Cách một startup Singapore khai phá thị trường Việt Nam

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 03/01/2021 04:15

Doctor Anywhere là ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa, được thành lập tại Singapore vào năm 2015 và bắt đầu gia nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm 2019.

Doctor Anywhere có bước tăng trưởng nhảy vọt nhờ COVID-19, với traffic tăng 8 lần, doanh số tăng 12 lần. Khi được hỏi năm sau có kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng 8 lần, tân CEO thị trường Việt Nam lắc đầu: "Hơi khó! Tôi nghĩ sẽ tăng trưởng ở mức 5 lần!"

Ông Lê Ngọc Hải - CEO Doctor Anywhere Việt Nam.

Ông Lê Ngọc Hải - CEO Doctor Anywhere Việt Nam.

Bước vào thị trường Việt Nam từ cuối năm 2019, Doctor Anywhere (DA) đã thay lãnh đạo cao nhất tại thị trường này.

Tại sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa DA Việt Nam và Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) mới đây, đại diện phía startup này ở cương vị Giám đốc không phải là ông Nguyễn Thành Phan, mà là ông Lê Ngọc Hải. Ông Hải mới đảm nhận vị trí Giám đốc thay ông Phan hồi tháng 7/2020.

Với việc thay lãnh đạo cấp cao nhất tại thị trường Việt Nam, Doctor Anywhere đã có những thay đổi nhanh chóng nhằm thích nghi với trạng thái bình thường mới và những nhu cầu đặc thù tại thị trường địa phương.

Tân Giám đốc chia sẻ, các dịch vụ tại Doctor Anywhere hiện tại gồm dịch vụ tư vấn sức khỏe từ xa, giao thuốc tận nhà, đặt lịch khám, bảo lãnh viện phí, đồng thời sở hữu 2 phòng khám và một nhà thuốc. Theo số liệu từ startup này, hàng tháng thị trường Việt Nam ghi nhận hơn 8.000 giao dịch, trong đó hơn 3.000 giao dịch tư vấn trực tuyến.

Ngoài ra, đơn vị này mới đưa vào hoạt động, ra mắt hệ thống y bạ điện tử theo dõi sức khỏe cho trên 10.000 khách hàng hỗ trợ việc tra cứu, quản lý hồ sơ, bệnh án.

"Đây là tính năng riêng có tại thị trường Việt Nam, ngay cả Singapore cũng chưa triển khai", tân Giám đốc Lê Ngọc Hải cho biết.

Mở rộng tệp khách hàng Premium, nhắm đích Medical Tourism

Một điểm khác biệt của Doctor Anywhere sau khi ông Hải ngồi "ghế nóng" là mở rộng hướng B2B (khách hàng doanh nghiệp), bên cạnh hướng B2C (khách hàng cá nhân), kết hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm mà đơn vị đầu tiên là Bảo Minh, mới đây là PTI. Khi có độ phủ nhất định ở mảng B2B, với chất lượng dịch vụ ổn, thương hiệu Doctor Anywhere sẽ được "truyền tai", tăng trưởng cả ở mảng B2C.

Hiện mảng B2B của startup này đem lại 80% doanh thu tại thị trường Việt Nam.

Cùng hoạt động trong mảng MedTech tại Việt Nam, ngoài Doctor Anywhere, còn có 2 cái tên nổi trội khác là eDoctor và JioHealth.

Ông Hải cho rằng, điểm khác biệt của Doctor Anywhere với các startup khác là "trung cấp dịch vụ".

"Chúng tôi cung cấp tương đối đầy đủ các dịch vụ từ thăm khám, năm tiếp theo chúng tôi sẽ triển khai mảng Premium – phục vụ các khách hàng cao cấp. Đây là mảng mà ở Việt Nam, tôi cho rằng chưa ai "chạm" được vào các khách Premium của khối doanh nghiệp", ông Hải nhìn nhận.

Hiện Doctor Anywhere đang chăm sóc khách hàng Premium của MB Private (tại Ngân hàng TMCP Quân đội). Với dịch vụ Premium, Doctor Anywhere cũng cấp các chuyên gia đầu ngành và các bác sĩ chuyên trách, có mảng kết nối với các bác sỹ Singapore về tư vấn từ xa, và chuyển bệnh nhân qua Singapore nếu cần thiết.

Lợi thế của Doctor Anywhere là dòng vốn và các nhà đầu tư.

Về vốn, startup Singapore này mới gọi được 27 triệu USD hồi tháng 4. Trong khi đó, Jio Health gọi được 5 triệu USD từ hồi năm 2019. Còn eDoctor sau khi xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam cũng gọi được khoản đầu tư 1,2 triệu USD từ 4 quỹ lớn gồm CyberAgent Capital (Shark Dzung ngày ấy vẫn là đại diện của CAC cam kết rót 500.000 USD trên Shark Tank), Genesia Ventures (Nhật Bản), Bon Angels và Nextrans (Hàn Quốc).

Về phía nhà đầu tư, một trong những nhà đầu tư của startup này là Tập đoàn IHH – công ty mẹ của chuỗi phòng khám và chuỗi bệnh viện Mouth Elizabeth ở Singapore, được nhìn nhận đứng số 1 về khám chữ bệnh ung thư và phục vụ các khách hàng cao cấp ở Singapore.

"Tất cả người Việt Nam sang Singapore chữa bệnh đều biết đến Mouth Elizabeth. Người Việt đi Singapore chữa bệnh rất nhiều. Đó là concept Medical Tourism – y tế du lịch. Chúng tôi có thể lo từ A đến Z, từ Việt Nam sang Singapore chữa bệnh, sau đó phác đồ nếu không nằm viện lại bên Singapore mà chuyển về Việt Nam thì chúng tôi cũng có bác sỹ Việt Nam phối hợp cùng để chăm sóc bệnh nhân theo phác đồ điều trị theo yêu cầu của bác sỹ bên Singapore", ông Hải cho biết.

Về kết quả kinh doanh, Doctor Anywhere đã có bước nhảy vọt nhờ COVID-19. Tính trên bình diện toàn khu vực (tại các thị trường Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam), startup này tăng trưởng 4,5 lần.

Riêng tại thị trường Việt Nam, lượt truy cập app đã tăng 8 lần, doanh số tăng 12 lần, bỏ xa mức tăng trưởng của các thị trường lân cận.

Khi được hỏi năm sau có kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng 8 lần, tân Giám đốc thị trường Việt Nam lắc đầu: "Hơi khó! Tôi nghĩ sẽ tăng trưởng ở mức 5 lần!"

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cách một startup Singapore khai phá thị trường Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO