Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của năm “bứt phá” năm 2019.
Làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan liên quan để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của năm “bứt phá” 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng, các giải pháp được triển khai hiệu quả, đồng bộ, kịp thời, cả phía cầu và phía cung có thể đạt mức tăng trưởng trên 7%.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trước hết, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, không được để chậm trễ, không để tình trạng “ngâm lâu”, giữ một số quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
"Có một số nghị định cần làm ngay, như nghị định về quy hoạch hay đầu tư xây dựng.Thể chế là số một, cần rà lại, cụ thể hóa vấn đề này, có danh mục kèm theo”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên thực tế, yêu cầu cải cách thể chế luôn là vấn đề được Người đứng đầu Chính phủ và các chuyên gia nhấn mạnh. Đây vừa là yêu cầu vừa là thách thức với Việt Nam không chỉ trong năm 2019. Chia sẻ với DĐDN, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, thách thức lớn nhất trong 10 năm tới là cải cách thể chế. Bởi vì như Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá về năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 55, nhưng đánh giá thể chế lại rất thấp xếp thứ 98. Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới (Wold Bank) cũng đánh giá môi trường kinh doanh của chúng ta đứng thứ 69 nhưng thể chế lại đứng 104.
"Như Thủ tướng từng khẳng định, cần có khát vọng phát triển. Khát vọng này cần đi liền với thể chế phát triển, bao gồm pháp luật, chính sách, bộ máy… Cải cách thể chế sẽ là thách thức lớn bởi hiện bộ máy, hoạt động của bộ máy và khung khổ pháp luật Việt Nam còn nhiều vấn đề cần cải cách mạnh mẽ. Nếu cải cách được thực hiện, sẽ có những tiến bộ, đổi mới được tạo ra một cách bứt phá, là cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân phát triển như đúng trọng tâm phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ và các chuyên gia kinh tế hàng đầu nhận định", ông Doanh chia sẻ.
Cùng với cải cách thể chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu khắc phục tồn tại, yếu kém trong khâu phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng đề nghị mở một số hội nghị về các vùng kinh tế trọng điểm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể đối với các “cực tăng trưởng” quan trọng này, chứ không phải chỉ “họp để bàn, để biết”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung giải ngân 100% vốn đầu tư công. Theo đó, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo trực tiếp đến từng dự án giải ngân chậm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đôn đốc, báo cáo kịp thời vấn đề này lên Chính phủ định kỳ hằng tháng, nếu cần thiết thì thành lập tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra vấn đề này.
Bảo đảm tăng trưởng tín dụng cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch cụ thể, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, phân bổ ngay đến từng ngân hàng thương mại có nhu cầu cấp bách.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh tinh thần “bứt phá” trong năm 2019, bởi đây là năm có vai trò bản lề, nước rút cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và cả Chiến lược 10 năm 2011-2020.
Không chỉ có vậy, tại nhiều sự kiện gần đây, Người đứng đầu Chính phủ đã đề cập tới mục tiêu, tầm nhìn dài hạn hơn. Theo đó, với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045- mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD.
Có thể bạn quan tâm
15:24, 21/02/2019
01:14, 18/01/2019
16:21, 22/12/2018
10:00, 23/11/2018
08:30, 16/11/2018
03:00, 07/03/2019
Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, tạo quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, nền kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng ở mức độ chưa từng có.
Đặc biệt, yêu cầu đổi mới tư duy và nhận thức càng cấp bách khi làn sóng công nghệ đột phá ra đời và đang lan rộng toàn cầu, trở thành trào lưu cách mạng, các quốc gia thu nhập trung bình nếu biết tận dụng thời cơ, tiếp cận công nghệ mới sẽ sớm vượt qua được ranh giới trình độ phát triển, thu hẹp hố ngăn cách giàu nghèo. Theo Thủ tướng, Việt Nam đang ở giai đoạn cần có xung lực mới cho phát triển, không thể đứng ngoài cuộc và cũng không được phép đi sau trong thời đại cách mạng công nghiệp này.
Trước mắt, để hiện thực mục tiêu tăng trưởng trên 7% năm 2019, Thủ tướng cũng yêu cầu nhiệm vụ cụ thể với từng ngành. Đối với nông nghiệp, cần tập trung dập dịch tả lợn châu Phi, giải quyết thị trường xuất khẩu cho sản phẩm gạo, thực phẩm, trái cây, thủy sản, đặc biệt chú trọng vấn đề cá tra, phấn đấu xuất khẩu nông sản tối thiểu bằng mức Chính phủ đã giao, là 43 tỷ USD.
Về công nghiệp, xây dựng, tài nguyên môi trường, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thúc đẩy ngay các dự án công nghiệp, cả khởi công mới và đẩy nhanh tiến độ dự án hiện có của khu vực Nhà nước và tư nhân, kịp thời tháo gỡ những dự án chậm trễ, tồn tại kéo dài.
Về giao thông vận tải, tập trung triển khai ngay các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, ấn định thời gian cụ thể. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo có lộ trình rút ngắn hơn, hiệu quả sớm, trong đó sớm khởi công đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. Tập trung giải ngân tất cả các nguồn vốn đã phân bổ.
Về các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, cần rà soát, cắt giảm các loại phí liên quan. Các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục cắt giảm gánh nặng chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất hơn nữa. Các bộ đều phải trình chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Sự trì trệ của một số sở, ban, ngành, một số cục, vụ làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND phải có biện pháp cụ thể để xử lý vấn đề này, nhất là TPHCM và các vùng kinh tế trọng điểm”, Thủ tướng nói.
Các ngành, các địa phương phải tạo môi trường kinh doanh tốt hơn nữa, thuận lợi hơn nữa, loại bỏ các rào cản gây khó dễ, chậm trễ, vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Mọi nguồn lực cần được tập trung thu hút cho phát triển, tăng trưởng.