việt Nam phải làm gì để có thể bắt nhịp được với cuộc cách mạng lịch sử này dường như vẫn chưa tới hồi chấm dứt.
Tham gia buổi họp báo với các đồng chủ tọa Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) ngày 12/9, quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông – Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một định nghĩa hoàn toàn mới mẻ về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo đó, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định rằng cách mạng 4.0 là cách mạng về chính sách hơn là cách mạng về công nghệ.
“Đây sẽ không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ, mà lớn hơn nữa là cuộc cách mạng về chính sách. Những quốc gia chưa phát triển lắm, với khung pháp lý chưa đủ mạnh, có thể linh hoạt hơn trong việc thử nghiệm mô hình kinh doanh mới, những chính sách mới để tiếp cận các công nghệ mới”, ông Hùng nói.
Quan điểm này được nhìn nhận là một lý thuyết vô cùng mới mẻ. Một cách đơn giản, quan điểm có thể được hiểu rằng cách mạng 4.0 mang đến sự phát triển mới không phụ thuộc vào hay tiếp nối quá khứ. Do đó, các nước đang phát triển, vì không có các chính sách cứng nhắc và khuôn khổ pháp luật vững chắc nên sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Bởi như hình dung của Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam thì cách tiếp cận này được hiểu theo kiểu như: “Tại các nước phát triển các “anh” đã xây xong mọi thứ rồi, muốn xây gì đó mới thì khó bởi phải đập bỏ hoặc hài hoà với cái cũ. Còn ở nước chúng tôi, chưa tồn tại cái gì vững chắc cho nên hoặc xây mới ngay hoặc dễ dàng phá cái cũ hay bỏ qua cái cũ để xây cái mới”, ông Lập nói và nhận định đó là một lý thuyết mới mẻ và độc đáo.
Một điển hình cho sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam có thể kể đến sự phát triển của các loại hình công nghệ mới như Uber, Grab. Như chúng ta đã biết, khuôn khổ chính sách dành cho loại hình công nghệ mới này ở Việt Nam hiện chưa hoàn thiện nên Việt Nam có thể dễ dàng xây dựng một chính sách mới cho cách loại hình công nghệ thời 4.0.
Nhưng, thật đáng tiếc, các chính sách đang được xây dựng cho các loại hình công nghệ thời 4.0 này lại đang “nhốt” các loại hình công nghệ thời 4.0 vào khung pháp lý hơn là để các loại hình công nghệ thời 4.0 này phát triển, mà điển hình là các quy định tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Ví dụ này, có lẽ, là điển hình cho việc vận dụng chính sách, thay đổi chính sách để bắt kịp với cách mạng công nghệ, đây cũng lý do vì sao mà cách mạng công nghệ 4.0 được ví như là một cuộc cách mạng của chính sách và tư duy. Bởi cho dù nền tảng công nghệ và ứng dụng số có phát triển mạnh mẽ đến đâu đi chăng nữa mà tư duy của người làm chính sách không theo kịp cuộc sống, không khuyến khích được các ứng dụng thời 4.0 phát triển thì các ứng dụng khoa học công nghệ thời 4.0 vẫn khó có thể phát triển ở Việt Nam. Khi ấy, rất có thể, Việt Nam sẽ bỏ lỡ “chuyến tàu” mang tên cách mạng công nghiệp 4.0.
Như đã nói, kinh tế số và cách mạng 4.0 chính là cơ hội lớn nhất nhưng cũng là thách thức lớn nhất cho Việt Nam trên con đường hội nhập. Bởi nói như Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thì trong cách cuộc cách mạng trước kia (cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba-PV) những yếu tố đảm bảo cho sự thành công phụ thuộc vào việc khai thác nguồn lực tài nguyên khoáng sản, nguồn lực tài chính nhưng với cách mạng công nghiệp 4.0 lại phụ thuộc vào thể chế, cơ chế chính sách và định hướng phát triển hơn là chỉ dựa vào nền tảng kỹ thuật số.
Đây, có lẽ, cũng chính là một trong những cách để Việt Nam có tận dụng thành công những thành quả mà cuộc cách mạng công nghiệp mang lại.