Cách nào giảm tải hạ tầng Hà Nội?

Ths. KTS Lê Hoàng Phương – GĐ Trung tâm Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội (VIUP) 06/10/2018 06:00

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu dứt khoát phải trả lại trụ sở cũ khi di dời, ưu tiên tối đa quỹ đất dành cho công trình công cộng.

Tuy nhiên đến nay Hà Nội vẫn chưa thu hồi được khu đất nào từ các bộ, ngành để xây dựng các công trình công cộng.

br class=

Khu “đất vàng” 138B Giảng Võ (Hà Nội) vốn là trụ sở Trường Đại học Y tế cộng đồng, sau khi qua tay Văn Phú - Invest theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) đã tăng giá lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Từ năm 2013 đến nay Hà Nội có 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khởi khu vực nội thành với diện tích chuyển mục đích sử dụng đất là 34,6ha. Trong đó, diện tích xây dựng nhà ở là 14,2ha, diện tích xây dựng trường học là 4,0ha, diện tích xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 15,0ha và diện tích đất thương mại, dịch vụ là 1,1ha.

Dự án dở dang

Đối với cơ sở giáo dục, hiện có Đại học Y tế công cộng là trường duy nhất thực hiện di dời. Song, khu đất “vàng” của trường tại số 138 Giảng Võ (quận Ba Đình) lại được chuyển đổi xây dựng một tổ hợp dự án nhà cao tầng. Đối với cơ sở y tế, hiện chỉ có Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết trung ương đã xây dựng cơ sở mới và đưa vào sử dụng, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành.

Trong 9 cơ quan đã được bố trí đất, chuyển trụ sở thì 7 đơn vị vẫn tiếp tục giữ trụ sở cũ. Trong đó, các Bộ TN&MT, Khoa học và Công nghệ… được bàn giao cho cơ quan trung ương quản lý hay được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng...

Tiến độ triển khai các dự án di dời (bệnh viện, trường học, trụ sở làm việc) chậm hơn mong muốn do nhu cầu nguồn lực rất lớn trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn vừa qua rất khó khăn. Do đó, các dự án đều trong tình trạng dang dở, chưa hoàn thành, chưa đóng góp giảm tải cho khu vực nội thành.

Đơn cử như dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc với quy mô 1.000ha đáp ứng chỗ học tập cho 60.000 – 100.000 sinh viên đã được lập quy hoạch và chuẩn bị đầu tư từ năm 2011, mặt bằng đã được giải phóng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện không đáng kể do không bố trí được nguồn lực đầu tư.

Huy động đa dạng nguồn lực đầu tư

Chúng ta có thể sử dụng các nguồn lực dự kiến đầu tư cho đường sắt đô thị, cải tạo giao thông để giảm ùn tắc cho hoạt động di dời trường đại học. Việc đầu tư các tuyến giao thông với chi phí quá đắt như hiện nay sẽ không hiệu quả bằng việc di dời quy mô đào tạo từ nội thành ra bên ngoài. Với hiện trạng có khoảng 750.000 sinh viên tại khu vực đô thị trung tâm, chúng ta đặt mục tiêu giảm 300.000 – 500.000 sinh viên ra bên ngoài sẽ giảm áp lực đáng kể tới hoạt động giao thông đô thị. Đồng thời góp phần tái cấu trúc hoạt động kinh tế xã hội của cả vùng.

Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước đang rất khó khăn như hiện nay và trong tương lai gần, việc di dời tổng thể toàn bộ hệ thống trường học, bệnh viện, trụ sở bộ ngành trung ương là không khả thi. Do đó, việc chia nhỏ, xử lý từng cơ sở, đồng thời huy động đa dạng nguồn lực đầu tư, cơ chế chính sách sẽ khả thi về huy động nguồn lực.

Ngoài các cơ sở sản xuất công nghiệp đã cơ bản chuyển đổi xong, còn lại các công trình trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc… đều là các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, di sản quy hoạch kiến trúc có mật độ xây dựng thấp, đóng góp không gian xanh cho khu vực nội thành, chất lượng công trình trung bình có thể tiếp tục đáp ứng hoạt động chuyên ngành đang sử dụng như trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện. Do đó, việc sử dụng cơ sở cũ thực chất chỉ là chuyển cấp khai thác sử dụng. Đối với một số cơ sở có đánh giá cụ thể để chuyển đổi sang mục đích khác, việc thực hiện có sự tham gia thống nhất của các bên liên quan.

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy vẫn giữ lại các cơ sở nội thành để phục vụ hoạt động cho ngành, chỉ giảm quy mô hoạt động, điều chỉnh loại hình hoạt động hoặc chuyển đổi một phần cơ sở nhà đất… góp phần giữ lại lịch sử và truyền thống cho mỗi ngành.

Đối với phương án huy động vốn, Hà Nội là nơi hưởng lợi từ chính đề án thực hiện di dời. Do đó, thành phố cần dùng các nguồn lực và cơ chế để hỗ trợ việc đầu tư xây dựng các địa điểm mới và khai thác sử dụng các địa điểm cũ theo mục tiêu phát triển chung của thành phố. Đặc biệt, thành phố cần hạn chế tư duy sử dụng cơ sở cũ để chuyển đổi tạo nguồn vốn đầu tư.

Bởi, với phương pháp này và với chính sách BT lỏng lẻo các quỹ đất chuyển đổi đã được các nhà đầu tư biến thành các tòa nhà chung cư cao tầng trong thời gian qua sẽ gây áp lực rất lớn đối với hạ tầng hiện hữu tại nội đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cách nào giảm tải hạ tầng Hà Nội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO