Thượng tôn pháp luật là xương sống, “kim chỉ nam” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực tế cũng đã chứng minh, có thượng tôn pháp luật thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật, sức ép đối với các doanh nghiệp, doanh nhân càng lớn hơn khi toàn cầu đang bước vào cuộc cách mạng 4.0.
Vậy phải làm để nào để bắt kịp xu hướng thời đại là những câu hỏi lớn đòi hỏi phải có lời giải đáp tại cuộc Tọa đàm “Thượng tôn pháp luật trong thời đại cách mạng 4.0” tổ chức ngày 16/8.
Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC), khi bước vào cuộc cách mạng 4.0, những vấn đề quá khứ tưởng là viễn tưởng thì nay dần hiện hữu. Khi bước vào cuộc cách mạng này, doanh nghiệp Việt Nam xuất phát điểm thấp, quy mô nhỏ, yếu về năng suất.
Tại nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã chỉ đạo cắt giảm thủ tục hành chính tương đối quyết liệt. Và chúng ta đang ở thế chủ động, có những tín hiệu lạc quan khi bắt đầu gia nhập cuộc cách mạng 4.0. Mọi ngành nghề sẽ phải thích ứng, chúng ta sẽ “không ăn ngon ngủ yên” khi cuộc cách mạng 4.0 tác động toàn diện đến chính tri, xã hội, pháp luật, cá nhân mỗi người.
“4.0 sẽ đánh thức Nhà nước, người dân. Chúng ta sẽ phải giải quyết loạt vấn đề. Đối với Chính phủ, không thể điều hành như trước, mà là Chính phủ mở, Chính phủ hội nhập”, ông Huỳnh khẳng định.
Vẫn theo ông Huỳnh, một doanh nghiệp dù nhỏ nhưng cần phải biết cách quản trị, tuân thủ và chấp hành pháp luật. Càng tham gia sâu vào cách mạng 4.0, Chính phủ càng phải mở, nếu chính phủ không đi nhanh không hướng về doanh nghiệp, không hướng về người dân thì sẽ trở thành Chính phủ lạc hậu.
Ông Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, xu hướng hiện nay đang là xu hướng mở, kết nối và chuyển từ trọng tình sang trọng lý, trọng pháp. Đó cũng là câu chuyện của chúng ta hôm nay - nền tảng thượng tôn pháp luật.
Ông Trần Việt Hưng - Trưởng phòng truyền thông Samsung Việt Nam - Đại diện của công ty Samsung chia sẻ, thượng tôn pháp luật là nền tảng của văn hoá doanh nghiệp, của sự phát triển. Nó quan trọng không kém việc áp dụng công nghệ tiên tiến của Samsung.
Luật sư Nguyễn Danh Huế, đồng thời là ông chủ chuỗi cà phê - sách Đông Tây chia sẻ, vừa là luật sư, vừa là chủ doanh nghiệp, ông Huế đồng ý thượng tôn pháp luật trong bất cứ xã hội nào cũng cần thiết, không thượng tôn pháp luật thì không đưa đất nước phát triển được.
Tuy nhiên, theo vị luật sư này, việc vận hành áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh tại Việt Nam còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp vướng tranh chấp, thiệt hại lớn đều có hiểu biết giới hạn về pháp luật.
“Thượng tôn pháp luật thì phải thực hiện từ trên xuống dưới. Phải có chế tài để thực thi pháp luật nghiêm, để thượng tôn pháp luật vừa là trách nhiệm, vừa là đạo đức của mỗi cá nhân, doanh nghiệp”, ông Huế nói.
Cùng “bàn” về thượng tôn pháp luật trong thời đại cách mạng 4.0, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Basico đã cho rằng, không doanh nghiệp nào muốn vi phạm pháp luật. Nhưng thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đang vi phạm pháp luật. Một phần của nguyên nhân này là do sự bất cập trong hiểu biết pháp luật. Và “trong kinh doanh, chiến thắng là người sành sỏi luật pháp”.