PGSTS Trần Việt Dũng, Trưởng khoa luật quốc tế, Đại học Luật TP HCM khẳng định việc thực thi nhiều FTA cùng một lúc sẽ tạo ra nhiều thách thức cho Việt Nam.
- Là một chuyên gia thường xuyên theo dõi quá trình hội nhập. Ông có đánh giá như thế nào về dấu ấn hội nhập của Việt Nam trong năm 2019 và các năm trước đó?
Năm 2019 là một năm quan trọng đối với Việt Nam liên quan tới các hiệp định FTA. Đầu tiên, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – một thỏa thuận tự do thương mại của 11 quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. CPTPP sẽ hình thành một thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu.
Hiệp định CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định tự do thương mại EU- Việt Nam (EVFTA) – hiệp định này sẽ thắt trặt mối quan hệ kinh tế của Việt Nam với 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu. EVFTA sẽ xoá bỏ 99% dòng thuế hàng Việt Nam sang EU và 1% còn lại sẽ được gỡ bỏ thông qua hạn ngạch thuế quan.
Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU. EVFTA và CPTPP là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay, hứa hẹn đem lại những tác động không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong năm 2020, Việt Nam có thể cũng sẽ hoàn tất việc đàm phán ký kết FTA với một số đối tác khác, như FTA với khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) đã khởi động đàm phán từ năm 2012; và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand, đã bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013. Đây cũng là hai hiệp định FTA quan trọng đối với Việt Nam.
-Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia vào hơn 13 Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Vậy theo ông, những tồn tại trong thực thi, thực hiện các Hiệp định thương mại tự do là gì?
Chiến lược ký kiết nhiều FTA của nhà nước là muốn biến Việt Nam thành một trung tâm kinh tế thương mại vị thế có được từ những ưu đãi của tác FTA.
Tuy nhiên, việc thực thi nhiều FTA cùng một lúc cũng tạo ra nhiều thách thức cho Việt Nam.
Trước hết, mỗi FTA sẽ có một quy định, quy chuẩn khác nhau về điều kiện tiếp cận thị trường vì vậy Việt Nam sẽ phải chuẩn bị khung pháp lý phù hợp cho các điều kiện tiếp cận thị trường khác nhau cho từng đối tác trong các hiệp định liên quan. Về nguyên tắc, chúng ta không thể ban hành văn bản để điều chỉnh từng hiệp định, mà sẽ phải theo nguyên tắc khi áp dụng trực tiếp các quy định từng hiệp định.
Các cơ quan nhà nước phải hiểu rõ về quy định cụ thể của các FTA.
Ví dụ, mặc dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 72/2018/QH14 khẳng định áp dụng các cam kết của Việt Nam trong CPTPP, nhưng trên thực tế rất nhiều cơ quan nhà nước còn chưa cập nhật các cam kết của Việt Nam trong CPTPP và vì vậy, chưa tiến hành áp dụng các chế độ thương mại liên quan tới các đối tượng được hưởng ưu đãi.
Vấn đề thực thi FTA không chỉ liên quan tới cơ quan nhà nước, với các doanh nghiệp cũng cần phải hiểu các hiệp định cụ thể. Các doanh nghiệp phải biết rõ yêu cầu của các quy định trong FTA liên quan để được hưởng ưu đãi. Ví dụ như quy chế về xuất xứ hàng hóa và các phương pháp đăng ký xuất xứ hàng hóa trong CPTPP là rất khác với các hiệp định trước đây của WTO hay ASEAN. Doanh nghiệp cũng phải nghiên cứu đầu tư để có thể xin cơ chế tự xác nhận xuất xứ hàng hóa.
-Nhiều chuyên gia cũng lo ngại rằng việc tham gia vào quá nhiều các hiệp định thương mại tự do sẽ khiến doanh nghiệp không thể cạnh tranh được trước sức ép mở cửa quá lớn. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cho rằng, chính sách thương mại của Việt Nam hiện nay đem lại nhiều cơ hội cho sự phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là việc ký kết nhiều các hiệp định thương mại cùng một thời điểm sẽ đem lại nhiều vấn đề cho Việt Nam. Đơn cử như việc xử lý cơ chế ưu đãi hay ngoại lệ đối với từng đối tác thương mại trong các hiệp định khác nhau; thách thức cho các doanh nghiệp từ sự gia tăng cạnh tranh quốc tế vì cam kết mở cửa thị trường, và áp dụng các tiêu chuẩn thương mại quốc tế...
Do đó, Nhà nước sẽ phải có nhiều giải pháp để đối mặt với những vấn đề phát sinh từ việc thực thi các hiệp định thương mại, tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất theo tôi là phải củng cố khung pháp lý hoàn chỉnh hơn, sử dụng các công cụ pháp lý thuần thục hơn.
Cần hiểu rằng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thường có nhiều khoảng “không gian” để quốc gia ký kết giải thích, lựa chọn cách thức thực thi thích hợp vì vậy, quá trình nội luật hóa phải bắt đầu từ việc phân tích cam kết, nhận diện đầy đủ các phương án khả dĩ, sau đó tham vấn, trao đổi để lựa chọn phương án thích hợp nhất.
Nhà nước cũng cần phải phát huy các công cụ pháp lý mới chưa được điều chỉnh bởi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng có thể giúp kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh xuyên biên giới (ví dụ như luật cạnh tranh một cách hiệu quả để hạn chế những hành vi phi cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài).
Có thể bạn quan tâm
14:01, 17/10/2019
12:30, 17/10/2019
-Từ những tồn tại đó, theo ông cần nêu cao vai trò giám sát của Quốc hội như thế nào? Quốc hội cần tập trung những vấn đề gì? Thưa ông?
Tôi cho rằng Quốc hội về cơ bản đã và đang thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình đối với các FTA. Vấn đề chủ yếu nằm ở khâu ứng dụng trong thực tế tại các địa phương. Cần phải đẩy mạnh cơ chế tuyên truyền, huấn luyện cho các chuyên viên của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Quốc hội và Chính phủ cần thông qua các gói hỗ trợ chương trình đào tạo, tuyên truyền FTA cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Chính phủ phải cấp ngân sách cho các bộ chủ đạo (Tổng cục Thuế và Hải quan thuộc Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp) tổ chức các hội thảo, seminar và khóa học ngắn hạn về các chủ đề khác nhau của các FTA.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ thông qua các kênh cơ quan nhà nước mà còn phải thông qua chính cộng đồng doanh nghiệp. Ở đây, các hiệp hội doanh nghiệp và đặc biệt là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ phải đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền về FTA và cập nhật các vấn đề phát sinh từ việc thực thi FTA cũng như giải pháp liên quan.
Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp các doanh nghiệp nhanh chóng hiểu rõ vấn đề và có chiến lược đúng đắn. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động học hỏi hoặc xin ý kiến tư vấn của của các chuyên gia về những vấn đề pháp lý của các FTA.
-Trân trọng cảm ơn ông!